| Hotline: 0983.970.780

VnSAT mang hiệu quả, tác động sâu rộng đến ngành hàng cà phê Tây Nguyên

Thứ Năm 25/11/2021 , 16:53 (GMT+7)

Dự án VnSAT đang giúp ngành hàng cà phê tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

VnSAT đang nâng tầm chất lượng cà phê Tây Nguyên. Ảnh Tuấn Anh.

VnSAT đang nâng tầm chất lượng cà phê Tây Nguyên. Ảnh Tuấn Anh.

Luồng gió mới VnSAT đến với người dân Đăk Hà

Đến thăm Tổ hợp tác Quyết Thắng (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) vào những ngày cuối tháng 11, nơi các thành viên đang khẩn trương cho vụ thu hoạch và tiêu thụ cà phê. Tổ hợp tác Quyết Thắng hiện có 43 thành viên, canh tác cà phê trên diện tích hơn 200 ha.

Ông Nguyễn Duy Toản, Tổ trưởng Tổ hợp tác Quyết Thắng cho biết, mặc dù vụ thu hoạch năm nay cho năng suất chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng của nhiều trận mưa, tuy nhiên giá cà phê ở thời điểm hiện tại lại tương đối cao, khoảng 42.000 đồng/kg nhân đã giúp người dân có lợi nhuận khá tốt.

Theo ông Toản, để giúp người dân sản xuất cà phê bền vững, trong những năm qua, Tổ hợp tác Quyết Thắng đã được hỗ trợ rất lớn từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).

Cụ thể, ngoài việc tập huấn sản xuất và tái canh cà phê bền vững, VnSAT còn hỗ trợ đầu tư mô hình tưới tiết kiệm, sân phơi, nhà kho theo hình thức đối ứng 50/50. Đặc biệt, VnSAT còn đầu tư cho Tổ hợp tác hệ thống đường giao thông nội đồng (1,7 km) tại xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) và đã đưa vào sử dụng.

Việc Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư cho các hộ dân đã mang lại rất nhiều tích cực. Nếu như trước đây, người dân trồng cà phê phần lớn không biết cách chăm sóc nên cho năng suất rất thấp. Tuy nhiên, từ khi được Dự án VnSAT hỗ trợ, người dân đã nắm rõ hơn kỹ thuật chăm sóc, cách bón phân, tưới nước sao cho đạt hiệu quả.

Người dân Đăk Hà phấn khởi mùa thu hoạch cà phê. Ảnh Tuấn Anh.

Người dân Đăk Hà phấn khởi mùa thu hoạch cà phê. Ảnh Tuấn Anh.

Trước đây, người dân rất ngại đến vấn đề tái canh cà phê, nhưng từ khi Dự án VnSAT xuống hỗ trợ tạo ra những vườn cà phê năng sất cao nên nhiều người dân bắt đầu làm theo”, ông Toản chia sẻ.

Cũng theo ông Toản, những năm trước đây, đường đi vào khu sản xuất cà phê của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi được VnSAT đầu tư xây dựng con đường, việc đi lại phục vụ sản xuất cũng như thu hoạch cà phê của người dân thuận tiện hơn rất nhiều. Qua đó, góp phần giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê của người dân trong vùng.

Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Kon Tum cho biết, qua 5 năm thực hiện, bước đầu có thể thấy được hiệu quả mà dự án mang lại như: Nâng cao nhận thức về canh tác cà phê bền vững cho người dân, nhất là nông dân trực tiếp tham gia dự án.Trên cơ sở đó, các hộ dân đã trồng cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê nhằm đa dạng sản phẩm, tăng thêm và ổn định thu nhập trên một đơn vị canh tác, phá bỏ tập quán độc canh.

“Nhìn chung, dự án VnSAT triển khai đã tác động tích cực đến nhận thức và hoạt động sản xuất cà phê hiện tại và lâu dài về sau như: Canh tác cà phê bền vững làm giảm chi phí sản xuất, tăng và ổn định thu nhập; giảm tác hại đến môi trường, nâng cao sức khỏe cho người tham gia sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng cà phê nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung của địa phương”, bà Lương chia sẻ.

Huyện Đăk Đoa và Chư Sê cùng hướng đến cà phê bền vững

Với vùng sản xuất cà phê tại huyện Đăk Đoa và Chư Sê (tỉnh Gia Lai) HTX Nông nghiệp – Thương mại và Du lịch sinh thái Hàm Rồng (trụ sở tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) dù mới thành lập được gần 2 năm nhưng đã được hỗ trợ tích cực từ Dự án VnSAT.

Theo đó, Dự án VnSAT đã hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho các thành viên với tổng diện tích trên 50 ha cà phê. Theo kế hoạch phê duyệt, trong thời gian tới, VnSAT tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho HTX hệ thống sân phơi nhà màn diện tích 6.000 m2 với kinh phí khoảng 4,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, VnSAT sẽ đầu tư hệ thống đường giao thông nội đồng (1,8 km) với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng để phục vụ vùng sản xuất của người dân. Ngoài ra, VnSAT sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững.

Sau 5 năm triển khai, VnSAt đã mang lại hiệu quả rõ nét cho cà phê Tây Nguyên. Ảnh Tuấn Anh. 

Sau 5 năm triển khai, VnSAt đã mang lại hiệu quả rõ nét cho cà phê Tây Nguyên. Ảnh Tuấn Anh. 

Phấn khởi khi được tham gia Dự án VnSAT, ông Lâm Quốc Triều, Giám đốc HTX Hàm Rồng cho biết, với mô hình phát triển cà phê bền vững mà VnSAT đang áp dụng thực sự đang mang lại hiệu quả tích cực không chỉ cho người dân, HTX mà các doanh nghiệp tiêu thụ cũng được hưởng lợi.

Thứ nhất, khi đầu tư hệ thống đường giao thông nội đồng sẽ giúp cho việc sản xuất và thu hoạch cà phê trở nên dễ dàng hơn. Nếu không đường bê tông việc đi lại của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa đường trơn trượt, xe cộ gần như không thể lưu thông.

Thứ hai, hệ thống tưới tiết kiệm đang giúp ích rất nhiều cho các hộ dân, vừa tiết kiệm được nguồn nước, không mất nhiều công sức và chất lượng cà phê sẽ được nâng cao.

Đặc biệt, khi HTX tham gia Dự án VnSAT hiệu quả sẽ tác động rất lớn đến các hộ dân xung quanh để cùng hướng đến mô hình sản xuất cà phê bền vững, qua đó nâng cao giá trị cà phê của Việt Nam.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Kon Tum, Dự án được triển khai tại 3 huyện Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plong với tổng số 17 xã, thị trấn. Số hộ dân tham gia dự án là 4.530 hộ/4.1267 ha, trong đó số hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững là 3.119 hộ/3.388 ha; số hộ tham gia tái canh cà phê bền vững là 1.411 hộ/738,7 ha.

VnSAT Kon Tum cũng đã thành lập và củng cố được 17 tổ chức nông dân, trong đó có 13 Tổ hợp tác và 4 HTX sản xuất cà phê với 1.411 hộ/2.700 ha.

Về hàng hóa thiết bị, VnSAT đã hỗ trợ đầu tư cho HTX Nông nghiệp Công Bằng PôKô hệ thống thiết bị sơ chế cà phê quả tươi và hệ thống tách hạt cà phê nhân khô qua sàng; Hỗ trợ đầu tư Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Đăk Mar hệ thống thiết bị sơ chế cà phê quả tươi, công suất 2-3 tấn/giờ.

Về cơ sở hạ tầng, Dự án VnSAT Kon Tum đã hỗ trợ cho 3 tổ chức nông dân về xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cà phê bền vững, gồm 4,33km đường giao thông nội đồng, 3 nhà kho và 3 sân phơi.

Hiện nay, VnSAT Kon Tum đang tiến hành thi công 41,46km đường giao thông nội đồng  thuộc 2 Tiểu dự án nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững liên kết xã Hà Mòn và Tiểu dự án nâng cấp đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững liên kết xã Đăk La - Ngọc Wang - Đăk Ui và xã Đăk Long (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum).

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.