| Hotline: 0983.970.780

Vốn vay chính sách làm 'bà đỡ' giúp nông dân làm giàu

Thứ Hai 03/10/2022 , 08:35 (GMT+7)

THANH HÓA Từ nguồn vốn vay chính sách ưu đãi, nhiều bà con ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã vươn lên làm giàu.

Phấn khởi trước sự phát triển rừng vầu của gia đình đã trồng gần 6 năm nay, vừa phát cỏ, anh Lương Văn Tuyên ở Bản Giàng, xã Yên Khương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) vừa giới thiệu quy trình chăm sóc, thu hoạch vầu, cùng với thu nhập từ vầu đem lại cho cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lang Chánh.

Ảnh: Cán bộ tín dụng Nghân hàng chính sách xã hội huyện thăm rừng vầu gia đình anh Lương Văn Tuyên

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lang Chánh thăm rừng vầu của gia đình anh Lương Văn Tuyên. Ảnh: Ngọc Thỏa.

Năm 2020, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay vốn 80 triệu đồng cho hộ cận nghèo để mở rộng thêm quy mô trồng vầu, từ 2ha ban đầ, anh Tuyên đã nâng diện tích lên gần 6ha. Nhờ đó, thu nhập từ vầu đem lại cho gia đình anh hiện nay mỗi năm gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm lợn, gà, nuôi trâu, thả cá để tăng thêm nguồn thu nhập.

Tại thôn Trô, xã Giao An (huyện Lang Chánh), gia đình ông Hà Văn Dũng cũng đã được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo chương trình giải quyết việc làm để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng cây cau lấy quả, nhân giống cau bán, đến nay gia đình ông Dũng đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng cau, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Ông Dũng chia sẻ, mới đầu ông chỉ trồng cau xung quanh vườn nhà với gần 1.000 cây, sau một thời gian chăm sóc và thấy cau cho hiệu quả kinh tế, ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô trồng lên đến 10ha, không những thế, ông còn để quả nhân giống cau để bán và truyền lại kỹ thuật cho bà con.

Ảnh: Mô hình trồng cau của gia đình ông Hà Văn Dũng Làng Trô xã Giao An

Mô hình trồng cau của gia đình ông Hà Văn Dũng ở làng Trô, xã Giao An, huyện Lang Chánh. Ảnh: Ngọc Thỏa.

Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lang Chánh đã thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Đến nay, tổng dư nợ các chương trình đạt gần 380 tỷ đồng, tăng hơn 57 tỷ đồng so với đầu năm 2022 với gần 6.720 khách hàng còn dư nợ.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp đỡ bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Lang Chánh đã có thêm nguồn động lực, ý chí quyết tâm thoát nghèo bền vững.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Cả nước có 32 cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh

NINH THUẬN Theo Cục Thú y, cả nước hiện có 32 cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh, trong đó 27 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 38 tỷ tôm post/năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.