Tố Hữu là một nhân vật lịch sử, có sức ảnh hưởng đến đời sống chính trị và văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 20. Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 tại Huế, như chính ông viết “Liên Xô sinh trước đời tôi 3 tuổi”.
Tố Hữu từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tố Hữu vừa là con người cách mạng vừa là con người thi ca, đúng với lời Tố Hữu bộc bạch: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi “trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ!”.
Chương trình nghệ thuật “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện, được truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 4/10 trên VTV1, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tố Hữu.
Chương trình nghệ thuật “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” do gương mặt lừng lẫy của VTV là Tạ Bích Loan làm MC, có sự tham gia của nhà thơ Vũ Quần Phương, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh, Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, Nghệ sĩ Ưu tú Mai Hoa…
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” mà VTV chọn đặt tên cho chương trình nghệ thuật, là câu thơ mở đầu trong bài thơ “Từ ấy” nổi tiếng của Tố Hữu. Tập thơ “Từ ấy” xuất hiện năm 1946, nhanh chóng trở thành sứ giả cho ý thức tranh đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của hàng triệu người Việt Nam yêu nước. Sau tập thơ “Từ ấy”, Tố Hữu được xem như một thủ lĩnh trên thi đàn cách mạng, và ông tiếp tục xuất bản tập thơ “Việt Bắc” vào năm 1954, tập thơ “Gió lộng” vào năm 1961, tập thơ “Ra trận” vào năm 1972, tập thơ “Máu và hoa” vào năm 1977, và tập thơ “Một tiếng đờn” vào năm 1992.
Tố Hữu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên, vào năm 1996. Tố Hữu mất ngày 9/12/2002 tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi.
Bài thơ cuối cùng của Tố Hữu là “Tạm biệt”, gồm bốn câu: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/ Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất/ Sống là cho. Chết cũng là cho”.