| Hotline: 0983.970.780

Vụ công ty phân bón Thuận Phong: Không khởi tố vụ án

Thứ Ba 26/04/2016 , 13:35 (GMT+7)

Sau 1 năm bị niêm phong kho bãi, nhà xưởng sản xuất vì bị nghi vấn sản xuất, làm giả hàng hóa là phân bón, ngày 20/4 vừa qua, Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Đồng Nai) đã có kết luận.


Đại diện Cty CP Thuận Phong đang nhận bàn giao hồ sơ bị tạm giữ 1 năm nay tại cơ quan QLTT tỉnh Đồng Nai

Theo đó, Công ty CP Phân bón Thuận Phong không sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón, đồng thời Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Đồng Nai) cũng đã ra quyết định không khởi tố vụ án.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 25/4/2015, cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai (PC46) tiếp nhận hồ sơ của Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Đồng Nai (Chi cục QLTT) đối với vụ việc: Khiếu Mạnh Tường, TGĐ Công ty CP Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là 7 loại phân bón dạng nước gồm Breakout®; Jackpot®; Vitol®; Ageve PromaxIN1; Zap®; Boron®, Honey®, nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Sau đó cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ về các nội dung cáo buộc nói trên.

Trên cơ sở kết qua điều tra xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ, cơ quan điều tra xác định hành vi của Khiếu Mạnh Tường, TGĐ Công ty CP Thuận Phong chỉ đạo cho các công nhân sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác chính, phụ và trên nhãn hiệu lên các sản phẩm phân bón nhập khẩu của Bio Huma Netics có ký hiệu chuẩn hóa chữ ® là vi phạm Nghị định 99/2013/NĐ-CP, ngày 29/8/2013 của Chính phủ về chỉ dẫn bảo hộ quyền công nghiệp, vì thực tế các sản phẩm của Bio Huma Netics chưa được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Việc dán nhãn hiệu, ghi thông tin Made in USA là đúng bản chất hàng hóa, vì 7 loại phân bón dạng nước nêu trên được sản xuất tại Công ty Bio Huma Netics (Hợp chúng quốc Hoa Kỳ).

Nhưng nhãn phụ ghi được phân phối độc quvền bởi Công ty CP Thuận Phong mà không ghi nội dung thông tin bắt buộc nơi sang chiết, dóng chai tại Công ty CP Thuận Phong (Việt Nam) là vi phạm Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2007/TT- BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngày 24/3/2016, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp nghe Cục C46 - Bộ Công an và PC46, công an tỉnh Đồng Nai báo cáo kết quả điều tra và đề xuất quan điểm không khởi tố vụ án đối với vụ việc trên.

Sau đó, chủ trì cuộc họp là Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an kết luận: Hành vi của Công ty Thuận Phong không có dấu hiệu tội phạm, không đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Những sai phạm của Công ty Thuận Phong chỉ ở mức độ xử lý hành chính.

Trên cơ sở đó, ngày 15/4/2016, Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Khiếu Mạnh Tường, TGĐ Công ty Thuận Phong về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan QLTT tỉnh Đồng Nai xử phạt vi phạm hành chính.

Mặc dù vụ việc đã được cơ quan chức năng làm sáng tỏ, trả lại công bằng cho doanh nghiệp, nhưng thiệt hại Công ty Thuận Phong đang chịu là không nhỏ.

“Từ một doanh nghiệp có trên 200 lao động, tăng trưởng mạnh và ổn định, năm 2014, Thuận Phong vinh dự nhận danh hiệu Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Nhưng đến nay chúng tôi đã gần như mất tất cả: Thương hiệu, uy tín, danh dự, tài sản, cổ đông rút vốn, nhân tài nghỉ việc (mà không thể tuyển dụng được), cả gia sản doanh nghiệp xây dựng suốt 15 năm qua đã sụp đổ hoàn toàn. Sắp tới đây, không biết lấy tiền đâu để phục hồi sản xuất, giờ chúng tôi không chỉ thiệt hại về vật chất, mà kiệt quệ cả về mặt tinh thần”, ông Khiếu Mạnh Tường nói.

Liên quan đến đối tác cung cấp các sản phẩm phân bón dạng nước từ Mỹ, ông Tường cho biết: "Sau khi xảy ra vụ việc, phía đối tác bên Mỹ đặc biệt quan tâm tới vụ việc của công ty chúng tôi. Họ liên tục hỗ trợ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra và thường xuyên liên hệ Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM can thiệp tất cả những nội dung cần thiết để chứng minh cho mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Thuận Phong và Bio Huma Netist là hợp pháp".

Ông Khiếu Mạnh Tường cũng thừa nhận những sai sót về mặt hành chính, và nói: "Qua vụ việc, chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm lại những thiếu sót của doanh nghiệp về mặt kỹ thuật sản xuất cũng như nghiên cứu các văn bản pháp luật và hành lang pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, để không mắc phải những sai sót ngoài ý muốn và không đáng có như vậy nữa".

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.