Đây là tiền mua thức ăn nuôi cá, do ngân hàng trả cho doanh nghiệp chế biến thức ăn nhưng ghi nợ với các hộ nuôi cá khi các hộ đã nhận thức ăn nuôi cá (các hộ không nhận tiền mặt).
Ông Ngô Quang Đức bên những rổ cá chết vừa vớt
Quy định của chuỗi, sau 7 tháng nuôi, các hộ thu hoạch cá phải bán cho Tafishco và lúc này, tiền nợ thức ăn chuyển sang nợ của Tafishco. Trong 3 tháng tiếp theo, Tafishco chế biến xuất khẩu, lấy tiền về trả nợ cho ngân hàng và nợ của các hộ nuôi được quyết toán. Tổng cộng một chu kỳ nợ theo chuỗi kéo dài 10 tháng. Thí điểm 2 năm trước, từ giữa năm 2014 đến 2016, thực hiện như thế và được đánh giá là thành công.
Vì thành công nên thí điểm cho vay theo chuỗi được phép kéo dài thêm 2 năm, từ giữa năm 2016 đến 2018. Đột ngột, đầu tháng 11/2016, vợ chồng chủ Tafishco biến mất. Bất ngờ bắt đầu lộ ra, sổ sách Tafishco chỉ nợ tiền cá của các hộ thực hiện chuỗi liên kết hơn 82 tỷ đồng.
Tại sao ngân hàng cho chuỗi vay 129 tỷ đồng để mua thức ăn nuôi cá mà cá thu hoạch bán cho Tafishco lại chỉ có hơn 82 tỷ? Các hộ nuôi cá rà soát, phát hiện có 2 người trong danh sách đã nhận 51 tỷ đồng tiền thức ăn cho cá tra nhưng không nuôi cá. Một người là chị dâu bà Trinh, một người là lái xe của ông Sơn (chồng bà Trinh). Đằng sau sự việc này là gì, đang được làm rõ. Bước đầu, Tổ xử lý nợ thống nhất loại khoản tiền 51 tỷ đồng này ra khỏi số tiền các hộ nuôi cá theo chuỗi còn nợ ngân hàng. Như thế, chỉ còn 10 hộ nuôi cá theo chuỗi liên kết, nợ ngân hàng hơn 78 tỷ đồng.
Các hộ yêu cầu tuân thủ hợp đồng nguyên tắc thực hiện chuỗi (giữa ngân hàng, Tafishco và các hộ dân) như hơn hai năm qua: Tafishco phải trả hơn 78 tỷ đồng cho ngân hàng, vì đã nhận cá của các hộ dân. Tổ xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang đang ủng hộ quan điểm này. Nếu được vậy, các hộ dân vẫn còn “nợ khó đòi” khoảng 4 tỷ đồng vì bị Tafishco nợ tiền cá hơn 82 tỷ.
Giữa những phức tạp tài chính, phóng viên tìm hiểu còn thấy chuỗi liên kết cá tra từng được Tafishco báo cáo thành công vào tháng 3/2016, vẫn rất manh mún. Trong 10 hộ nuôi cá theo chuỗi, người nuôi nhiều nhất là 4,5ha, người nuôi ít nhất chỉ 0,9ha. Các hộ nuôi cá rải rác khắp tỉnh An Giang. Ở huyện Châu Phú có 4 hộ, huyện Thoại Sơn 2 hộ; còn lại các huyện Phú Tân, Châu Thành, các thành phố Long Xuyên, Châu Đốc mỗi nơi một hộ. Trong lúc, Tafishco có 2 nhà máy chế biến cá tra ở huyện Châu Phú và Châu Thành.
Hộ nuôi cá nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Phu thường trú ở xã Quốc Thái (huyện An Phú), nuôi 4,5ha cá tra ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) cũng đang có nợ nần lớn nhất. Ông bị Tafishco nợ hơn 24 tỷ đồng, và bị ngân hàng ghi nợ tiền thức ăn cho cá hơn 20 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Học là Phó chánh án TAND tỉnh An Giang, nuôi cá khoảng 1ha ở xã Vĩnh Ngươn (thành phố Châu Đốc), bị Tafishco nợ hơn 1,1 tỷ đồng và ngân hàng ghi nợ hơn 2,1 tỷ.
Các hộ nuôi cá vì khoản nợ ở ngân hàng nên đang được yêu cầu trả nợ cũ để được vay nợ mới mua thức ăn cho cá trong ao. Họ không có tiền trả nợ cũ (Tafishco lấy cá chưa trả tiền) đồng nghĩa không có tiền mua thức ăn cho cá nên cá đang nuôi trong ao chậm lớn và bị chết nhiều. Ông Ngô Quang Đức ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú), có 4 ao nuôi cá ở xã Phú Bình (huyện Phú Tân), bị Tafishco nợ hơn 10,6 tỷ đồng và ngân hàng ghi nợ gần 9 tỷ. Không có tiền mua thức ăn cho cá, hàng ngày ông đang phải vớt cá chết đem đi chôn.
“Một ao một ngày cá chết gần 200kg, kéo dài kiểu này chắc chúng tôi sạt nghiệp, chưa biết rồi phải bỏ xứ đi làm thuê làm mướn ở đâu”, tỷ phú cá tra thở dài não ruột.