Theo ông Sơn, đã hai lần ngân hàng cho vay chuỗi liên kết cá tra Tafishco đưa ra phương án tái cơ cấu nợ của nông dân nhưng đều bị Tổ xử lý trả, yêu cầu làm lại.
Đấy là khoản tiền hơn 78,4 tỷ đồng Agribank An Giang trả tiền thức ăn nuôi cá cho doanh nghiệp chế biến nhưng ghi nợ với các hộ nhận thức ăn (không nhận tiền mặt). Sau đó, các hộ đã giao cá cho Tafishco để chế biến xuất khẩu trị giá hơn 82 tỷ đồng. Theo quy định của chuỗi và được thực hiện mấy năm qua, Tafishco phải trả khoản nợ tiền thức ăn cho ngân hàng và còn trả cho các hộ dân gần 4 tỷ.
Phương án tái cơ cấu nợ của ngân hàng yêu cầu các hộ nuôi cá nhận nợ khoản tiền thức ăn hơn 78,4 tỷ đồng, và được khoanh lại với lộ trình thanh toán cụ thể. Việc xử lý tương tự các hợp đồng tín dụng độc lập, giữa ngân hàng với từng hộ, tách khỏi chuỗi liên kết. Nhưng phương án này chưa được Tổ xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang chấp thuận.
Tổ xử lý nợ yêu cầu thực hiện theo nguyên tắc của chuỗi liên kết, Tafishco phải trả nợ ngân hàng tiền thức ăn vì đã nhận cá chế biến xuất khẩu. Nông dân không phải trả khoản tiền thức ăn vì đã giao cá cho Tafishco, hoàn thành trách nhiệm trong chuỗi. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể từng hộ để cân đối giữa tiền thức ăn và giá trị cá đã giao, phần chênh lệch thuộc bên nào thì bên đó thanh toán tiếp.
Danh sách 10 hộ nuôi cá theo chuỗi liên kết Tafishco đã được thống kê nợ khá cụ thể. Trong đó, một nửa số hộ bị Tafishco nợ tiền cá nhiều hơn tiền thức ăn nợ ngân hàng, số này còn được Tafishco trả phần chênh lệch. Nửa còn lại bị Tafishco nợ tiền cá ít hơn tiền thức ăn nợ ngân hàng, từng hộ trả phần chênh lệch cho ngân hàng.