| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất vụ đông xuân

Thứ Tư 05/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại buổi kiểm tra, đôn đốc công tác sản xuất vụ đông xuân tại tỉnh Hải Dương, ngày 4/2.

16-16-03_1
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trò chuyện cùng nông dân xã Tân Hồng, huyện Bình Giang (Hải Dương).


Thiên thời, địa lợi

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, vụ đông xuân 2019 - 2020, địa phương lên kế hoạch gieo cấy 57.250ha lúa, cùng 9.500ha cây rau màu các loại.

Đối với cây lúa, tính đến ngày 3/2, diện tích ruộng có nước toàn tỉnh đạt trên 50 nghìn ha (87,5% kế hoạch gieo cấy). Trong đó, có 5 huyện hoàn thành công tác lấy nước đổ ải là Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà và thành phố Chí Linh. 6 huyện đạt trên 80%, riêng huyện Kinh Môn, diện tích này mới đạt hơn 32%. Ông Quân cho hay, nông dân Kinh Môn đang tích cực khẩn trương thu hoạch hành, tỏi để giải phóng đất để đổ ải, làm đất.

Do thuận lợi về nguồn nước, Hải Dương đã tiến hành làm đất đạt 74,6% diện tích gieo cấy, đảm bảo phục vụ kịp thời vụ đông xuân.

Với trà xuân sớm, địa phương này gieo 650ha mạ từ giữa tháng 12/2019. Tới nay, mạ đã đạt 4 - 4,5 lá, chất lượng đảm bảo. Trà xuân muộn, đã gieo 350ha mạ, đã đạt 1,5 - 2 lá. Một số diện tích phục vụ cấy máy gieo sớm hơn, mạ cứng cây, đanh rảnh.

Cũng theo ông Quân, thời tiết hiện nay cơ bản thuận lợi cho người dân xuống đồng làm đất, gieo cấy vụ đông xuân. Sở đã đôn đốc các địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất. Tới nay, Hải Dương đã gieo cấy được hơn 3 nghìn ha trà xuân sớm.

Dự kiến, ngày 20/2, địa phương cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy theo tiến độ đề ra. Phấn đấu tới 28/2, Hải Dương hoàn thành 100% diện tích lúa đông xuân cả hai trà. “Sở sẽ theo dõi sát sao, yêu cầu các cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn người dân chăm sóc cây lúa, đồng thời theo dõi diễn biến của dịch bệnh. Tích nước chủ động tưới dưỡng cho lúa, tránh tình trạng hạn khi lúa đạt 2 - 3 lá”, ông Quân khẳng định.

16-16-03_2
Kiểm tra công tác sản xuất mạ khay tại xã Tân Hồng.

Năm 2019, tỉnh Hải Dương đã ban hành đề án hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất, trọng tâm là sử dụng máy cấy thay thế sức người. Tuy nhiên, diện tích lúa được cấy mấy của Hải Dương tới nay mới đạt 5%. Theo kế hoạch, phấn đấu tới năm 2025, diện tích này được nâng lên thành 25%.
 

Tới đây, Hải Dương sẽ tập trung hỗ trợ người dân khâu làm mạ với các khay, giá thể và giống, phân bón với mức 50% chi phí. Đồng thời tập huấn, đào tạo người dân làm quen với phương thức cấy lúa bằng máy. Ông Quân khẳng định, với chi phí dưới 300 nghìn đồng/sào lúa, việc cấy máy tiết kiệm, hiệu quả rất nhiều so với phương thức truyền thống hiện nay.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Qua kiểm tra, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao công tác chỉ đạo sản xuất, lấy nước đổ ải phục vụ vụ đông xuân.

Thứ trưởng đề nghị, hiện nay nước và thời tiết thuận lợi, các địa phương, người dân cần tranh thủ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Làm sao để toàn bộ các tỉnh miền Bắc hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 29/2. Đây là yếu tố tiên quyết để hướng tới một vụ đông xuân thắng lợi.

Riêng với Hải Dương, Thứ trưởng đánh giá cao việc ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đưa vào cơ cấu các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao. Nhiều xã của Hải Dương đã và đang hình thành được tổ dịch vụ nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất.

“Những năm tới, chúng tôi đề nghị các tỉnh cần nhân rộng các mô hình cơ giới hóa sản xuất. Chúng ta cần hoàn thiện hơn quy trình kỹ thuật mạ khay. Từ đó nghiên cứu, chuyển giao cho các hợp tác xã các kỹ thuật chuẩn, hạ giá thành sản xuất, tăng giá trị kinh tế cho người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cơ giới hóa sản xuất là xu hướng tất yếu. Các địa phương cần nhân rộng, thúc đẩy phát triển các mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất. Qua đó, thay đổi tập quán sản xuất cũ. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Ông Thanh thông tin, tỷ lệ cấy máy của vùng ĐBSH đạt 35% tổng diện tích. So với các khâu khác như làm đất hay thu hoạch, tỷ lệ này tương đối thấp. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân hiểu hơn lợi ích của cơ giới hóa. Sâu xa hơn là hướng tới tích tụ đất đai, liên kết sản xuất.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV khẳng định, với diện tích gieo cấy 25 tỉnh phía Bắc là 830 nghìn ha, công tác BVTV vô cùng quan trọng. Ngay từ đầu năm, Cục đã chủ động căn cứ vào thời vụ, hình thái thời tiết để lên các kịch bản cho từng vùng riêng biệt.

16-16-03_3
Tỉnh Hải Dương phấn đấu, hoàn thành gieo cấy 100% diện tích lúa đông xuân trước 28/2.

Đối với các vùng như Hải Dương, Hưng Yên, cần lưu ý theo dõi các loại sâu cuốn lá, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, rất dễ nảy sinh và gây hại cho cây lúa. Khi thời tiết ấm hơn, cần lưu ý theo dõi, phòng trừ nếu rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện.

“Chúng tôi cũng rất lưu ý đối tượng rầy lưng trắng. Đây là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen. Đây là bệnh rất nguy hiểm, đã từng gây thiệt hại lớn với ĐBSCL. Cơ quan chuyên môn các tỉnh cần luôn luôn tập trung hướng dẫn bà con giám sát đồng ruộng. Khi thấy các triệu chứng từng loại sâu, bệnh cần kịp thời phòng trừ theo hướng dẫn”, ông Hoàng Trung chia sẻ.

  • Tags:
Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.