| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân 2016 - 2017 phía Bắc: Giảm lúa!

Thứ Tư 30/11/2016 , 09:20 (GMT+7)

Cùng với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi SX sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn, vụ ĐX 2016 - 2017, toàn miền Bắc dự kiến sẽ giảm thêm khoảng 18 nghìn ha lúa.

Tuy nhiên, sẽ cố gắng nâng năng suất bình quân tăng thêm 0,2 tạ/sào.

Đây là kế hoạch đã được Bộ NN-PTNT đưa ra tại hội nghị sơ kết vụ hè thu, vụ mùa 2016, triển khai kế hoạch SX vụ ĐX 2016 - 2017 diễn ra hôm qua (29/11).

15-18-47__mg_5783
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì và chỉ đạo hội nghị
 

Vụ mùa 2016: Vẫn tăng năng suất

Vụ mùa và hè thu 2016 tại các tỉnh phía Bắc đã vấp phải ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, với liên tiếp 4 cơn bão gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (BTB), trong đó nghiêm trọng nhất là cơn bão số 1 ập vào các tỉnh ĐBSH ngay giai đoạn lúa mùa mới gieo cấy.

Kế tiếp là cơn bão số 4 và đợt mưa lũ giữa tháng 10/2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho SX vụ hè thu cũng như việc triển khai SX vụ đông ở các tỉnh BTB. Ảnh hưởng tiêu cực của mưa bão cũng kéo theo tình hình dịch bệnh trên lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc diễn biến hết sức phức tạp, nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ… đã bùng phát và gây hại trên diện rộng.

Mặc dù vậy, theo Cục Trồng trọt, vụ mùa 2016, năng suất lúa trung bình các tỉnh phía Bắc vẫn ước đạt 50,5 tạ/ha, tăng nhẹ 0,1 tạ/ha so với 2015, chỉ riêng vùng ĐBSH năng suất giảm 0,6 tạ/ha do ảnh hưởng bất thường của mưa bão.

Bên cạnh những nỗ lực duy trì năng suất lúa trước thời tiết bất thuận, vụ mùa 2016, xu hướng chuyển dịch cơ cấu SX, nhất là chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị hơn tiếp tục có chuyển biến mạnh.

Cụ thể, toàn miền Bắc đã giảm khoảng 13 nghìn ha lúa so với vụ mùa 2015, trong đó vùng ĐBSH giảm mạnh nhất với trên 9 nghìn ha, vùng BTB giảm khoảng 2 nghìn ha và trung du MNPB giảm khoảng 4 nghìn ha. Tính chung cả năm 2016, toàn miền Bắc đã rút bớt và chuyển đổi được hơn 24,5 nghìn ha đất lúa sang cây trồng khác, tốc độ giảm diện tích lúa nhanh hơn so với năm 2015 khoảng 5 nghìn ha.

Trong đó, đất 2 vụ lúa được chuyển đổi là hơn 13 nghìn ha và hơn 11 nghìn ha đất 1 vụ lúa. Tính chung cả năm 2016, BTB là vùng có tổng diện tích chuyển đổi đất lúa nhiều nhất với khoảng 15 nghìn ha. Các diện tích đất chuyển đổi ở miền Bắc khá đa dạng, nhưng đều là chuyển sang các cây trồng khác có lợi thế, giá trị cao hơn như các loại cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, rau màu các loại…

15-18-47_c9
Bộ NN-PTNT chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cánh đồng lớn gắn với tổ chức tiêu thụ trong vụ ĐX 2016 - 2017
 

Đối với SX lúa, xu hướng chuyển dần từ các giống lúa lai sang các giống lúa thuần chất lượng cao vẫn tiếp tục đẩy mạnh ở phía Bắc, cụ thể diện tích lúa chất lượng cao tăng thêm khoảng 1 nghìn ha ở vụ hè thu vùng BTB và khoảng 2 nghìn ha ở vụ mùa phía Bắc (nâng tổng diện lúa chất lượng ở vụ mùa lên khoảng 456 nghìn ha, chiếm 40% diện tích vụ mùa). Một số tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…, diện tích lúa chất lượng đã vươn lên áp đảo với cơ cấu trên 60% tổng diện tích.
 

Tiếp tục giảm đất lúa

Chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, tiến tới rút bớt khoảng trên 200 nghìn ha đất lúa sang cây trồng khác kết hợp với nuôi trồng thủy sản ở phía Bắc giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo trong vụ ĐX 2016 - 2017.

15-18-47_dscf3430
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại hoa màu sẽ “tăng tốc” trong vụ ĐX 2016 - 2017
 

Theo đó, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy khoảng 1,137 triệu ha lúa, giảm khoảng 18 nghìn ha so với ĐX 2015 - 2016, giảm sản lượng lúa toàn miền Bắc khoảng 93 nghìn tấn so với vụ ĐX trước. Trong khi đó, Bộ NN-PTNT khuyến khích các địa phương tiếp tục thực hiện mạnh việc chuyển đổi từ đất lúa ở vùng khó canh tác sang các loại rau màu gắn chặt với đảm bảo khả năng tiêu thụ. Theo đó, nâng tổng diện tích rau màu các loại trong vụ ĐX tới lên 523 nghìn ha, tăng 27 nghìn ha so với ĐX 2015 - 2016. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn với cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ và phải khẳng định được hiệu quả cao hơn trồng lúa để nông dân yên tâm SX…

Đối với SX lúa, Bộ NN-PTNT chủ trương tiếp tục hạn chế tối đa trà xuân sớm, tăng tối đa trà Xuân muộn gắn với giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng tốt. Trong đó cần đặc biệt lưu ý các giống lúa mẫn cảm với nhiệt độ thấp để bố trí khung thời vụ thích hợp, tránh rủi ro.

Về thời vụ gieo cấy, Cục Trồng trọt lưu ý: Vụ ĐX 2016 - 2017 tiết đại hàn rơi vào ngày 20/1/2017 (đúng ngày Tết Ông Táo); tiết lập xuân vào ngày 3/2/2017 (tức mồng 7 Tết Đinh Dậu). Trên cơ sở đó, tùy thời gian sinh trưởng các từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí khung thời vụ gieo cây cho phù hợp.

Chủ trì và chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý: Vụ ĐX 2015 - 2016, mặc dù dự báo là vụ ĐX ấm nhưng thực tế vẫn xảy ra rét hại kỷ lục trong vòng 60 năm. Vì vậy vụ ĐX 2016 - 2017, mặc dù dự báo của ngành thủy lợi và ngành khí tượng thủy văn tương đối thuận lợi, tuy nhiên không được chủ quan mà phải liên tục theo dõi các dự báo ngắn hạn của ngành KTTV để có các chỉ đạo linh hoạt.

Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác với nguy cơ sâu bệnh, bởi rút kinh nghiệm từ tình hình sâu bệnh vụ mùa 2016 vẫn có tình trạng nhiều địa phương chủ quan, hoặc cơ cấu các giống lúa bị bạc lá. Vì vậy vụ ĐX 2016 - 2017, cần ưu tiên các giống chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, trong đó cơ cấu giống mỗi tỉnh chỉ nên chọn ra 3 - 4 giống để tập trung thuận tiện cho chỉ đạo SX…

 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.