| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân thắng lợi ‘kép’

Chủ Nhật 26/05/2024 , 14:53 (GMT+7)

Được mùa và giá lúa thu mua tại ruộng cao nên người nông dân có lãi lớn, tạo đà cho sản xuất vụ hè thu…

Vụ đông xuân năm nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình gieo cấy gần 29.200ha lúa với các giống chủ lực như Hà Phát 3, VNR20, VN20, QS88, LTH31… Đánh giá về vụ mùa này, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “Dù thời tiết không phải thuận lợi, nhưng việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuất vào canh tác trên đồng ruộng đã cho nông dân một vụ mùa có năng suất cao. Từ đầu vụ đến cuối vụ, giá lúa bán tại ruộng đều cao nên bà con nông dân có lãi lớn hơn những vụ mùa trước đây”.

Đưa thiết bị bay vào sử dụng gieo sạ, rải phân trên cánh đồng huyện Lệ Thủy. Ảnh: T. Đức.

Đưa thiết bị bay vào sử dụng gieo sạ, rải phân trên cánh đồng huyện Lệ Thủy. Ảnh: T. Đức.

Lần đầu đạt năng suất cao…

Vào vụ đông xuân năm nay, toàn huyện Quảng Trạch gieo cấy hơn 3.400ha lúa. Ngay từ đầu vụ, các địa phương đã tuyên truyền, chỉ đạo bà con nông dân thực hiện gieo cấy theo đúng lịch thời vụ. Đến thời điểm này, hầu hết các trà lúa đông xuân trên địa bàn huyện đã chín rộ, bà con nông dân đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để tránh thiệt hại do thời tiết cực đoan, bất thường có thể gây ra. 

Theo ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch, các địa phương đã bố trí hợp lý cơ cấu giống lúa và áp dụng tốt quy trình thâm canh là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Qua đánh giá của các xã cho thấy, hầu hết các địa phương đều được mùa, một số địa phương có năng suất lúa vượt trội, như xã Quảng Kim (70 tạ/ha), Quảng Lưu (69 tạ/ha), Quảng Phương (68 tạ/ha)… “Năng suất bình quân của huyện đạt 64,3 tạ/ha. Đây là con số cao nhất trong những năm gần đây của địa phương”, ông Định cho hay.

Huyện Lệ Thủy, vựa lúa của Quảng Bình với diện tích gieo cấy trên 10.100ha với các giống lúa chủ lực như Nhị Ưu 838, VN20, VNR20, P6… Ông Nguyễn Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho hay, vụ đông xuân năm nay, các địa phương trong huyện được mùa lớn. Năng suất bình quân lúa toàn huyện đạt gần 71 tạ/ha.

“Nhiều địa phương có diện tích sản xuất lớn và có năng suất vượt trội như xã Hồng Thủy (79 tạ/ha), Thanh Thủy (78 tạ/ha), An Thủy, Hoa Thủy (77 tạ/ha)… Năm nay, giá lúa đầu vụ cũng tăng cao ở mức 7,5 - 8 triệu đồng/tấn lúa tươi. Khi bà con gặt đến đâu thì tư thương thu mua đến đó nên rất thuận lợi cho bà con nông dân”, ông Tân nói thêm.

Cánh đồng lúa sử dụng máy gieo sạ cụm được mùa lớn. Ảnh: T. Đức.

Cánh đồng lúa sử dụng máy gieo sạ cụm được mùa lớn. Ảnh: T. Đức.

Trên cánh đồng ruộng sâu của xã Hồng Thủy, bà con đang tập trung thu hoạch lúa. Nông dân Nguyễn Văn Ngọ phấn khởi: “Vùng này rộng khoảng 120ha được bà con cơ cấu giống VNR20. Năm nay thêm vụ lúa “đầy bồ” nữa đấy. Năng suất bà con ước tính cũng trên 80 tạ/ha mà. Nhà tôi có 4 mẫu ruộng (2ha), khi thu hoạch thì tư thương mua luôn lúa tươi tại chỗ. Giá cao, lúa được nên lãi cũng khá, trên dưới 40 triệu đồng mỗi ha đó”.

Một số diện tích của bà con gieo cấy giống lúa VN20 thì luôn đứng tốp đầu về năng suất. Đối với giống lúa này, tư thương thu mua “một nắng” với giá khoảng 9,4 triệu đồng mỗi tấn. Ông Trần Văn Diện (xã Xuân Thủy), có trên 10ha lúa đang thu hoạch cuối vụ cho hay: ‘Khi gặt lúa thì chở về sân phơi được một ngày nắng là tư thương đến mua. Tính ra thì bà con tốn thêm chút công cán và bù lại thì giá cũng nhỉnh lên được tý chút. Vụ này bà con ai cũng vui vì lãi nhiều. Nhà tui cũng có thể cất vào tủ được khoảng 400 triệu đồng”.

Xuôi theo dòng Kiến Giang từ Lệ Thủy về huyện Quảng Ninh, nhìn những cánh đồng lúa bát ngát vào cuối vụ gặt. Năm nay, Quảng Ninh gieo cấy hơn 5.200ha lúa. Để bảo đảm năng suất, sản lượng vụ đông xuân đạt kế hoạch, Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân quan tâm cải tạo, tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất. Cùng với việc xây dựng các phương án sản xuất cụ thể, huyện chú trọng triển khai giải pháp chuyển dịch cơ cấu giống; đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với từng chất đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%.

Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho hay: “Nhờ chủ động nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất lúa; bảo đảm phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng thời điểm nên hầu hết diện tích lúa trên địa bàn cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh thu hoạch cơ bản xong. Năng suất bình quân đạt trên 64 tạ/ha”.

Đưa cơ giới hóa, công nghệ vào sản xuất vụ đông-xuân để giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cánh đồng. Ảnh: T. Đức.

Đưa cơ giới hóa, công nghệ vào sản xuất vụ đông-xuân để giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cánh đồng. Ảnh: T. Đức.

Chúng tôi về xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), khi bà con đã thu hoạch xong và gấp rút triển khai vụ hè thu. Hiện, cây lúa trên đồng đã bén màu xanh. Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã cho hay, ở đây bà con chủ động lách vụ gieo trồng nên chủ động hơn với thời tiết cực đoan. Những diện tích khó khăn trong canh tác thì bà con gieo cấy trước nông lịch khoảng 10 - 15 ngày.

“Khi những nơi khác đang chớm vào vụ gặt thì bà con ở đây đã thu hoạch xong đâu vào đó, tăng cường làm đất cho vụ hè thu. Một số diện tích thì được bà con chuyển đổi sang trồng dưa hấu vụ hè. Nhờ vậy mà thu nhập trên đơn vị diện tích được tăng lên, bà con nông dân không bị áp lực về thời vụ mà chủ động hơn với thời tiết”, ông Hưng nhìn nhận.

Vừa đi thăm đồng, ông Hoàng Phố (xã Hàm Ninh), cũng trò chuyện. Ông Phố bảo, năm nay, nhà ông thuê ruộng làm 3 mẫu (1,5ha). Lúa má cứ tốt bời bời. Khi thu hoạch nhìn bông lúa dài, hạt mẩy vàng ươm thật bắt mắt. “Tính sơ sơ thì gia đình cũng có lãi trên bốn chục triệu đồng đó chớ. Bữa nay làm nông cũng không còn vất vả như trước đây nên bà con cũng đỡ được nhiều lắm”, ông Phố bộc bạch thêm.

Niềm vui trên cánh đồng “công nghệ”

Cũng trong vụ đông xuân này, một số địa phương đã đưa công nghệ vào sản xuất trên đồng ruộng. Hiệu quả sản xuất cao như liều thuốc hỗ trợ nông dân mạnh dạn mở rộng mô hình để hướng đến nền nông nghiệp công nghệ, hữu cơ.

Tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hàm Hóa (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh), đã tổ chức liên kết cùng nông dân, doanh nghiệp triển khai mô hình gieo sạ cụm bằng máy. Ông Nguyễn Hữu Bằng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hàm Hóa, cho biết, diện tích của mô hình này trên 10 ha. “Đưa máy móc vào làm đất, gặt và nay là gieo sạ cụm giúp tiết kiệm chi phí đầu vào cho nông dân rất nhiều khoản như nhân công, giảm lượng giống, giảm bảo vệ thực vật… nên lợi nhuận trên cánh đồng ngày càng được nâng lên. Qua đó, người nông dân hồ hởi đón nhận công nghệ mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cánh đồng”, ông Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, những vụ sau, đơn vị tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích gieo sạ bằng máy, tạo vùng sản xuất lúa hướng hữu cơ để có thêm được những vụ mùa thắng lợi “kép” là được mùa, được giá.

Nông dân Quảng Bình có mùa vụ thắng lợi, cho lãi lớn trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T. Đức.

Nông dân Quảng Bình có mùa vụ thắng lợi, cho lãi lớn trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T. Đức.

Trên cánh đồng xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy), vụ mùa chưa kết thúc và nông dân cũng đang bàn tán về anh nông dân trẻ Trần Văn Khánh đã mạnh dạn đưa công nghệ về làng.

Vụ đông xuân này, anh Khánh mạnh dạn thuê của bà con đất lúa bạc màu để đưa canh tác theo hướng hữu cơ vào sản xuất với mong muốn cải tạo đất ruộng và lâu dài sẽ làm mô hình lúa - cá. Điều mới mà bà con luôn muốn “lắng nghe, thấu hiểu” là anh Khánh đã sử dụng thiết bị bay trong các khâu gieo sạ, bón phân…

“Đây là những công đoạn mà người nông dân phải tốn nhiều công, chi phí đầu tư nhất trong quá trình sản xuất. Vì vậy, giải quyết được vấn đề thay thế lao động thủ công bằng công nghệ cao sẽ tiết giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, đưa năng suất cây trồng lên cao là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong nông nghiệp”, anh Khánh cho hay.

Mô hình "tích tụ ruộng đất” đưa cơ giới hóa, công nghệ vào tất cả các khâu trong quy trình sản xuất như làm đất, gieo, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và sản xuất theo hướng hữu cơ của anh Trần Văn Khánh đã thu được hiệu quả cao ngay từ vụ lúa đầu tiên. “Vụ đầu sẽ có chi phí cao hơn những vụ sau. Nhưng cánh đồng “công nghệ” cao cũng đã cho mức lãi trên 30 triệu đồng mỗi ha. Đó cũng là động lực cho những người nông dân trẻ dám nghĩ dám làm trên đồng ruộng quê hương mình”, anh Khánh chia sẻ thêm.

Xem thêm
Bình Thuận giải quyết thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý

Tỉnh Bình Thuận đã thống nhất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý, trong đó cho đầu tư các hạng mục công trình, nâng cấp công suất nhà máy nước.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

2 sản phẩm sâm Ngọc Linh có tiềm năng đạt OCOP 5 sao

Theo đó, có hai sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là rượu sâm Ngọc Linh K5 Premium và rượu Quốc Tửu K5 của Công ty cổ phần Vingin.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm