| Hotline: 0983.970.780

Vụ lúa - tôm thắng lớn

Thứ Hai 03/01/2022 , 18:02 (GMT+7)

KIÊN GIANG Vụ lúa - tôm năm nay thời tiết thuận lợi, nông dân thắng lớn cả về diện tích gieo trồng, năng suất và giá bán. Bà con thu nhập hàng chục triệu đồng/ha.

Nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đang thu hoạch rộ vụ lúa - tôm (lúa mùa gieo cấy lấp vụ trên nền đất nuôi tôm) với niềm vui trúng mùa, được giá. An Minh là huyện có diện tích sản xuất vụ lúa - tôm lớn nhất vùng, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, nông dân rửa mặn hiệu quả nên diện tích xuống giống vượt so với kế hoạch đề ra.

Nông dân huyện An Minh thu hoạch lúa - tôm với niềm vui trúng mùa, được giá. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân huyện An Minh thu hoạch lúa - tôm với niềm vui trúng mùa, được giá. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, lúa mùa 2021 huyện có kế hoạch xuống giống 21.000 ha, nhưng diện tích nông dân gieo cấy tăng, đạt 23.566 ha. Lúa năm nay phát triển khá tốt, hiện trà lúa đã vào giai đoạn chín, thu hoạch. Các giống lúa chủ lực được nông dân xuống giống nhiều là Một bụi đỏ, ST5, ST 24, ST25, OM 5451, OM 2517, Đài Thơm 8 và các giống lúa lai.

Diện tích lúa nông dân huyện An Minh đã thu hoạch đến nay khoảng 6.000 ha, năng suất bình quân ước đạt 4,83 tấn/ha. Lúa thu hoạch xong, có nhiều thương lái đi thu mua, nên việc tiêu thụ khá thuận lợi.

“Hiện diện tích còn lại khoảng trên 17.000 ha, lúa đang trong giai đoạn chín – thu hoạch, nông dân tập trung thu hoạch rộ từ nay đến tháng giêng năm 2022, sau đó sẽ lấy nước mặn vào nuôi tôm. Khoảng 1 tuần nay thời tiết trên địa bàn huyện An Minh trời không mưa, nắng kéo dài, rất thuận lợi cho tình hình lúa chín cũng như thu hoạch”, ông Tùng đánh giá.

Vừa thu hoạch xong 3 ha lúa tôm, ông Nguyễn Huỳnh Thanh ở xã Đông Hòa, huyện An Minh phấn khởi nói: “Năm nay tôi chọn giống lúa thơm ST25 để gieo cấy vụ lúa - tôm, nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt và cho thu hạch sớm hơn giống lúa mùa địa phương, năng suất hơn 5 tấn/ha. Cắt xong có thương lái vào tận bờ vuông thu mua với giá 8.200 đồng/kg.

Do lúa trên nền đất nuôi tôm không tốn nhiều chi phí đầu tư như sản xuất lúa thâm canh, nên tôi còn lãi khoảng trên 30 triệu đồng/ha, sau khi đã trừ hết chi phí. Mấy năm rồi mới có vụ lúa tôm thắng lợi lớn như vậy, nông dân trong khu vực ai vui mừng”.

Hiện giá lúa ST24, ST25 thương lái thu mua 8.100 - 8.500 đồng/kg, các giống khác từ 5.600 – 6.000 đồng/kg, nông dân sản xuất lúa tôm đang rất phấn khởi. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện giá lúa ST24, ST25 thương lái thu mua 8.100 - 8.500 đồng/kg, các giống khác từ 5.600 – 6.000 đồng/kg, nông dân sản xuất lúa tôm đang rất phấn khởi. Ảnh: Trung Chánh.

Tương tự, tại huyện An Biên, đến nay nông dân đã thu hoạch được 8.918/18.828 ha lúa - tôm đã gieo cấy. Ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, lúa mùa 2021 lấp vụ trên nền đất nuôi tôm được các địa phương trong huyện xuống giống nhiều là Tây Yên (2.980 ha), Nam Yên (1.750 ha), Đông Thái (1.518 ha), Nam Thái (1.100 ha)…

Theo ông Tú, năm nay thời tiết mưa thuận, nông dân tập trung rửa mặn hiệu quả, lúa phát triển tốt, năng suất đạt khá cao. Diện tích đã thu hoạch cho năng suất bình quân ước đạt 5,7 tấn/ha, lúa tiêu thụ thuận lợi, bán được giá cao.

Hiện giá lúa ST24, ST25 thương lái thu mua 8.100 - 8.500 đồng/kg, các giống khác từ 5.600 – 6.000 đồng/kg. Riêng diện tích làm theo chuẩn VietGAP, lúa hữu cơ, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu có giá cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Với năng suất và giá bán tốt như hiện nay, nông dân đang có thu nhập khá từ vụ lúa bội thu.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.