| Hotline: 0983.970.780

Vụ lúa thu đông kém vui

Thứ Tư 13/09/2017 , 09:15 (GMT+7)

Nông dân khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa thu đông (TĐ) trong tâm trạng kém vui do sản phẩm bán không có lãi, thậm chí còn âm vào vốn đầu tư nếu phải thuê đất sản xuất.

Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, dịch bệnh phát sinh, chi phí tăng nhưng năng suất lại giảm mạnh.

13-53-19_1_dich_benh_xy_r_nhieu_tren_tr_lu_td_2017_gy_nh_huong_lon_den_nng_sut
Dịch bệnh xảy ra nhiều trên trà lúa TĐ 2017 gây ảnh hưởng lớn đến năng suất

Chi cục Trồng trọt - BVTV Vĩnh Long cho biết, hiện trà lúa TĐ sớm đã vào vụ thu hoạch. Tính đến thời điểm đầu tháng 9 đã thu được khoảng 2.700ha, năng suất bình quân ước đạt 5,11 tấn/ha. Một số bà con ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn thu hoạch sớm cho biết, lúa năng suất thấp hơn năm rồi do mưa bão làm đổ ngã gây thất thoát, sâu, rầy phức tạp. Giá lúa bán ra cũng thấp hơn, kiến nông dân càng méo mặt. Cụ thể, lúa OM5451, thương lái mua tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so cùng kỳ năm trước.

Mấy ngày gần đây, giá lúa có tăng nhẹ nhưng vẫn chưa thể bù đắp khoảng năng suất sụt giảm mạnh. Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp Cây Điệp, xã Thiện Mỹ vừa thu hoạch xong 6 công lúa cách đây hơn hai tuần cho biết: “Vụ này tui làm được 6 công giống lúa OM5451, thu hoạch chỉ được 67 bao lúa hột. Tính ra năng suất chỉ khoảng 500kg/công, bán được huề vốn, coi như 3 tháng chăm sóc không công”.

Do thời tiết bất lợi, từ đầu năm đến giờ nhiều đợt mưa bão xảy ra liên tiếp nên một số trà lúa tại các huyện, thị trong tỉnh bị đổ ngã, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long, toàn tỉnh có 3.780ha lúa bị ảnh hưởng do mưa, bão. 2 huyện có thiệt hại nhiều nhất là Vũng Liêm với 1.152ha, Mang Thít là 1.049ha, mức độ thiệt hại phổ biến khoảng 30%.

Tại Cần Thơ, đến thời điểm này lúa TĐ cơ bản đã thu hoạch đạt khoảng 50% diện tích trong tổng số 80.000ha đã xuống giống. Ngoài việc bị giảm năng suất do dịch bệnh, những ngày qua do mưa nhiều, cộng với tác động của triều cường khiến việc thu hoạch càng gặp khó khăn hơn, làm đội chi phí.

Hiện tại, nếu thu hoạch bằng máy có giá từ 290.000 - 300.000 đồng/công (tùy theo lúa sập ít hay nhiều), tăng gần 30.000 đồng/công so với vụ rồi. Còn cắt bằng tay có giá từ 300.000 - 450.000 đồng/công, nếu tính luôn tiền trâu kéo, máy suốt thì tổng chi phí thu hoạch gần 600.000 đồng/công.

13-53-19_2_mu_bo_lm_lu_bi_do_ng_viec_thu_hoch_gp_nhieu_kho_khn_lm_doi_chi_phi_1
Mưa bão làm lúa bị đổ ngả, việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn, làm đội chi phí.

Ông Trần Văn Đông ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đứng ngồi không yên khi chứng kiến 8 công lúa bị mưa và triều cường, hơn tuần qua máy cắt chực chờ tại ruộng nhưng không thể thu hoạch được do ngày nào cũng có mưa. Nay lúa bị đổ ngã hàng loạt khiến chi phí thu hoạch tăng cao, cộng với sản phẩm thất thoát nhiều, chất lượng giảm, đồng nghĩa giá bán giảm theo.

Nông dân tỉnh Kiên Giang cũng đã thu hoạch được 13.740/88.351ha lúa TĐ, nhiều nhất là ở huyện Giồng Riềng (8.282ha) và Tân Hiệp (4.000ha). Năm nay năng suất lúa khá thấp, khiến nông dân không có lãi.

Ông Nguyễn Công Bình từ tỉnh An Giang sang xã Tân An, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang thuê gần 6ha đất để canh tác. Ngồi lật mở cuốn sổ ghi chép sau khi vừa cân hết lúa cho thương lái, ông Bình mặt buồn so: “Vụ này dịch bệnh nhiều nên lúa thất quá, mỗi công chỉ thu được khoảng 600kg lúa tươi, bán chưa được 3 triệu đồng. Trong khi cộng cả tiền thuê đất và chi phí vật tư, mướn công lao động đã lên đến 3,5 triệu đồng/công nên tính ra thua lỗ đến mấy chục triệu đồng, chưa kể công sức bản thân suốt 3 tháng cày cấy”.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL cho biết, tình hình sản xuất vụ lúa TĐ năm nay gặp khó khăn do mưa nhiều, nước lũ về sớm và dâng cao. Hiện nước lũ cao hơn cùng kỳ từ 1 - 2m và cao hơn năm 2011 (năm lũ lớn) từ 0,1 - 0,2m. Bên cạnh đó, do năm 2017 nhuận 2 tháng 6 âm lịch, nên vụ HT nông dân xuống giống kéo dài hơn làm kéo dài thời gian xuống giống vụ TĐ.

Tính đến cuối tháng 8, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống đạt 650.000 ha/867.000ha lúa TĐ, hiện một số nơi tiếp tục xuống giống. Những địa phương đứng đầu về diện tích xuống giống là Đồng Tháp, đạt gần 115.000ha, tiếp theo là Kiên Giang trên 88.000ha. Phần lớn diện tích hiện đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ, chín.

13-53-19_3_nng_sut_lu_td_som_bi_gim_mnh_nen_nong_dn_khong_co_li
Năng suất lúa TĐ sớm bị giảm mạnh nên nông dân không có lãi.

Tuy nhiên, những nơi gieo sạ sớm đã cho thu hoạch nhưng năng suất năm nay lại giảm mạnh, khoảng 30 - 40% so với vụ TĐ năm rồi nên ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của bà con nông dân.

TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, vụ lúa TĐ năm nay một số nơi bị dịch bệnh, nhất là bệnh cháy bìa lá gây ảnh hưởng đến năng suất. Nông dân phải tốn nhiều chi phí phun xịt nên lợi nhuận giảm.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.