| Hotline: 0983.970.780

Vú sữa tím Xuân Hòa

Thứ Hai 04/11/2013 , 10:17 (GMT+7)

Về thăm miệt vườn Kế Sách (Sóc Trăng) du khách sẽ biết đến các loại trái cây ngon nổi tiếng: Bưởi Kế Thành, cam sành Trinh Phú, vú sữa Xuân Hòa.

Về thăm miệt vườn Kế Sách (Sóc Trăng) du khách sẽ biết đến các loại trái cây ngon nổi tiếng: Bưởi Kế Thành, cam sành Trinh Phú, vú sữa Xuân Hòa.

Vú sữa tím Xuân Hòa, sau một thời gian bị lãng quên đã được nhiều nhà vườn quan tâm đặc biệt vì đây là loại cây cho lợi nhuận rất cao nhờ trái cho thu hoạch sớm hơn vú sữa Lò Rèn khoảng 1 - 2 tháng, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.

Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích trồng vú sữa tím hiện nay khoảng 80 ha, tập trung chủ yếu tại Xuân Hòa. Trong đó, diện tích đang cho trái ổn định là 15 ha.


Vú sữa tím bán chạy trong dịp lễ Tết

Các nhà vườn kỳ cựu ở ấp Cứ Mạnh, xã Xuân Hòa cho biết, cây vú sữa tím "lão làng" tại vườn của ông Bảy My có tuổi thọ trên 25 năm tuổi vẫn sum xuê bông trái. Theo ông Nguyễn Văn Đẻo, Trưởng ban Nhân dân ấp Cứ Mạnh, trước đây vú sữa Lò Rèn được trồng phổ biến tại Xuân Hòa song sớm bị "lão hóa", cây trên 10 năm tuổi thường bị chết nhánh, trái nhỏ, năng suất giảm.

Trong khi đó, vú sữa tím cây càng lớn, trái càng sai; trái cho thu hoạch sớm nên giá bán cao, hiệu quả kinh tế rất cao; nhiều nhà vườn đã "đổi đời" nhờ trồng vú sữa tím.

Anh Lê Văn Hết, một trong những nhà vườn ăn nên, làm ra từ cây vú sữa tím chia sẻ kinh nghiệm canh tác như sau: Để có vú sữa bán sớm, vào tháng 12 âm lịch bắt đầu bón phân, bồi sình để làm đọt, đến tháng cây 3 ra bông, tháng 9 bắt đầu thu hoạch và tháng 10 là đợt thu hoạch chính.

Thời điểm này vú sữa Lò Rèn chưa cho thu hoạch nên trái vú sữa tím hút hàng và có giá bán trung bình cả vụ biến động từ 20.000 - 30.000 đ/kg. Về hiệu quả kinh tế, anh Hết cho biết với mật độ trồng 200 cây/ha, tuổi cây 7 - 10 năm, năng suất 30 tấn/ha/năm, lợi nhuận đem lại là hơn 300 triệu đ/ha/năm.

Về kỹ thuật canh tác cần lưu ý một số điểm sau: Do cây vú sữa tím rất sai trái nên để hạn chế tình trạng tét nhánh, gẫy cành cần có biện pháp chống đỡ hoặc treo cành, tốt nhất là sử dụng cây gòn làm trụ đỡ sống cho cây; do vú sữa tím chín sớm, dễ bị ruồi đục trái tập trung tấn công nên cần có biện pháp chủ động phòng trừ ruồi đục trái đồng loạt bằng Sofri protein hoặc Vizubon.

Ngoài đặc điểm nổi bật là chín sớm, vú sữa tím còn có một số ưu thế khác như trái vừa chín vừa lớn; có màu sắc đẹp; ít bị bệnh khô trái; cây có tuổi thọ cao so với vú sữa Lò Rèn, năng suất tăng theo tuổi cây; khi hái không có dấu tay trên trái nên vận chuyển được xa; ít bị thương lái chê.

So với vú sữa tím Bắc Thảo (được trồng nhiều tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) thì vú sữa tím Xuân Hòa không bị thúi đáy trái khi chín hoàn toàn, năng suất và giá bán cao hơn. Về chất lượng, khi trái vừa chín tới (thương lái đồng ý hái trái để có thể vận chuyển đi xa) thì độ ngọt hơi lạt hơn so với vú sữa Lò Rèn. Tuy nhiên, khi để chín hẳn thì độ ngọt tương đương vú sữa Lò Rèn; hạt, lõi, cùi và độ mềm thịt như tương tự vú sữa Lò Rèn.

Thị trường tiêu thụ vú sữa tím ngày càng tăng trong khi nguồn cung chưa nhiều nên bán được giá cao. Theo Chủ nhiệm HTXNN Xuân Hòa, ông Nguyễn Văn Liệt thì vú sữa tím phần lớn tiêu thụ nội địa, được ưa chuộng ở thị trường miền Bắc, một phần được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Lãnh đạo huyện Kế Sách khuyến cáo nhà vườn có thể trồng vú sữa tím thay vú sữa Lò Rèn già cỗi. Tuy nhiên việc mở rộng diện tích sẽ dẫn tới cung vượt cầu, rớt giá. Diện tích vú sữa tím đến năm 2015 chiếm không quá 50% diện tích vú sữa của huyện. Nên trồng tập trung theo từng khu vực để thuận tiện SX và tiêu thụ.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.