| Hotline: 0983.970.780

Vừa cán đích nông thôn mới, đã 'ngập đầu' nợ đọng, chỉ chờ tiền bán đất

Thứ Ba 12/07/2016 , 07:58 (GMT+7)

Thái Bình hừng hực khí thế xây dựng nông thôn mới (NTM), điều đó ai cũng thấy. Nhưng Thái Bình cũng đang vùng vẫy trong nợ đọng.

Thái Thụy là huyện tiêu biểu, đến nay, 24 xã huyện ven biển này chính thức đạt chuẩn. Cán đích thì mừng rồi, nhưng ngó lại phía sau mỗi xã đang ôm cục nợ hàng chục tỷ.

Nhà văn hóa, trường mầm non tiền tỷ

Điển hình như Thái Xuyên, một xã nhỏ của Thái Thụy chỉ với 4 thôn nhưng đứng đầu huyện về nợ với "cục nợ" hơn 24 tỷ đồng. Cũng dễ hiểu, bởi công trình xây dựng nào ở xã này cũng tính bằng tỷ cả thì nợ nhiều là đương nhiên!

Đường về Thái Xuyên giờ đẹp như mơ bởi tỉnh lộ 39B đang được nâng cấp, nối thẳng với TP Thái Bình. Cái dễ nhận thấy ở địa phương này là “cái gì cũng to”, duy chỉ có trụ sở UBND xã xây từ năm 1981 là nhỏ.

Trời nóng hầm hập lại mất điện, tôi và ông Phạm Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã ai nấy mồ hôi ướt đầm. Nhưng cái nóng do thời tiết chỉ theo mùa, nóng do nợ nần mới hầm hập quanh năm.

Theo ông Thái, Thái Xuyên đạt chuẩn NTM tháng 12/2014. Đó là mồ hôi, công sức của cả Đảng bộ, nhân dân xã Thái Xuyên. Ông Thái ví, những năm tháng đó, cả địa phương như một đại công trường, đâu cũng xây dựng ngổn ngang. Và kết quả, một loạt các công trình hoành tráng ra đời, xã cán đích NTM trước kế hoạch đề ra 1 năm.

17-07-55_5
Ông Phạm Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Xuyên

 

Công trình tốn kém nhất là Trường mầm non xã, tổng đầu tư lên tới 5,1 tỷ đồng. Trường được xây dựng trên khuôn viên có sẵn, mới hoàn toàn. Đó là một khu nhà 2 tầng, với tổng cộng 16 phòng dạy học, làm việc.

“Do trường cũ xuống cấp, xã quyết định xây mới hoàn toàn trên diện tích 5.520 mét vuông với số tiền trên 5 tỷ đồng. Khu phòng học cũ giờ được tận dụng làm nhà ăn, để đồ cho các cháu”, ông Thái cho biết.

Mới đi vào hoạt động chưa được 2 năm, ngôi trường tiền tỷ này trông đã khá cũ kỹ, nhiều mảng sơn, tên trường bị bong tróc. Ngoài sân, đồ chơi, dụng cụ thể dục hoen gỉ do phơi mưa nắng.

Nằm ngay trục đường chính, Trung tâm văn hóa xã tọa lạc sừng sững trên mảnh đất gần 3.000 mét vuông. Bí thư Đảng ủy xã, ông Đỗ Văn Điều khoe, khu nhà có thể chứa gần 300 đại biểu. Tổng số tiền xây dựng chòm chèm trên 4 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền mua sắm thiết bị bên trong hội trường cũng ngót tỷ.

17-07-55_2
Bên trong Nhà văn hóa hơn 4 tỷ đồng của xã Thái Xuyên

 

Công trình thứ 3 là Trường tiểu học xã, mới chỉ sửa chữa cũng tiêu tốn đến hơn 2 tỷ đồng. Còn lại, danh sách những công trình trên dưới 1 tỷ của địa phương này dài đến cả gang tay. Và cho tới nay, sau 2 năm đạt chuẩn NTM, khoản nợ đọng hơn 24 tỷ đồng vẫn treo lơ lửng trên đầu chính quyền xã Thái Xuyên.

Lại "đào đất" trả nợ?

Để “tiêu diệt” số nợ đọng này, lãnh đạo xã Thái Xuyên đã phải lên hẳn một kế hoạch dài hạn. Trong đó, nguồn lực chủ yếu vẫn là bán đất.

17-07-55_3
Bản đồ quy hoạch xây dựng NTM xã Thái Xuyên

 

Cụ thể, sẽ cho đấu giá đất khu thương mại dịch vụ, tổng 25 lô, thu về 6,5 tỷ đồng; thu hồi bến xe cũ và khu đất đường 47, 20 lô, thu về 7 tỷ đồng. Rồi thì, các đơn vị đăng ký làm hồ sơ đổi đất lấy công trình, 60 lô, thanh toán được 15,5 tỷ đồng. 

“Dự kiến trong năm nay, xã sẽ thu về được 32 tỷ, thanh toán được khoản nợ đọng”, ông Thái hồ hởi tia hy vọng giải thoát được cục nợ.

Ông Điều thì phấn khởi cho biết, kế hoạch sau khi trả nợ xong, sẽ tiếp tục xây dựng trụ sở UBND mới hoàn toàn trên diện tích 4.000 mét vuông.

“Công trình này dự kiến gồm 3 tầng với 32 phòng làm việc, tổng số vốn đầu tư khoảng 12 tỷ đồng. Nếu đúng theo kế hoạch, khoảng đầu năm 2018, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng”, ông Điều thông tin.

17-07-55_4
Bảng kê chi tiết các khoản nợ đọng của xã Thái Xuyên

 

6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh Thái Bình có 164/263 xã (chiếm 62,3%) và huyện Hưng Hà đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM.
18 xã đạt 15-18 tiêu chí chiếm 6,84%, 75 xã đạt từ 10-14 tiêu chí chiếm 28,52%, 6 xã đạt 9 tiêu chí chiếm 2,28%. Dự kiến, đến hết năm 2016, Thái Bình sẽ có 200 xã đạt chuẩn NTM.

Quay trở lại “cục nợ” 24 tỷ đồng, ông Điều khẳng định, vừa bán được 50 lô đất, số tiền đó sẽ sớm được giải quyết. Nhưng khi giải quyết xong, địa phương này sẽ tiếp tục “ôm” cục nợ 12 tỷ đồng từ việc xây dựng trụ sở xã. Như vậy có thể nói, xã này vẫn xác định tiến trình "đi trong bão nợ".

Cả tỉnh cùng nợ, riêng gì mình ta

Theo Phòng NN-PTNT huyện Thái Thụy, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản toàn huyện của Chương trình NTM giai đoạn 2011 – 2015 là 215,531 tỷ đồng. Trong đó, nợ của các xã về đích là 148,486 tỷ đồng. Các xã khác nợ trên 67 tỷ đồng.

Ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thái Thụy cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, việc các địa phương phát sinh nợ đọng là không tránh khỏi. Trong khi, sự hỗ trợ của các cấp trên có hạn.

Ông Viện cho rằng, nguyên nhân sâu xa của nợ đọng nằm từ khâu thẩm định nguồn lực của mỗi địa phương. Ví như, với một xã có quỹ đất để bán, khi thẩm định thì giá đất còn cao, nhiều đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, theo thời gian, đất mất giá, các đơn vị đầu tư ngày càng khó khăn, các địa phương không huy động được tiền từ quỹ đất.

Đến ngày 14/6 này, Thái Bình đã cấp phát 86.969 tấn xi măng hỗ trợ cho 103 xã, phường, thị trấn, đạt 77,26% kế hoạch. Khối lượng mua xi măng trả chậm đợt 2 để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM là 245 nghìn tấn. Số lượng đã phân bổ 112,6 nghìn tấn và cấp phát 84,3 nghìn tấn.

Theo ông Viện, huyện đang đề nghị được tiếp tục hỗ trợ. Đặc biệt những công trình như nhà văn hóa, đường liên thôn, xã, cơ sở y tế, rất cần Nhà nước hỗ trợ với mức tối đa. Vị này cũng khẳng định, không có chuyện các xã xây dựng theo kiểu vung tay quá trán dẫn đến ôm nợ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, tổng dư nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của địa phương này đến hết năm 2015 là 591,980 tỷ đồng (đã trừ nguồn kinh phí dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn chưa quyết toán và các nguồn khác với tổng là 640,518 tỷ đồng).

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết, khoản nợ của các xã NTM chủ yếu nằm ở các công trình như trụ sở ủy ban, nhà văn hóa.

Mới đây, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn tập trung quyết toán lượng xi măng hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng NTM đã hỗ trợ, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng những công trình đã được đầu tư. Tiếp tục khai thác các nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Đặc biệt vị Chủ tịch tỉnh lưu ý các địa phương cần tập trung và bố trí nguồn lực để trả nợ đọng xây dựng NTM, trong đó chủ yếu là nợ đọng xây dựng cơ bản.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.