| Hotline: 0983.970.780

Sở hữu mô hình nuôi dê lớn nhất tỉnh Đồng Nai

Thứ Tư 02/08/2017 , 15:30 (GMT+7)

Sở hữu mô hình nuôi dê được xem là lớn nhất tỉnh Đồng Nai với số lượng lên đến hàng ngàn con, anh Nguyễn Đức Trung ở ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom cũng là người tiên phong phát triển đàn dê Boer lai dê Bách thảo ở địa phương.

Có duyên... với dê

Chúng tôi gặp Trung đúng lúc anh đang tất bật với công việc mở rộng quy mô nhà hàng thịt dê và điều hành kinh doanh. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu nghề nuôi dê, anh Trung vui vẻ tranh thủ dẫn đi tham quan trang trại của mình cách nhà hàng gần chục km.

15-25-28_2
Anh Trung chăm sóc đàn dê sinh sản

Vừa đến nơi, chúng tôi đã nghe những tiếng be be của đàn dê. Nhóm công nhân đang hì hụi chuẩn bị bữa ăn cho dê. Trước mắt chúng tôi là những dãy chuồng trại được xây dựng khá quy mô, sạch sẽ, thông thoáng, chẳng thấy có mùi hôi.

Sinh ra ở tỉnh Hà Nam, tuổi đôi mươi anh “Nam tiến” để tìm kiếm nghề mưu sinh. Khi vào xã Sông Trầu, anh thấy đầu tư nuôi dê rất thuận lợi. Từ ý tưởng đó, anh quyết tâm thực hiện và dùng số tiền vốn tích cóp được khoảng 40 triệu đồng tìm mua những con dê giống Bách thảo tốt. Giá thị trường khi đó chỉ khoảng 600.000 đồng/con dê nái (50kg) Bách thảo đang vào độ sinh sản.

Sau đó, anh dắt dê giống đến từng gia đình nghèo ở xã Sông Trầu vận động họ tham gia nuôi theo hình thức “ký gửi”. Cứ mỗi con dê nái đẻ được 2 con thì sẽ tặng họ 1 con. Đồng thời anh cũng cam kết sau này sẽ thu mua lại theo hình thức bao tiêu cả đầu vào lẫn đầu ra. Cứ như thế, sau 3 năm miệt mài “ký gửi”, anh đã vận động được trên 100 hộ nghèo cùng nuôi dê, với tổng đàn khoảng 1.200 con dê Bách Thảo sinh sản.

Thị trường dê thịt lên giá khiến bà con rất vui mừng. “Hàng ngày tôi thường xuyên tới thăm các hộ nuôi dê và tư vấn kỹ thuật giúp họ chăm sóc đàn dê được tốt hơn. Đồng thời, tôi cũng tự đi tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thịt dê ở khu vực TP.HCM và các tỉnh thành lân cận để chuẩn bị sẵn sàng khi giá tăng cao sẽ xuất hàng”, anh Trung chia sẻ.

15-25-28_3
Một trong những con dê gốc bố mẹ

Năm 2010, khi xác định được vững nghề nuôi dê, cần phát triển quy mô và tăng đàn, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại riêng tại ấp 3, xã Sông Trầu để tuyển toàn bộ những con dê sinh sản từ các hộ dân về trại của mình. Đồng thời tiếp tục đầu tư giống cho các hộ nuôi...
 

Xây dựng vệ tin nuôi dê

Dẫn chúng tôi đi tham quan dãy chuồng nuôi, anh Trung giới thiệu về từng công đoạn chăm sóc đàn dê theo quy trình, giờ giấc bài bản. Có rất nhiều ô ngăn chuồng dê ra thành từng khu để dễ kiểm soát và chăm sóc. Mặt sàn được làm cách mặt đất cả mét nhằm tạo sự thông thoáng, mát mẻ cho đàn dê.

Anh Trung tâm sự: “Sau khi nuôi ổn định, tôi tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại và tăng quy mô diện tích lên 2ha và nghiên cứu quy trình nuôi riêng. Đồng thời tôi cũng nhập những con dê nọc (bố mẹ) từ nước ngoài về nhằm lai tạo ra nguồn dê giống chất lượng cao và phát triển thêm nhiều giống dê như dê Bách thảo, dê Boer, dê Boer lai, dê lấy thịt, dê lấy sữa… để đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Theo kinh nghiệm của anh, dê là một loài gia súc dễ nuôi, thức ăn chủ yếu gồm các loại cỏ. Nuôi dê không tốn tiền mua thức ăn, nhưng nếu không chăm sóc đúng kỹ thuật thì vật nuôi sẽ phát triển chậm. Chuồng trại phải thông thoáng, mát mẻ trong mùa nóng và ấm áp trong mùa lạnh.

15-25-28_4
Anh Trung quy hoạch đồng cỏ nuôi dê

Sau một quá trình chăn nuôi và nghiên cứu anh đã cho lai tạo giống dê Boer với dê cái Bách thảo của Việt Nam để cải tạo đàn giống và nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Trung cho biết, dê bắt đầu phối giống từ lúc 7 đến 8 tháng tuổi, bình quân mỗi năm dê đẻ 1,5 lứa, mỗi lứa 2 con. Hiện tại anh đang sở hữu mô hình chăn nuôi dê Boer lai lớn nhất tỉnh Đồng Nai với tổng đàn lên tới hàng ngàn con...

Theo anh Trung, số hộ nuôi dê “vệ tinh” của anh hiện đã tăng lên tới 300 hộ ở các xã Sông Trầu, Cây Gáo, Thanh Bình, Bàu Hầm, Sông Thao… với quy mô trung bình từ 30 - 100 con/hộ. Nhờ liên kết chăn nuôi mà các hộ đều thoát nghèo, vươn lên giàu có. Chỉ cần nuôi 50 con dê/hộ/năm, sau khi trừ hết chi phí mỗi hộ sẽ thu lời 100 triệu đồng và được hỗ trợ đầu vào, bao tiêu đầu ra.

Dê Boer lai F1 do anh lai tạo có khả năng tăng trưởng nhanh, mắn đẻ, chất lượng thịt và giá bán cao được thị trường ưa chuộng. Đến nay, trang trại dê của anh không chỉ cung cấp giống cho người dân địa phương mà xuất đi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk… Đồng thời, anh cũng tìm nguồn bán thịt dê thương phẩm cho các đầu mối trong tỉnh, TP.HCM...

“Hiện tôi đã xây dựng thương hiệu dê lai Boer và có đầu ra ổn định cho dê giống cũng như sản phẩm thịt dê thương phẩm. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với chúng tôi và tất cả các hộ dân nuôi dê ở đây khi chưa được ngành chức năng địa phương cấp giấy phép chăn nuôi và lò giết mổ. Do vậy, việc phân phối con giống hay bán thịt dê ra thị trường luôn bị thương lái ép giá khiến người nuôi bị thiệt thòi”, anh Trung bộc bạch.

 

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất