Đây là góc nhìn từ người con trai ông, TS Tạ Minh Trường hiện công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
TS Tạ Minh Trường kể chuyện về người bố của mình. |
Được tin ông trở bệnh, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Nội tiết TW, tôi vào thăm. Căn phòng nhỏ kê 9 cái giường từ khi có ông bỗng nhiên vui hẳn. Bệnh nhân gồm nhiều vùng miền, chủ yếu là nông dân nên lúc rảnh rỗi họ thường kể chuyện nghề, chuyện đời.
Phải tới khi tôi đến, mọi người mới biết ông già nhỏ bé 75 tuổi vẫn thường hay trò chuyện cùng mình hóa ra là Anh hùng Lao động Tạ Minh Sơn, tác giả của những giống lúa nổi tiếng suốt mấy chục năm nay: “Ô hóa ra bác là tác giả của giống Xi dẻo chúng em vẫn cấy, vẫn ăn hàng ngày à”?.
Tôi hỏi nếu chỉ có một mong muốn, ông sẽ ước gì? Ông cười và bảo rằng suốt ngày chỉ ngong ngóng những cuộc điện thoại từ khắp nơi báo tin về các dòng, các giống của mình đang tiến triển đến đâu, nhất là “đứa con cưng” CXT30.
Không dám trò chuyện lâu vì sợ ông mệt, tôi kéo TS Tạ Minh Trường - con trai ông ra về và nghe anh kể những góc rất đời thường về một nhà khoa học phi thường…
Bố tôi xuất thân từ thành phần nông dân trong một gia đình đông con 5 anh em. Ông kể cho tôi nghe: Lúc đang học lớp 6, năm 1960, nghe thầy Vấn giảng về học thuyết Mitsurin trong lai ghép nên làm thử một phép lai thí nghiệm ghép chanh với bưởi, quả rất to nhưng cũng rất chua thành ra cũng chẳng ai trồng.
Tuy sản phẩm đầu tay chưa hoàn thiện nhưng ông vẫn rất thích thú nên mượn bằng được một cái máy ảnh - của hiếm những năm 60 thế kỷ trước - để chụp lại một bức đen trắng đặc tả một cành quả “banh”, tên ghép vui giữa chanh và bưởi.
Bức ảnh này sau này mẹ tôi đã làm mấy câu thơ để tặng: “Say mê khoa học thủơ trăng rằm. Trái chín trĩu cành mọi người thăm…”.
Ông Tạ Minh Sơn: “Quả bưởi ghép với chanh nó to bằng từng này”. |
Từ đó trong ông nhen nhóm lên ý tưởng sau này phải nghiên cứu nông nghiệp. Học xong trung cấp nông nghiệp, ông xin vào Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.
Với bằng cấp đó chỉ làm được thủ kho, chuyên sắp xếp các vật tư nông nghiệp khi nhập vào để lúc xuất ra sao cho thuận tiện nhưng ông vẫn chấp nhận để có được cơ hội làm việc tại một viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp đầu nghành.
Quả bưởi ghép với chanh - sản phẩm đầu tay của ông Sơn hồi đang học cấp hai. |
Quá trình sắp xếp vật tư khiến ông càng say mê với nông nghiệp nên xin đi học tại chức đại học rồi học lên tiến sĩ và được phong hàm phó giáo sư, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.
Để đạt được những thành công trên, ngoài sự cố gắng vượt bậc của bản thân ông, đằng sau đó còn có sự hỗ trợ đóng góp của gia đình. Năm 1974, khi đẻ tôi ra mẹ đã bị bệnh. Hồi đó vẫn còn chiến tranh, bố tôi ở cùng đơn vị tại Hà Nội còn mẹ con tôi lại phải đi sơ tán ở tận tỉnh miền núi Tuyên Quang. Mẹ là giáo viên Vợ chồng xa nhau, thứ nhất là kinh tế khó khăn, thứ hai là thiếu thốn tình cảm lại phải một mình chăm con nên bệnh tình Bà nặng hơn.
Hồi còn nhỏ quá thì tôi chưa nhớ nổi nhưng sau này biết rồi thì nhớ có lần bà lâm bệnh nặng phải vào bệnh viện tâm thần dưới Hà Nội để điều trị.
Mẹ bị bệnh, 3 tuổi tôi được gửi về cho ông bà ngoại ở Thái Nguyên nuôi một thời gian rồi lại gửi về cho ông bà nội ở Thái Bình nuôi một thời gian, cuối cùng chuyển về khu tập thể của Viện ở với bố.
Khi mẹ tôi đỡ bệnh, bố xin chuyển bà về làm tại cơ quan mình để vợ chồng được thêm gần gũi. Trước mẹ tôi dạy hóa nên về làm phòng Hóa đất. Ông ngoại, bà ngoại tôi trước đó cũng đều làm ở Viện cả. Sau khi sinh tôi mãi đến năm 1982 mẹ mới sinh thêm em trai.
Ông Tạ Minh Sơn bên giường bệnh mà vẫn vui tươi. |
Ông Trần Văn Chiến - đồng nghiệp ở Trung tâm lúa: “Dù đã về hưu rồi nhưng ông Sơn thỉnh thoảng vẫn lấy xe riêng cùng với con trai đi xuyên Bắc - Nam để thăm các giống lúa. Đến bữa hai bố con tự nấu ăn, tối đến tự tìm chỗ nghỉ. Chân tay của ông ít khi nào chịu ngồi yên trong văn phòng mà toàn tìm cách để ra ngoài đồng ruộng” |
Bố tôi là người lạc quan, hết lòng vì công việc và cũng hết lòng vì gia đình. Trong quá trình công tác ông đã đảm nhiệm rất nhiều các vị trí, chức vụ khác nhau và công việc cứ cuốn ông đi.
Những đợt công tác miền Trung kéo dài 15 - 30 ngày, còn nếu ở Hà Nội vẫn cứ đi suốt ngoài đồng ruộng, 7h sáng đi, 7h tối mới về, ít khi có thứ bảy chủ nhật vì bận cả quản lý lẫn chuyên môn.
Về nhà rồi mà đầu óc của ông vẫn để ở ngoài đồng ruộng. Không yên tâm với việc phơi thóc giống ở cơ quan nên ông mang về treo, phơi trong nhà, bảo vợ con lưu giữ giúp.
Về nhà rồi mà ông vẫn tranh thủ đọc báo cáo khoa học vì không đủ thời gian đọc khi ở cơ quan. Ông lội ruộng không kể nắng mưa, đói mệt.
Có đợt quá trưa rồi quên cả bữa ông vẫn lăn lộn ngoài ruộng nên ngã luôn xuống, cô Hợp là công nhân trong nhóm phải dìu về.
Về phần tôi, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1995, năm 1996 tôi đi làm ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.
Ông muốn tôi tiếp nối sự nghiệp của mình nên nhắn nhủ: “Con làm ở đây phải cần cù, chăm chỉ, yêu và sát với đồng ruộng”. Ông có đến hàng mấy trăm dòng lúa, nửa gửi vào kho lạnh đề phòng rủi ro mất mát còn có cái nghiên cứu tiếp.
|
Ông Tạ Minh Sơn đang kiểm tra giống ngoài đồng ruộng (Ảnh tư liệu) |
Ông Lê Quốc Thanh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: “Bản chất ông Tạ Minh Sơn là người lao động thực sự quên mình, đam mê nghiên cứu. Hễ đi công tác là trên xe ô tô luôn có ủng, có nón, có gậy để sẵn sàng thăm đồng hay leo đồi và nồi niêu xoong chảo để có thể ăn ngủ tại bất cứ đâu. Thậm chí có không ít lần, đến nơi trời đã nhá nhem tối vẫn bảo lái xe rọi đèn pha để mình lội xuống thăm giống”. |
Ông thường dạy tôi: Người chọn giống giỏi phải có tư duy sắc bén và con mắt tinh tường. Khi trồng một cây có thể mường tượng ra sự phát triển tiềm năng trên cả một cánh đồng lớn chứ nhìn một cây chỉ biết đó là một cây là hỏng.
Ông cũng giảng dạy cho tôi cụ thể từ cách gieo trồng, chọn thuần giống, ghi chép số liệu đến thu hoạch và bảo quản giống, bằng cách cầm tay, chỉ việc kiểu như: “Cây bông phải như thế này, cổ bông phải như thế này, hạt phải xếp xít như thế này…”.
Chọn dòng, gieo như thế nào, thu thập số liệu ra sao, khi thu hoạch lại cất vào kho bảo quản chống chuột bọ cẩn thận… Hình như ông có một giác quan thứ sáu về chọn giống. Ông rất nghiêm khắc, làm đâu ngăn nắp đấy, ghi chép sổ sách đàng hoàng. Đi thăm đồng, ông hướng dẫn ngày hôm nay dòng này trỗ, ngày mai dòng kia trỗ, rất tỉ mỉ và phải thật chuyên tâm mới tiếp thu được.
Khi đã nghỉ hưu rồi, ở nhà buồn nên thỉnh thoảng ông vẫn bảo tôi: “Cuối tuần, con chở bố xuống cơ quan xem đồng ruộng một tí, ngó các dòng, cách chọn đã được chưa nhé”.
Nhưng tôi thấy sức khỏe của ông yếu, nhất là 2 năm gần đây bị tiểu đường nặng, thường xuyên nhập viện, trước đó, cũng bị bệnh thần kinh tọa nên chân tay yếu, đi lại khó khăn.
Bởi thế tôi đồng ý bằng cách hứa nhưng kiểu để cho quên: “Được rồi, hôm nào mát mát, rảnh rảnh con cho bố xuống”.
Nhưng ông cứ nhắc đi, nhắc lại nên đành phải đưa xuống, tuy nhiên ngăn không cho lội ruộng mà chỉ đi trên bờ bê tông. Lắm lúc tôi không ở nhà nhưng ông vẫn tự đi xe xuống thăm ruộng.
Năm nay thì ông yếu hẳn, nằm nhiều. Vợ đã mất, con trai thứ đã mất còn con dâu, cháu nội lại đang sống ở nước ngoài nên hai bố con tôi sống với nhau trong một căn hộ. Vừa rồi tôi sang Úc thăm vợ con cũng phải kéo ông đi cùng bởi để một mình không yên tâm.
Về nhà được 2 ngày thì ông lại vào viện. Vào đây để điều trị là một phần còn một phần bởi tôi đi làm, nếu để ông ở nhà thì bởi chân đau, ít đi lại nên chỉ nằm, lại ăn uống không điều độ nên càng khiến bệnh có thể trở nặng.
TS Tạ Minh Sơn rất nghiêm khắc, làm đâu ngăn nắp đấy |
Sản phẩm đầu tay của ông là giống X1, năm 1975 được tặng bằng sáng chế đầu tiên của đất nước mang số 001 với những tính trạng nổi trội như ngắn ngày, năng suất cao, chống bạc lá. Chữ X trước tên giống là viết tắt của từ Xanthomonas Campestris, tức bệnh bạc lá vi khuẩn. Để nghiên cứu về bệnh này ông đã đi khắp Bắc, Trung, Nam thu thập, phân lập các nòi vi khuẩn, lây bệnh nhân tạo rồi tạo ra các giống lúa kháng. Dòng X đến nay đã tới số 30 trong đó có 5 giống được khu vực hóa, 5 giống được công nhận quốc gia. Nổi tiếng nhất có lẽ là X21 được sáng tạo dựa trên sự trộn lẫn 2 dòng có sức chống chịu bạc lá khác nhau, phổ thích nghi rộng, cơm khá, năng suất ở Việt Nam đạt cỡ 9 - 10 tấn/ha, ở Iraq còn hơn thế. Đây là giống có công sức của cả vợ ông khi bà tham gia vào chọn lọc. Xi 23 là giống chọn lọc cá thể từ nguồn vật liệu của Viện Lúa quốc tế, vừa chống chịu giỏi vừa chất lượng tốt mà dân quen gọi là Xi dẻo. Giống này có thêm công sức của người con trai… Hàng ngàn dòng giống lúa mới của ông đang được lưu giữ ở các đơn vị nghiên cứu trong nước. Vì những đóng góp không mệt mỏi cho cả nền khoa học Việt Nam và thế giới, năm 2006 ông đã được nhận giải thưởng Hòa bình Quốc tế. |