| Hotline: 0983.970.780

Ngựa Bắc Hà, giống vật nuôi đa giá trị

Vừa làm kỵ sĩ vừa là nông dân

Thứ Hai 16/10/2023 , 16:00 (GMT+7)

Ở Bắc Hà, sau những tháng ngày vất vả chăm sóc cho đàn ngựa, dịp lễ hội những người nông dân sẽ hóa thành kỵ sĩ trên những đường đua. 

Ông Nông Văn Toàn (phải) với chú ngựa bạch của gia đình. Ảnh: H.Đ.

Ông Nông Văn Toàn (phải) với chú ngựa bạch của gia đình. Ảnh: H.Đ.

Lễ hội của nông dân

Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà đã có lịch sử cả trăm năm, xuất phát từ nghi lễ diễu hành ngựa vào dịp Tết Nguyên đán của bà con người Tày, người Mông. 

Mỗi dịp tết, các chàng trai người Mông, người Tày trên đường đến phiên chợ Bắc Hà, họ lại rủ nhau thi cưỡi ngựa, thi chạy xem ai đến đích nhanh nhất, đến chợ sớm nhất. Ai đến trước sẽ được thưởng rượu.

Cuộc so tài bình dị và chất phát, nhưng lại mang đến cho các chàng trai sự phấn khích trước ánh nhìn đầy ngưỡng mộ của các cô gái trên đường xuống chợ và rồi từ khi nào đã trở thành lễ hội đua ngựa truyền thống của các dân tộc.

Theo nghệ nhân Lâm Quang Cửa, người Tày thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, Lào Cai), từ xa xưa, ở Bắc Hà đã có truyền thống đua ngựa vào dịp Tết Nguyên đán.

Người dân chọn ngày tốt để làm lễ hội đua ngựa, theo quan niệm của các dân tộc nơi đây, con trâu và con ngựa là hai con vật có sức khỏe dẻo dai.

Hai loài vật này rất thân thiện, gần gũi với con người, nó đã cống hiến sức lực cho người nông dân rất nhiều. Lễ hội đua ngựa có từ thời Chúa Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật lưu truyền cho đến ngày nay. 

Cuối năm, những chàng trai đã có sự chuẩn bị chăm sóc con ngựa của mình sao cho có sức khỏe tốt. Con ngựa được chọn phải to cao, ngực nở, bốn chân cứng cáp, móng đứng, đuôi luôn ve vẩy liên tục. Con ngựa phải ăn cỏ, ngô no đủ, được tắm rửa sạch sẽ.

Khi đầu xuân, năm mới, người ta chọn từ ngày mùng 3-5 Tết, nhằm ‘ngày khỏe, ngày tốt’ như ngày con trâu, ngày con ngựa hoặc ngày con rồng để tổ chức lễ hội. Đến ngày đã định, người dân nô nức kéo ra hai bên đường cổ vũ xem ai là người chiến thắng. Chú ngựa nào cũng được trang trí lộng lẫy. 

Ngựa phải đeo vải đỏ thắt thành một bông hoa to trên đầu và phải đeo dây ‘pồ sến’ ở cổ, pồ sến là dây xúc xích bằng đồng có treo chuông và nhạc sáng loáng đi đến đâu kêu vang đến đó. 

Theo nghệ nhân Vàng Văn Xiểu, năm 1972 đã có rất nhiều thanh niên tham gia và nhiều người đã thi đấu tốt, vừa cưỡi ngựa, vừa bắn súng rất giỏi, nên đã đạt được nhiều lễ hội thưởng.

Những con ngựa đua giỏi thường là những con ngựa tốt, được đồng bào giữ cẩn thận, chăm nuôi cẩn thận và được dùng để nhân giống ra những con ngựa tốt khác.

Tới năm 2007, tỉnh Lào Cai bắt đầu khôi phục lại lễ hội đua ngựa truyền thống, gắn với hoạt động phát triển du lịch của địa phương, thu hút các nài ngựa trên địa bàn tham gia. Cho đến nay, Lễ hội đua ngựa Bắc Hà chính thức được tổ chức định kỳ vào tháng 6 hàng năm.

Thuần dưỡng ngựa thồ thành ngựa đua

Chợ phiên chủ nhật hàng tuần ở thị trấn Bắc Hà luôn có một góc dành riêng cho hoạt động mua bán ngựa.

Ở đây ngựa ở khắp các xã trong vùng đưa về cho người mua lựa chọn theo nhu cầu, mục đích sử dụng. Chăm sóc và huấn luyện ngựa đua, họ thường chọn con ngựa tầm 3 năm tuổi trở lên.

Khi mua về, nài ngựa chăm sóc vỗ béo trước sau đó mới đến giai đoạn tập luyện, con mà có khoang khoáy ngang tầm mắt thì tính nết ngựa thuần, dễ tập luyện hơn. 

Công việc thuần ngựa diễn ra thường xuyên trong nhiều năm, kinh nghiệm huấn luyện ngựa như sau: Đầu tiên làm quen với ngựa, chăm sóc ngựa nhằm hiểu bản tính của ngựa mới làm chủ được, thuần dưỡng ngựa theo sự điều khiển của chủ.

Nhiều con ngựa có tính bất kham do đó, người huấn luyện bắt buộc đưa ra những bài tập nặng như đưa xuống ao, suối, ruộng lầy tập luyện, nhưng ngựa ngoan chỉ cần cưỡi ở đường hoặc ra sân cưỡi là được. 

Ông Chảo Văn Dền, ở Na Quang (thị trấn Bắc Hà) cho hay, chọn ngựa đua chọn ngựa bụng bé, bụng tóp có như vậy ngựa mới chạy nhanh. Có thể cho ngựa ăn bí ngô để thời gian sau bụng ngựa bé lại. Con ngựa đua gần thi đấu thì cho ăn ít cỏ, tăng thóc, ngô có thế con ngựa mới khỏe, phi nhanh được.

Các cụ ngày xưa huấn luyện ngựa được kết hợp trong quá trình lên nương thồ, cho ngựa chạy trên địa hình đa dạng. Sau đó tập cho ngựa quen với việc thích ứng với dây cương trái, phải theo ý muốn của chủ. Gần đến ngày thi đấu các kỵ sĩ đưa ngựa đến làm quen với sân đua. Chủ và ngựa phải kết hợp ăn ý mới đảm bảo ngựa chạy tốt nhất, giành được giải nhất. 

Quá trình luyện tập vì gần đến ngày đua nên cần chú ý cho ngựa ăn thóc, ngô mà nhà trồng ra những không nên cho ăn ngô hạt thô nhiều vì ngựa dễ đau răng, nhiệt miệng…

Khi mùa hè, lượng cỏ dồi dào chăn thả tự nhiên cho ngựa hoạt bát nhưng mùa đông phải tích cỏ, rơm cho ngựa ăn đêm. Một đêm thường dậy 2-3 lần cho ngựa ăn, thế nó mới khỏe, ông Chảo Văn Dền cho hay. 

Công việc thái cỏ cho ngựa thường là người phụ nữ trong gia đình, tuy nhiên việc này đòi hỏi cần có 2 người, một người bón cỏ và một người thái.

Các đoạn cỏ thái có độ dài vừa phải, thông thường họ thái ngắn, thái dài quá ngựa không ăn hết có thể dẫn đến gây bệnh đường ruột cho ngựa.

Con ngựa ruột thẳng, ăn sạch, nên bón cỏ cho ngựa ăn cũng đòi hỏi phải chú ý, nếu đổ một lúc vào máng nhiều quá, cỏ sẽ bị nóng và ngựa không ăn.

Ở Bắc Hà, phụ nữ không thua kém nam giới, ngoài việc đồng áng, chăn nuôi ngựa thì cũng là những kỵ sĩ trên đường đua. Ảnh: H.Đ.

Ở Bắc Hà, phụ nữ không thua kém nam giới, ngoài việc đồng áng, chăn nuôi ngựa thì cũng là những kỵ sĩ trên đường đua. Ảnh: H.Đ.

Sáng chăn thả, chiều luyện tập để đua ngựa

Nét đặc biệt của Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đó là các nài ngựa tham gia đều là những người nông dân chân chất.

Họ tham gia đua ngựa để thể hiện sức khỏe dồi dào, giỏi về chăm sóc ngựa, yêu quý vật nuôi của mình. Chính vì vậy, những nài ngựa ở Bắc Hà đều mộc mạc, cách đua mộc, không dùng yên cương, không có ngựa đua chuyên nghiệp…

Con ngựa đối với bà con vùng cao ở Bắc Hà là vật nuôi quý của mỗi gia đình, dòng họ. Khi còn bé được địu trên lưng mẹ, còn khi lớn theo bố mẹ lên nương được tập cưỡi ngựa. Và rồi các chàng trai sẽ trở thành trụ cột gia đình, tự tay chăn nuôi, huấn luyện ngựa, tập cho những chú ngựa thồ quen với những đường đua ở sân quần. 

Ông Nông Văn Toàn ở xã Na Hối (huyện Bắc Hà) cho hay: "Từ đời bố tôi đã nuôi và tham gia đua ngựa. Tôi hiện đang nuôi 2 con ngựa bạch, lúc mua 35 triệu đồng giờ bán khoảng 55 triệu đồng, có lời nhưng cứ để nuôi đã. So với những vật nuôi khác, con ngựa hiệu quả hơn nhiều. Năm ngoái, tôi tham gia đau nhưng bị chậm mất không 0,5 giây nên không được vào vòng trong... Cứ đến đợt, chiều chiều mới mang ngựa ra tập, còn hằng ngày vẫn sử dụng ngựa để thồ ở một số nương xe máy không lên được". 

Thế nhưng, giờ đây không chỉ có nam giới tham gia môn thi đấu mạo hiểm này mà ngay cả phụ nữ cũng sẵn sàng đua ngựa.

Bà Hoàng Thị Tuyệt, ở thôn Na Kim, xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) là nữ kỵ sĩ đầu tiên tham gia giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà hồi năm 2020. Các khán giả trên sân khi ấy cũng bất ngờ và thán phục trước những màn trình diễn, rượt đuổi của nữ kỵ sĩ này.  

Bà Hoàng Thị Tuyệt chia sẻ với chúng tôi vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp và lo lắng khi lần đầu leo yên ngựa để thi đấu cùng các nài ngựa khác. “Không có yên nên rất khó ngồi vững mà phải ghì chặt hai chân vào thân ngựa, hai tay bám chặt bờm ngựa giữ thăng bằng. Khi tham dự giải vì tôi nghĩ rằng khẳng định người phụ nữ vùng cao cũng có thể làm được những việc mà các đấng mày râu làm được”,  bà Hoàng Thị Nguyệt nói. 

Trước khi đua, bà Nguyệt cũng chỉ luyện tập một vài buổi để quen với cảm giác trên lưng ngựa mà không mất thời gian thuần phục ngựa. Bởi chính chú ngựa này cũng là vật nuôi trong nhà được bà cho ăn hàng ngày. 

Giờ đây, đua ngựa truyền thống ở Bắc Hà không chỉ đơn thuần là một giải đấu mà còn là ngày hội sôi động của những người nông dân. Một lễ hội rất đặc biệt mang sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng "cao nguyên trắng" của bà con dân tộc thiểu số vùng cao.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.