| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy kinh tế rừng ở huyện có diện tích rừng lớn nhất nước

Thứ Tư 02/11/2022 , 17:56 (GMT+7)

NGHỆ AN 7 năm qua, công tác trồng rừng trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) rất được chú trọng, tài nguyên rừng ngày càng được củng cố và phát huy giá trị.

Đánh thức tiềm năng 

Công tác trồng rừng tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) được chia làm 2 giai đoạn, từ 2016 đến 2020 và 2020 đến nay. Sau 7 năm, địa phương này đã từng bước làm giàu vốn quý, biến những cánh rừng xanh thẳm thành tài nguyên vô giá.

Empty

Công tác trồng rừng được huyện Tương Dương đặc biệt chú trọng trong những năm qua, tài nguyên rừng ngày càng được củng cố, áp lực kinh tế của người dân nhờ đó cũng giảm nhiều . Ảnh: Việt Khánh.

Khảo sát thực tế cho thấy, giai đoạn 2016 trở về trước, rừng tự nhiên ở Tương Dương rất phong phú, người dân bản địa chủ yếu sống dựa vào rừng nhưng chưa thực sự quan tâm đến công tác trồng rừng. Về sau, khi nhà nước thực hiện chủ trương giao khoán đất lâm nghiệp, đi kèm với các chính sách thúc đẩy, nhiều hộ mới tích cực tham gia. Ngoài ra còn có một số ít hộ dân ở các xã Yên Hòa, Tam Quang, Xiêng My cũng chủ động nguồn kinh phí để đầu tư dưới dạng tự túc trồng rừng. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, vốn lại eo hẹp nên hiệu quả thấp.

Tìm hiểu sâu, dễ thấy việc trồng rừng ở Tương Dương không hề giản đơn. Đành rằng huyện này sở hữu diện tích tự nhiên, diện tích rừng lớn nhất toàn quốc nhưng thực tế chưa phát huy được lợi thế này. Thứ nữa là quỹ đất lâm nghiệp đa phần nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu, quá trình nâng cấp, làm mới các hạng mục công trình lâm sinh còn thấp so với điều kiện thực tế, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư trồng rừng.

Tương Dương dù đã được tỉnh Nghệ An quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ nhưng trên thực tế cơ bản chưa có bóng dáng doanh nghiệp triển khai các chính sách đầu tư, liên kết trồng rừng. Lo ngại không có đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm khiến người dân ái ngại đầu tư vào rừng...

Empty

Bình quân hàng năm, Tương Dương phấn đấu trồng mới hơn 1.000ha, đây là sự nỗ lực rất lớn của huyện vùng cao với tiềm lực còn nhiều hạn hẹp. Ảnh: Việt Khánh.

Đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng nhờ bám sát định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Nghệ An, đặc biệt là sự chủ động từ chính cơ sở, giai đoạn 2016 – 2020, công tác trồng rừng tại Tương Dương mới thực sự phát tiết.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ ngày 15/5/2015 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Tương Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020; Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 03/8/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện đã ban hành Quyết định cho phép lập Dự án trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyển biến từ chính sách hỗ trợ và giao đất, giao rừng

Trên cơ sở các chính sách, dự án được triển khai, UBND huyện Tương Dương tiếp tục chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt đến các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn tiến hành kiểm kê, rà soát đất đai để có cơ sở tổ chức chỉ đạo trồng rừng năm 2020, xa hơn là tầm nhìn 2020 – 2025.

Trong thời gian này, huyện đã đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, tạo điều kiện để người dân tham gia trồng rừng, đảm bảo sử dụng đất lâm nghiệp đúng pháp luật, đúng mục đích và đúng đối tượng. Song song đó, thực hiện đầy đủ chính sách hư­ởng lợi đối với các hộ tham gia nhận đất, nhận rừng khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

Empty

Nguồn giống trồng rừng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Tương Dương đảm nhận. Ảnh: Việt Khánh.

Do nguồn vốn nhà nước phân bố không lớn, tiềm lực của địa phương lại hạn hẹp nên giải pháp về vốn và cơ chế hỗ trợ trồng rừng phải được tính toán chi ly, kĩ lưỡng, tránh tình trạng làm đến đâu gỡ đến đó. Từ thực tiễn đặt ra, UBND huyện xác định sẽ hỗ trợ 100% giá mua cây giống, hỗ trợ thêm kinh phí thiết kế (khi hồ sơ kỹ thuật - dự toán được phê duyệt), kinh phí quản lý chỉ đạo. Về phía người dân, chịu trách nhiệm phát dọn thực bì, đào hố, trồng, chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo thành rừng.

“Mặt bằng chung của Tương Dương còn nhiều khó khăn, thách thức. Địa hình xa xôi, cách trở, giao thông đi lại khó khăn, tiềm lực phát triển còn nhiều hạn chế. Sau khi đánh giá tổng quan, huyện đã xây dựng kế hoạch, tập trung phát triển trồng rừng, vừa ổn định môi trường sinh thái, vừa giúp người dân cải thiện mức sống.

Sau nhiều năm triển khai quyết liệt, rừng Tương Dương ngày càng được củng cố. Nhờ rừng, đồng bào có thêm nguồn thu, áp lực kinh tế được giảm đi nhiều”, ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng.

Nguồn giống trồng rừng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Tương Dương đứng ra cung cấp, được Sở NN-PTNT thẩm định trước khi xuất trồng. Hàng năm, sau khi tiến hành được 2 tháng, UBND huyện Tương Dương sẽ có phương án chỉ đạo kiểm tra tỷ lệ cây sống, với những diện tích đạt tỷ lệ thấp sẽ chuyển sang trồng dặm. Nhìn chung, chất lượng cây giống đảm bảo yêu cầu, các hộ tham gia trồng đúng diện tích, đúng theo mật độ, đặc biệt là có ý thức, trách nhiệm và chú trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ vốn quý.

Trong 4 năm (2016 – 2019), công tác trồng rừng ở Tương Dương đã có bước tiến vượt bậc, duy trì nhịp độ khá ổn định, từng bước vươn tầm thành mô hình kinh tế mũi nhọn của địa phương. Qua thống kê, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,1 tỷ đồng, trong khoảng thời gian trên, toàn huyện đã trồng được 5.935ha/4.700ha, đạt 126,3% so với mục tiêu dự án đề ra.

Empty

Đầu vào đảm bảo chất lượng là tiền đề để hình thành, nhân rộng những cánh rừng xanh ngút ngàn ở Tương Dương. Ảnh: Việt Khánh.

Từ nền móng có được, UBND huyện Tương Dương tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng rừng cho giai đoạn kế tiếp, tập trung phát triển rừng theo hướng bền vững, duy trì độ che phủ rừng, tạo môi trường sinh thái, chống xói mòn, hạn chế thiên tai. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, hướng người dân tham gia vào lĩnh vực kinh doanh nghề rừng. Trên tinh thần đó, đã ưu tiên các hộ nằm trong quy hoach Dự án trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020 và các hộ có diện tích đất trống, đồi núi trọc thuộc diện tích đất sản xuất lâm nghiệp được nhà nước giao.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các đơn vị cấp dưới sẽ bám sát chủ trương, định hướng và nhiệm vụ thực tế được giao nhằm làm tốt công tác tham mưu cũng như trực tiếp “cầm tay chỉ việc” để mọi việc được hanh thông, trôi chảy.

Đơn cử như Hạt Kiểm lâm Tương Dương, đơn vị này có trách nhiệm chủ động phối hợp với UBND các xã xây dựng kế hoạch chi tiết bảo vệ rừng, tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản của nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng đến tận các thôn, bản và người dân. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác định trạng thái và diện tích, loại đất trồng rừng cho từng hộ. Trong khi đó, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tương Dương sẽ bám sát Quyết định số 261/QĐ-UBND về việc chỉ định thầu thiết kế kỹ thuật và dự toán trồng rừng sản xuất tập trung năm 2020 để thực thi…

Nhà nước và nhân dân cùng làm, tất cả cùng hướng đến mục tiêu lớn, đó là tiền đề, là bệ phóng để tiếp nối thành công. Bằng chứng, năm 2022, huyện Tương Dương đặt mục tiêu trồng 1.080ha rừng, dù mới qua 10 tháng đã đạt đến 92,5%, việc đạt và vượt kế hoạch trồng rừng năm 2022 là nhiệm vụ trong tầm tay.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm