| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy tỏi Lý Sơn

Thứ Tư 23/04/2014 , 07:10 (GMT+7)

Vụ tỏi ĐX 2013-2014, nông dân Lý Sơn đã thoát khỏi nỗi ám ảnh giống bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, năng suất kém... nhờ tỏi bản địa được phục tráng.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn phấn khởi cho biết: “Vụ ĐX 2013-2014 này toàn huyện trồng được 343 ha tỏi. Nhờ sử dụng giống đã được phục tráng nên năng suất tỏi đạt gần 8 tấn/ha. Đây là mức năng suất cao nhất trong những năm qua”.

Mặc dù tỏi là cây trồng chủ lực ở nơi đây, thế nhưng suốt nhiều năm qua, năng suất tỏi bình quân ở đây vẫn còn thấp nên hiệu quả SX chưa cao. Nguyên nhân do giống tỏi mà người dân Lý Sơn canh tác đã thoái hóa, nhiễm nhiều sâu bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lý Sơn, tổng diện tích trồng tỏi hàng năm tại Lý Sơn khoảng 350 ha, sản lượng ước đạt 1.700 tấn, năng suất bình quân từ 5 - 7 tấn/ha. Tuy nhiên, năng suất thường không ổn định, năm khí hậu thích hợp có thể đạt đến 6 - 7 tấn/ha, nhưng năm mất mùa chỉ đạt từ 3 - 4 tấn/ha. Đặc biệt, tỏi tại Lý Sơn chỉ trồng ở vụ ĐX, các vụ khác không canh tác do điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và vì thiếu nước tưới.

“Để cây tỏi Lý Sơn phát triển ổn định, tỉnh Quảng Ngãi cần có chính sách trợ giá để duy trì nguồn giống tỏi Lý Sơn đã phục tráng, đang được nông hộ trên địa bàn huyện lưu giữ trong SX; đào tạo và tập huấn để nâng cao nhận thức của nông dân đối với kỹ thuật duy trì, nhân giống tỏi, tiếp tục nghiên cứu để khắc phục các hạn chế về dinh dưỡng, nước tưới, mật độ trồng và giảm thiểu suy thoái môi trường cát biển cũng như
nguồn nước tưới...”,
TS Hồ Huy Cường.

“Trong thời gian qua, ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã áp dụng nhiều giải pháp khoa học nhằm nâng cao năng suất tỏi cho Lý Sơn. Tuy nhiên, giống tỏi mà nông dân đang sử dụng không qua chọn lọc nên đã bị thoái hóa, dù đã được nhân bằng phương pháp vô tính (tép) nhưng vẫn bị nhiễm các loại bệnh có nguồn gốc từ nấm hoặc lẫn cơ giới với các các giống khác. Chính vì vậy đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất tỏi”, ông Lê nói.

Trước thực trạng ấy, nâng cao năng suất tỏi cho huyện đảo Lý Sơn luôn là mối quan tâm của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi. Sau nhiều nghiên cứu, những nhà chuyên môn cho rằng có thể áp dụng 2 phương thức để nâng cao năng suất tỏi ở Lý Sơn: Một là sử dụng giống mới đã cải tiến, chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang thâm canh; hoặc làm thuần lại giống đặc sản bản địa.

Tuy nhiên, nếu dùng giải pháp sử dụng giống mới đã cải tiến hoặc chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang thâm canh có thể sẽ không duy trì được đặc tính bản địa. Do vậy, làm thuần lại giống tỏi đặc sản Lý Sơn bằng phương pháp phục tráng là giải pháp được chọn.

Suốt 3 năm (từ tháng 9/2009 đến tháng 10/2012), Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã tiến hành phục tráng giống tỏi Lý Sơn. TS Hồ Huy Cường, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB cho biết: “Chúng tôi đã thu thập 3.000 củ giống tỏi Lý Sơn để làm vật liệu phục tráng, đó là những củ tỏi giống thuộc những dòng ưu tú, tốt nhất. Từ 300 dòng G1, chúng tôi đã chọn và phục tráng được 9 dòng hỗn từ R1 đến R9 của giống tỏi Lý Sơn đạt cấp siêu nguyên chủng.

Trong 3 vụ ĐX liên tiếp từ năm 2009 đến 2012, chúng tôi đã phục tráng được 65.800 củ giống tỏi. Năng suất của các dòng đơn trong dòng hỗn đạt từ 8 - 9 tấn/ha, cao hơn đối chứng chưa phục tráng từ 12,3 - 39,3%”.

Sau khi có giống phục tráng, Phòng NN-PTNT huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 201 lượt nông dân 2 xã An Hải và An Vĩnh tham gia. “Mặc dù người Lý Sơn có nhiều kinh nghiệm trong canh tác tỏi, nhưng công tác phục tráng giống chẳng những yêu cầu về kinh nghiệm mà còn đòi hỏi về trình độ chuyên môn, do vậy chúng tôi tập trung tập huấn kỹ thuật duy trì và nhân giống tỏi Lý Sơn các cấp.

Qua các lớp tập huấn nông hộ cũng đã nắm bắt được các bước kỹ thuật cơ bản. Vụ ĐX năm nay, nhờ sử dụng giống tỏi đã phục tráng nên năng suất đạt gần 8 tấn/ha, cao hơn vụ ĐX năm ngoái từ 15 - 20%”, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN-PTNT Lý Sơn chia sẻ.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.