| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang, những mảng màu sáng - tối

Thứ Hai 10/06/2019 , 06:45 (GMT+7)

LTS: Cùng với Nghi Sơn, Vũng Áng, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng… thu hút hàng ngàn nhà đầu tư vào khai thác tiềm năng lợi thế thì vùng biển Bắc Trung bộ vẫn còn đó những gam màu tối.

Biết bao nông dân, doanh nghiệp đổ mồ hôi sôi nước mắt cho những ý tưởng làm giàu nhưng bất thành. Họ thiếu hụt về tài chính, tri thức, định hướng, hay sự hoành hành của thiên tai và cả nhân tai. May mắn lắm, một vài nơi có được của ăn của để nhưng ánh hào quang ấy cũng chỉ lấp lánh trước viễn cảnh bấp bênh.

Loạt bài viết này chỉ ra thực trạng và đặt ra những câu hỏi, giải pháp nào để vùng bãi ngang này được quan tâm xác đáng, phát triển mạnh như tiềm năng vốn có của nó.

Bài 1: Mong gì những chuyến vươn khơi

Từ trung tâm thị trấn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), hỏi đường về xã Ngư Lộc, người dân miền biển này không quên nhắc khéo, đi được một quãng lại phải hỏi, nếu không muốn lạc đường và kẹt xe. Ngư Lộc tuy nhỏ nhưng vào đó không cẩn thận là không tìm được lối đến trụ sở xã đâu.

Đằng sau những ngôi nhà tầng

Tầm 8 giờ sáng, khi thủy triều đã xuống, những con tàu mang trên mình cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nằm ngơi nghỉ yên bình trên những bãi cát sau một đêm ra lộng đánh bắt. Mùi tanh nồng đặc trưng của cá, mùi mặn mòi của biển bốc lên khiến những ai không quen có cảm giác bờn bợn. Từng tốp người chầu chực dưới những chiếc thuyền vừa cập bến để mua cá. Tiếng trả giá, tiếng chạnh chọe nhau từng mớ cá vang lên inh ỏi.

Bến cá Ngư Lộc sau một chuyến vươn khơi.

Giữa bãi cát sục bùn, những bọc ni lông rác thải dồn ứ vào tận chân đê chắn sóng tấp thành đống như có từ thời rất xa xưa. Cứ hai người một gánh cá vừa mua được tập kết lên đê chuyển vào những xe máy gắn thùng phía sau chở đi đâu đó vào những ngõ hẻm.

Tiếng máy nổ xình xịch của các điểm cung cấp đá lạnh phục vụ những chuyến ra khơi vang lên dồn dập. Trên tuyến đê chắn sóng, nhiều điểm dựng thành những lều bạt tạm bợ để tập kết, sơ chế cá, tôm. Người làm công ở những điểm này chủ yếu là phụ nữ, trung niên, người già. Hải sản đa phần là tôm biển, cá mối, ghẹ nhỏ…, toàn loại rẻ tiền.

Ngay sát chân đê chắn sóng là những ngôi nhà 2 - 3 tầng, mặt tiền chỉ khoảng 2 - 3m. Xung quanh là các điểm sơ chế hải sản dàn ra cả mặt đường. Nước bẩn từ những điểm sơ chế hải sản chảy lênh láng. Mặc dù đã có đường trên đê nhưng con đường dân sinh dưới chân đê vẫn chật như nêm. Hai chiếc xe bốn bánh đi vào cùng thời điểm tránh nhau rõ khổ sở. Một chiếc lùi lại, nép vào sát một ngôi nhà bên cạnh chờ chiếc còn lại đi qua…

Trong căn nhà 2 tầng được xây dựng từ khá lâu ngay sát chân đê chắn sóng tại xã Ngư Lộc, ông Đồng Xuân Thảo, chủ con tàu 67 vỏ gỗ than thở: “Trông thế thôi, dân Ngư Lộc còn khổ lắm, còn nghèo và sẽ còn nghèo. Không riêng gì gia đình tôi, cả xã này hầu như nhà nào cũng xây 2 - 3 tầng. Số nhà cấp 4 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng nếu nhìn vào đó để nói rằng người dân Ngư Lộc giàu có thì quả là một sai lầm rất lớn”.

Những căn nhà tầng mọc lên không che lấp được sự khó khăn của Ngư Lộc.

Nén tiếng thở dài, ông Thảo tiếp lời: “Ở cái vùng đất chật người đông này, nếu không có đất đai gia tiên để lại thì tìm mua được 20 - 30m2 đất dựng nhà đã là giỏi lắm. Chừng ấy đất, 5 - 6 con người không đủ chui rúc nên phải làm nhà 2 - 3 tầng. Nhưng ở xứ này, nhà nào còn cầm trong tay sổ đỏ thì mới gọi là giàu. Tiếc rằng, số đó chẳng được là bao. Tôi thì không những cắm sổ đỏ của gia đình mà còn phải mượn thêm mấy sổ nữa để ném vào ngân hàng vay tiền. Đến nay thì không biết đào ra đâu mà trả”.

Ấy là ông Thảo đang giãi bày về câu chuyện đất chật, người đông cũng như nợ nần của người dân Ngư Lộc. Sự thật này được ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc xác nhận: “Nhìn nhà cao tầng thế thôi chứ Ngư Lộc còn nghèo lắm. Có lẽ không đâu như nơi này, mật độ dân số lên tới 15.000 người/km2. Vì thế, dù là nông thôn miền biển nhưng có những gia đình phải mua mỗi m2 lên đến trên 30 triệu đồng. Theo thống kê thì hiện tổng dư nợ ngân hàng của toàn xã là 650 tỷ đồng. Với dân số hiện tại 18.000 nhân khẩu thì bình quân mỗi người dân có một khoản nợ ngân hàng trên 36 triệu đồng”.
 

Vẫn chưa qua cơn bĩ cực

Ông Năm lý giải, người vùng biển Ngư Lộc còn nghèo bởi một nhẽ, trong số 369 phương tiện đánh bắt hiện nay thì đa phần là tàu công suất nhỏ, việc ra khơi đánh bắt gặp nhiều khó khăn trong khi có tới 60% dân số sống bằng nghề đánh bắt, khai thác ngoài biển. Ngư Lộc không có bãi, đầm phá thuận lợi cho nuôi biển. Trên biển đã thế, do đất đai chật chội, trên bờ hiện không có đơn vị chế biến hải sản nào. Hải sản ngư dân đánh bắt được đa phần các tư thương thu mua với giá thấp.

Hải sản đánh bắt đa phần có giá trị thấp.

Nhưng theo ông Đồng Xuân Thảo, con số thống kê về nợ nần trên vẫn chưa phản ánh hết cơn bĩ cực của ngư dân. Nợ ngân hàng là con số có thể thống kê được. Bản thân gia đình ông cũng vậy, để có con tàu vỏ gỗ trên 10 tỷ đồng, ông vay ngân hàng 9 tỷ. Số còn lại phải đi vay nóng, vay với lãi suất 2 nghìn đồng/ngày/1 triệu đồng. Năm đầu tiên còn làm ăn được nhưng vài năm nay, trữ lượng cá giảm hẳn, mỗi chuyến vươn khơi lại không đủ chi phí.

Trước đây, lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm khoảng 30 - 40% thì nay chỉ còn 5 - 10%. Giá dầu tăng lên, nhân công khan hiếm tăng giá ngày công lao động; dịch vụ hậu cần cũng tăng theo. Nhưng theo kinh nghiệm của ngư dân, nếu nằm bờ thì tàu và ngư lưới cụ cũng sẽ hỏng hết. Vậy là lại phải chạy đi vay nóng lãi suất cao để bù chi phí.

Nhận thấy nhu cầu bức thiết về tiền vốn làm ăn của ngư dân, một số người đã đứng ra gom tiền cho vay với lãi suất cao. Khi những con tàu làm ăn bết bát không thể trả nợ, những đối tượng cho vay này vì sợ bị siết nợ đành phải bỏ quê ra đi trong im lặng và sợ hãi. Vì thế, chuyện những cặp vợ chồng đã phải bán xới, bặt vô âm tín ở xã vùng biển này không hiếm.

“Bình quân mỗi tháng, cả gốc lẫn lãi tôi phải trả gần 170 triệu đồng cho ngân hàng nhưng đã 2 năm nay làm ăn bết bát, ngân hàng cử người xuống đốc thúc thường xuyên vẫn không có để trả. Tình trạng 7 con tàu 67 còn lại của xã cũng chẳng sáng sủa gì. Tàu 67 đã thế, những tàu công suất nhỏ càng thê thảm, nhiều hộ phải cải hoán hoặc chuyển đổi sang nghề dã”, ông Thảo bày tỏ.

Theo người dân ở đây, cách đây 4 - 5 năm, toàn xã có gần 500 chiếc thuyền khai thác. Dù là khai thác vùng lộng nhưng vẫn kiếm đủ miếng cơm, manh áo hàng ngày.

Nay toàn xã chỉ còn trên dưới 369 chiếc tàu đánh cá chủ yếu đánh cá trong lộng. Nhiều chủ tàu, hoặc phải chuyển đổi nghề hoặc phải bán chạy tàu vì không thể trụ vững trước thực trạng hiệu quả khai thác ngày càng thấp trong khi chi phí đầu vào không ngừng tăng lên.

Một thực tế là hiện nay, nguồn lao động phục vụ nghề đi biển đang thiếu trầm trọng. Vì vậy, thay vì những thanh niên trai tráng đứng đầu sóng ngọn gió thì có những cụ ông 60 - 70 tuổi vẫn làm thuyền viên trên những chuyến vươn khơi.

Chỉ một ít thanh niên, do không được học hành đến nơi đến chốn, không có công ăn việc làm mới chịu đi biển.

Ông Đồng Xuân Thảo kể về cơn bĩ cực của người dân Ngư Lộc.

Theo thống kê, Ngư Lộc hiện có 2.000 lao động đi làm ăn xa, trong đó có khoảng 100 người xuất khẩu lao động. Cứ như lời của cán bộ xã Ngư Lộc thì xem ra làn sóng chảy máu lao động vẫn chưa dừng lại.

“Năm 2018 còn có 60 tàu câu mực nhưng nay, kể cả 8 con tàu 67 thì toàn xã chỉ còn 20 tàu câu. Tàu câu tốn lao động, tốn chi phí nên có hộ vừa mới đóng tàu trị giá trên 1,6 tỷ đồng đã phải bán lại với giá chưa đến 1 tỷ đồng. Có hộ thì cải hoán, đổi thành nghề dã. Biết đi dã là vi phạm pháp luật đấy nhưng cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi”, một ngư dân thành thật chia sẻ.

Những câu chuyện ngư dân tâm sự khiến cho những số liệu về giảm nghèo, hộ cận nghèo; sản lượng và giá trị đánh bắt tăng hằng năm… mà ông Phó Chủ tịch xã Ngư Lộc cung cấp bỗng nhòe đi trong suy nghĩ của chúng tôi.

“Từ bao đời nay, người dân Ngư Lộc độc nghề đi biển, không có nghề phụ. Trong khi đó phương tiện đánh bắt lại lạc hậu, công suất thấp. Bối cảnh này, nếu không có các chính sách tạo công ăn việc làm cho người dân thì cuộc sống của họ sẽ còn nhiều khó khăn. Việc xây dựng các khu chế biến tập trung vừa để nâng cao giá trị hải sản đánh bắt vừa tạo thêm công ăn việc ổn định là rất cần thiết lúc này”, ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.