| Hotline: 0983.970.780

Vùng đất trời hành

Thứ Hai 28/05/2012 , 09:37 (GMT+7)

Mảnh đất Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vốn được xem là rốn sét. Chưa ai thống kê chi ly một năm có bao nhiêu lần trời hành vùng đất khốn khổ này. Nhưng cứ đến mùa hè nóng nực, người dân nơi đây lại phập phồng lo… trời đánh.

Lại thêm một vụ sét đánh kinh hoàng xảy ra tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Lần này trời giáng xuống gia đình ông Trần Văn Lợi, trú tại xóm 6. Cú sét nhằm vào cây mít lớn trước cửa tạo thành một vết rạch từ ngọn cây xuống tận gốc. Luồng sét sau đó xuyên sang cây mít thứ 2 rồi xiên thẳng vào tường, “chạy” vào nhà bếp và làm thương một người nhà ông Lợi.

Rốn sét

Mảnh đất Sơn Trường vốn được xem là rốn sét. Chưa ai thống kê chi ly một năm có bao nhiêu lần trời hành vùng đất khốn khổ này. Nhưng cứ đến mùa hè nóng nực, người dân nơi đây lại phập phồng lo sợ… trời đánh. Chúng tôi về Sơn Trường khi vụ sét đánh trúng nhà ông Lợi mới xảy ra được 3 ngày. Hôm đó, nhà ông Lợi đang tập trung rất đông người chuẩn bị cho ngày hôm sau con gái về nhà chồng.

Theo như lời ông Lợi kể lại, cả ngày trời mây vần vũ. Sau những ngày trời nắng như đổ lửa, nếu có mưa xuống sẽ kèm theo sấm sét khủng khiếp, ông Lợi và người dân xã Sơn Trường ai cũng nằm lòng điều đó. Sẩm tối, trời đổ cơn mưa, trong giây lát miền sơn cước này chìm trong bóng tối. Những ánh chớp sáng loáng xé toạc bầu trời, những tiếng đùng đoàng xuất hiện mỗi lúc một dày đặc. Thấy nhà đang tập trung đông người giúp đám cưới, ông Lợi liền hô hoán mọi người chạy cả vào gian lớn.


Sét đánh xiên tường nhà ông Lợi

Hôm đó, nhà có đông người nên dù trời có gầm gừ dữ tợn thì câu chuyện trong nhà ông Lợi vẫn rôm rả. Thế nhưng, một ánh chớp lóa mắt, một tiếng nổ kinh hoàng giáng xuống. Dưới bếp nhà ông Lợi, nào bát, nào mâm, xoong nồi rơi loảng xoảng, tiếng bà mợ ông Lợi kêu lên thất thanh. Mọi người chạy vội xuống thì thấy mợ ông Lợi đã bị “nhiễm” sét đang ôm bụng quằn quại. Hóa ra mợ ông Lợi vừa tranh thủ xuống bếp kiểm tra nồi bánh thì bị “trời đánh”.

Chiếc mâm bằng inox ngày thường vẫn treo trên tường bị sém đen và rơi xuống đất méo xệch. Trên tường, tia sét đã khoét một lỗ thủng rộng chừng 30cm. Ngoài vườn, dây điện bén lửa cháy đỏ rực bốc mùi khét lẹt. May mắn là bà mợ này chỉ bị “nhiễm” nhẹ sau khi tia sét đã xiên qua cây mít rồi vào tường và “bập” trúng chiếc mâm trước khi tìm đến người đàn bà tội nghiệp. Đứng gần đó, bà Hoan, vợ ông Lợi bị “nhiễm” nhẹ hơn. Dẫu vậy, hôm chúng tôi đến bà Hoan vẫn nằm thiêm thiếp trên giường và phải truyền nước vì bà bị khiếp sợ khiến tinh thần hoảng loạn.

Ông Lợi cũng cho biết, mảnh vườn nhà ông vốn có “truyền thống” bị sét đánh. Ông nhớ là đã có đến 4 hay 5 lần sét tìm đúng vườn nhà ông mà đánh. Trước cửa nhà ông Lợi vốn có mấy cây mít, cây cau nhưng sau mấy lần bị “thiên lôi” hỏi thăm, những cây trên đều chết gục. Vườn còn lại đúng 2 cây mít lớn và cú sét xẩy ra mới đây khiến vỏ cả 2 cây đều rách toạc. Ông Lợi nhận định, chỉ trong thời gian ngắn nữa, 2 cây này cũng sẽ bị chết.


Sét đánh khiến chiếc mâm méo xệch

“Hồi bé sét cũng đánh đúng cây mít trước cửa. Lúc đó em trai tôi ngã lăn ra giữa nhà, may mà không chết. Lâu lắm rồi vườn nhà không bị sét nên tôi cũng yên tâm không ngờ lần này lại “dính”. Hôm sét xong mọi người cũng bàn tính cách chống sét nhưng nói thật là chẳng biết chống bằng cách nào. Trời đánh chết cũng có số, cứ kệ. Ở trong nhà cũng bị đánh thì tránh sao được”, ông Lợi tâm sự với giọng bất lực.


Vợ ông Lợi vẫn chưa hoàn hồn sau 3 ngày bị sét đánh

Di chứng

Ở xã Sơn Trường không ai không biết đến chị Trần Thị Việt (SN 1957) ở xóm 10. Chị Việt bị sét đánh vào một ngày tháng 8/1996. Lần đó, trong lúc đang khơi nước trước cửa nhà, chị Việt bị một cú sét giáng xuống làm ngất xỉu tại chỗ. Sau 3 ngày chị Việt mới tỉnh lại… trong bệnh viện. Khổ nỗi, lúc này dù vẫn nhận biết được sự vật xung quanh mình nhưng giọng nói của chị thì biến mất hoàn toàn. Chị Việt cũng không thể đi lại và phải ăn nằm một chỗ hơn mười năm trời. Trong suốt thời gian đó chị Việt sống như người câm và giao tiếp với người thân chỉ bằng cách viết ra giấy.

Lúc tai họa ập xuống, anh Thông, chồng chị Việt, đang công tác tại thành phố Vinh (Nghệ An). Thương vợ, anh Thông đã bỏ cả việc làm về quê chăm chị Việt. Đi khắp các bệnh viện, dùng đủ các loại thuốc nhưng sức khỏe của chị Việt hồi phục rất chậm. Cách đây mấy năm, chị Việt mới đi lại được và cũng trong năm đó, chị bỗng nói trở lại. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trước khi chị Việt nói được, một lần nữa chị lại bị sét đánh. Lần này sét đánh đường dây điện nhưng chị Việt ngồi trong nhà cũng bị ảnh hưởng. Có người bảo giọng nói trở lại vì “trời đánh” lần 2 nhưng chị Việt thì cho rằng, chị nói được là nhờ quá trình chữa trị hàng chục năm trời.


Chị Việt thoát chết sau hai lần bị sét đánh
 

Việt Nam nằm ở tâm giông của Châu Á, là một trong 3 tâm giông có hoạt động giông sét mạnh nhất. Tuy chỉ hội tụ ở một vài địa điểm nhưng nếu chưa có lời giải hay phương pháp phòng tránh hữu hiệu thì những người dân sống ở vùng đất bị “trời hành” như Sơn Trường vẫn phải đón nhận những cú “đánh” bất chợt từ trên trời rơi xuống.

Bây giờ chị Việt đã đi lại và nói được nhưng sức khỏe vẫn rất yếu. Thương nhất là chồng chị, sau nhiều năm chăm sóc cho vợ, đến lúc chị đi được, nói được thì anh lại đột quỵ và qua đời.

Chị Việt sau ngày bị “trời đánh” sức khỏe yếu ớt nên không thể làm được việc gì. Nhà chỉ có ba cô con gái, chồng mất, chị Việt không còn sức khỏe nên bao năm nay nhà chị Việt luôn thuộc diện nghèo nhất xã. “Trước đây tôi khỏe lắm, làm việc quần quật nhưng sau khi bị sét đánh thì kiệt quệ. Bây giờ đã đi được nhưng hai chân vẫn tê bì”, chị tâm sự. 

Nói về mảnh đất “trời hành” của quê hương mình, ông Lê Xuân Cúc, Chủ tịch UBND xã Sơn Trường, cho biết: “Chưa có con số thống kê chính xác nhưng ít nhất đã có 5 người thiệt mạng vì sét đánh ở xã này. Thiệt hại về tài sản thì vô cùng lớn, nhất là đồ điện tử. Chúng tôi vẫn thường xuyên cảnh báo cho người dân để phòng tránh theo cách… truyền thống. Mưa là vào nhà, cắt điện. Cẩn thận là vậy nhưng vẫn bị sét đánh. Ngay như hệ thống truyền thông của xã cũng bị sét đánh cháy liên tục. Cũng đã có nhiều đoàn về đây nghiên cứu nhưng xong họ lại đi mà chẳng thấy có kết luận hay biện pháp gì để chống sét”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm