| Hotline: 0983.970.780

Vùng khoai lang Đồng Tháp

Thứ Năm 05/05/2011 , 10:40 (GMT+7)

Nông dân vùng chuyên canh khoai lang xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã có sáng kiến “độc”: Liên kết đổi công sản xuất...

Nông dân vùng chuyên canh khoai lang xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã có sáng kiến “độc”: Liên kết đổi công sản xuất để khắc phục tình trạng khan hiếm lao động, từ đó dần hình thành ý thức cộng đồng trong việc sản xuất hàng hóa lớn thông qua quá trình học hỏi, trao đổi kinh nghiệm ngay trên cánh đồng…

CÁNH ĐỒNG LIÊN KẾT

Buổi chiều, khi ánh mặt trời đã ngả vàng, chúng tôi được anh Lưu Văn Bé Hai, cán bộ nông nghiệp xã Phú Long dẫn đi tham quan cánh đồng chuyên canh khoai lang của xã. Con đường nội bộ trải bê tông khá sạch cặp sát bên bờ sông. Thật sảng khoái khi vừa chạy xe vừa đón những luồng gió mát rượi từ dưới sông thổi lên. Lâu lâu lại có một chiếc ghe đậu dưới bến, gần chục người đang nhịp nhàng chuyền tay nhau những bó dây khoai giống từ ghe lên bờ.

 Đến cánh đồng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một không khí nhộn nhịp, tất bật đang diễn ra. Vài chục người đang “chen chúc” trên mấy mảnh ruộng sát nhau. Nhóm phụ nữ làm việc nhẹ nhàng là xuống giống, kế bên, một nhóm đàn ông cởi trần trùng trục, khoe cánh tay gân guốc đang phối hợp lên luống. Một nhóm nam thanh niên khác vừa tưới nước cho ruộng khoai mới, vừa gọi nhau í ới, tiếng cười nói vang xa trên cánh đồng mênh mông.

Đón chúng tôi, ông Lê Văn Minh, tổ trưởng sản xuất ấp Phú Hòa chỉ nhóm người đang cắm cúi trên những mảnh ruộng nói: “Các anh nhìn đi, chúng tôi đã tìm ra biện pháp hiệu quả khắc phục việc thiếu nhân công rồi, mừng lắm! Hiện nay lao động nông thôn ngày một khan hiếm, đến mùa tìm được nhân công để thuê không hề đơn giản, nếu có thì giá thuê cũng rất cao. Trong khi trồng khoai cần lượng nhân công cao gấp 3, 4 lần trồng lúa, nhất là trồng khoai xuất khẩu, phải qua nhiều công đoạn: làm đất, lên vồng, xuống giống, bơm tưới, chăm sóc. Khi thu hoạch, mỗi hécta khoai cần đến vài chục người làm cùng lúc với các công việc như cắt dây, vỡ đất, nhặt rễ, vận chuyển… Vì thế, chúng tôi đã có sáng kiến làm đổi công cho nhau”.

Cụ thể, lúc trồng cũng như thu hoạch, các gia đình tập trung nhân lực làm luân phiên cho từng hộ. Chị Võ Thị Huệ, nông dân ấp Phú Hòa nói: “Mấy năm trước khi chưa có hình thức liên kết đổi công này, gần đến ngày thu hoạch hay xuống giống là mọi người lo sốt vó. Tìm khắp xã cũng không đủ nhân công để thuê vì tất cả mọi người làm cùng lúc, làm sao dám bỏ ruộng nhà mình để đi làm cho người khác. Giờ thì ai cũng yên tâm vì làm hết nhà này sẽ đến nhà kia, vừa vui vừa nhanh hơn rất nhiều. Trong lúc đi làm chung, mọi người có dịp học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ mọi chuyện trong gia đình từ bếp núc đến chuyện học hành của con cái. Hay lắm!”.

Ngoài việc bà con nông dân có sự đoàn kết, họ còn biết “chung tay” tự tổ chức sản xuất, tự cung cấp giống, áp dụng những kỹ thuật canh tác mới. Đặc biệt là cùng nhau thực hiện cơ giới hoá các khâu làm đất, tưới tiêu, phun xịt, bón phân… thay cho lao động thủ công.

VÙNG KHOAI HÀNG HÓA LỚN

Gần trưa chúng tôi đến UBND xã Phú Long, lúc này các phòng làm việc vẫn nhộn nhịp người ra vào. Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Hai cười cho biết: “Hôm nay xã tổ chức buổi hội thảo đầu bờ, trình diễn kỹ thuật trồng khoai lang cho bà con. Do mọi người ai cũng say mê thuyết trình nên trưa lúc nào không hay”. Theo ông Hai thì Phú Long đã trồng khoai lang từ 30 năm nay, nhưng gần đây do khoai lang có giá nên diện tích đã tăng mạnh. Năm 2010 toàn xã có hơn 400 ha, một nửa diện tích trong số đó là vùng chuyên canh các loại khoai như: Tím Nhật, Tàu nghẹn, Trắng sữa, Nghệ cao sản, Bí đường…

“Những giống này cho chất lượng và năng suất cao, giá ổn định. Bên cạnh đó bà con được nhà nước hỗ trợ nhiều mặt từ kỹ thuật canh tác, chọn giống, tư vấn về nhu cầu thị trường nên bà con rất phấn khởi và yên tâm đầu tư. Kể từ năm 2010, tỉnh và huyện đã hỗ trợ cho xã 100 ha, mỗi ha 1.380.000 đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu”, ông Hai cho biết.

Ông Lê Kiêm Bé, Chủ tịch HND xã Phú Long: “Mấy anh thấy đó, ở nông thôn bây giờ kiếm lao động không hề dễ. Phần lớn họ đi làm ăn xa, mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 lao động. Hình thức đổi công đã giúp bà con giải quyết tình trạng thiếu lao động, vừa nhanh, kịp thời vụ, vừa mang tính cộng đồng cao. Hiện nay tất cả các ấp trong xã đều áp dụng hình thức này và được bà con rất đồng tình”.

Hầu hết những gia đình chúng tôi ghé thăm đều phấn khởi cho biết họ đang ngày càng “yêu” khoai lang hơn. Ông Võ Văn Khải, ấp Phú Hòa nói: “Nếu tính cào bằng thì năng suất khoai từ 45 đến 50 tạ/công, giá khoảng 450.000 đồng/tạ. Năm 2010, tôi trồng 10 công khoai các loại, sau khi trừ hết chi phí đầu tư tôi còn lãi khoảng 100 triệu đồng”. Ông Khải cũng cho biết, trong các loại khoai thì giống khoai trắng Tàu nghẹn ăn ngon nhất, nhưng chỉ tiêu thụ nội địa chứ không xuất khẩu nên giá không cao bằng giống Tím Nhật. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn trồng cả hai loại để cung ứng cho nhu cầu nội địa lẫn XK.

Bên cạnh những ruộng khoai đang xuống giống, chúng tôi thấy một diện tích khá lớn khoai lang đang chuẩn bị thu hoạch. Ông Lê Văn Minh giải thích: “Nhiều vụ trồng khoai lang, chúng tôi đã rút ra bài học là phải trồng rải vụ, làm thế sẽ luôn có sản phẩm bán với giá cao và chủ động được nguồn dây giống”.

Theo ông Huỳnh Minh Phụng - Trưởng phòng NN- PTNT huyện Châu Thành, huyện đã lên kế hoạch lập vùng chuyên canh khoai lang diện tích 1.000 ha tại 3 xã là Phú Long (500 ha), Tân Phú (350 ha) và Hòa Tân (150 ha). “Chúng tôi cũng đã có đề xuất tỉnh hỗ trợ để đầu tư hạ tầng cho vùng hoa màu như xây dựng các trạm bơm điện, gia cố bờ bao, đầu tư một số cống hở và cống tròn, góp phần giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tạo vùng hàng hóa trên cơ sở liên kết sản xuất”.

Xem thêm
Xu thế chăn nuôi xanh: [Bài 1] Ứng dụng hiệu quả chế phẩm sinh học

TÂY NINH Nuôi gà bằng chế phẩm sinh học đang được Tây Ninh ứng dụng rộng rãi, là một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

Chạy đua tiêm phòng vacxin đợt 1 cho đàn vật nuôi

HÀ TĨNH Để đảm bảo kết thúc tiêm phòng cho đàn vật nuôi xong trước ngày 30/5, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng chuyên môn đẩy nhanh tiến độ tiêm.

Thách thức của nông dân trong quản lý cỏ dại trên ruộng lúa

Cỏ dại được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lúa, tạo ra thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU: [Bài 1] Tuyệt đối không vượt ranh giới

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Hơn 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng chết khô, người dân ngồi trên đống lửa

THANH HÓA Theo thống kê ban đầu, hiện toàn huyện Quan Sơn đã có trên 10 nghìn ha nứa, vầu, luồng bị chết khô (khuy sinh học).

Bình luận mới nhất