Chúng tôi vào thăm vườn điều của ông Hoàng Trọng Thanh để “mục sở thị” khu vườn kiểu mẫu tại "thủ phủ điều" Bù Gia Mập. Ngay thời điểm đó còn có một đoàn tham quan của Hội Nông dân mấy xã lân cận cũng vào vườn điều này để quan sát, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Thanh quê ở Hà Tây (cũ), vào đây lập nghiệp cũng đã 30 năm. Trước đây, cả vùng này còn hoang sơ, toàn rừng rú. Cả gia đình ông vào lập nghiệp và xin khai hoang lấy đất trồng trọt, sau nhiều năm vất vả đã có được vài ha để trồng điều.
Tuy nhiên, thời điểm đó hạt điều chưa có giá, thấy cao su có thu nhập hơn nên ông bèn chặt điều trồng cao su. Đến lúc cây cao su cho khai thác thì giá mủ lại quá bèo bọt, được vài vụ ông chán nản bán bớt đất, chỉ giữ lại 2 ha quyết tâm quay lại với cây điều.
Sau khoảng chục năm cây điều cho thu hoạch với năng suất chỉ trên 1 tấn/ha, ông Thanh đã tìm cách học hỏi phương pháp ghép điều.
Từ nhiều nguồn thông tin, ông đã tự chọn lựa các cây điều cho năng suất cao, ổn định và chất lượng đồng đều để tuyển các bo giống, sau đó tiến hành ghép thử nghiệm.
Ông Đỗ Thành Trung, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Bù Gia Mập: "Để phát triển nhân rộng diện tích, rất cần có cây đầu dòng năng suất cao ổn định trong nhiều năm, không ra trái cách năm và có tỷ lệ thu hồi cao, hạt to từ 110 - 120 hạt/kg, bông chùm có tỷ lệ hoa lưỡng tính cao trên 30% và không bị nhiễm sâu bệnh hại. Những cây đầu dòng này cần được chọn tại địa phương, theo dõi, đánh giá kết quả và công nhận, từ đó nhân rộng thành vườn cây đầu dòng, việc này cũng rất cần phải đầu tư kinh phí triển khai thực hiện". |
Thật bất ngờ, chỉ 1 năm sau, các cây điều ghép đều cho lượng trái tăng lên rõ rệt và sau 5 năm năng suất đã vọt lên tới trên 4 tấn/ha, chất lượng và tỷ lệ nhân thu hồi rất cao.
“Thời điểm tôi tiến hành ghép cải tạo, nhiều người đi ngang khu vườn còn nói “ông này rồ hay sao vậy”, bởi cứ thấy tôi chặt tỉa hết các cành điều. Theo suy nghĩ của mọi người, làm như thế thì cây sẽ mất năng suất, thậm chí còn chết nếu chăm sóc không kỹ. Nhưng đến giờ, hiệu quả của việc ghép cải tạo đã được chứng minh, rất nhiều người trước phê phán thì giờ đã đến đây để tham quan, học hỏi kinh nghiệm!”, ông Thanh nói.
Quả thật, khi chúng tôi bước vào vườn điều của ông Thanh, không ai nghĩ vườn điều này đã có tuổi đời trên 15 năm. Sau khi được ghép cải tạo, cả khu vườn đã được trẻ hóa, các cành ghép xanh mơn mởn đều phát triển mạnh lấn át các cành già cỗi.
Đặc biệt, cả khu vườn không hề có bóng dáng cỏ dại, đường đi trong vườn được quét dọn sạch sẽ, phẳng phiu như đi trên lộ đất đã được nện phẳng.
Chỉ vào một cây điều to lớn có hàng loạt cành ghép sà sát mặt đất, ông Thanh nói: “Cây này cho năng suất cao nhất vườn, trước đây trung bình mỗi vụ chỉ cho vài chục ký, nhưng sau 5 năm ghép cải tạo riêng nó đã cho thu trên 1 tạ mỗi vụ”.
Ông Thanh cũng khẳng định chắc nịch, chỉ vài năm nữa năng suất vườn điều của ông sẽ tiếp tục tăng lên và có thể đạt tới 6 tấn/ha.
Theo ông Đỗ Thành Trung, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Bù Gia Mập, vườn điều của ông Thanh nằm trong số hộ trồng điều hiệu quả tiêu biểu nhất huyện.
Mô hình này cũng được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khuyến khích đầu tư xây dựng thành mô hình điểm về ghép cải tạo vườn điều, thu hút bà con nông dân trong và ngoài huyện tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.
Ông Trung cũng cho biết, hầu hết diện tích điều tại Bình Phước là giống địa phương hạt nhỏ, ít trái, năng suất thấp cần được ghép cải tạo. Vì thế, sau khi Vinacas đầu tư 270 triệu đồng để giúp 30 hộ nông dân tiến hành ghép cải tạo vườn điều, tạo phong trào nhân rộng; thì thời gian tới, rất cần UBND tỉnh và Sở KH-CN Bình Phước xem xét đầu tư kinh phí triển khai dự án “Ghép cải tạo vườn điều già năng suất thấp bằng giải pháp ghép thở, kết hợp đầu tư chăm sóc phòng trừ tổng hợp sâu bệnh”.
Các dự án này sẽ xây dựng thí điểm vùng điều năng suất cao (4 tấn/ha) và bền vững cho 30 xã thuộc 3 huyện trọng điểm là Bù Gia Mập, Bù Đăng và Đồng Phú nhằm đánh giá kết quả xây dựng mô hình và nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.