| Hotline: 0983.970.780

Vượt 'bão' suy thoái nhờ lối riêng

Thứ Tư 11/10/2023 , 19:20 (GMT+7)

Trong cơn bão suy thoái, Công ty CP Gò Đàng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, giữ chân người lao động.

Công nhân làm việc tại phân xưởng phi lê cá tra của Công ty CP Gò Đàng có thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Minh Đảm.

Công nhân làm việc tại phân xưởng phi lê cá tra của Công ty CP Gò Đàng có thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Minh Đảm.

Trong những ngày này, không khí lao động tại các phân xưởng ở 7 nhà máy của Công ty CP Gò Đàng ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long diễn ra rất khẩn trương để giải quyết lượng cá tra đến lứa thu hoạch và phục vụ theo các hợp đồng xuất khẩu cho đối tác.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, ngành chế biến thủy sản hơn 1 năm qua hết sức khó khăn do thị trường bị suy thoái sau đại dịch Covid-19, nhất là 2 thị trường tiêu thụ lớn Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm nhập khẩu thủy sản.

Tuy vậy, Công ty CP Gò Đàng đã chủ động tìm hướng đi riêng như: khép kín quy trình sản xuất, đa dạng các sản phẩm chế biến từ cá tra, đảm bảo vùng nuôi cá tra, giảm giá thành đầu vào.

Hiện nay, công ty có 7 nhà máy hoạt động liên tục gồm các lĩnh vực: đông lạnh, giá trị gia tăng, dầu cá, chế biến; trong đó, tại Tiền Giang có 3 nhà máy, Vĩnh Long 1 nhà máy, Bến Tre 3 nhà máy. Doanh nghiệp đã sản xuất ra 50 mặt hàng các loại từ con cá tra và nghêu, xuất khẩu sang gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động thường xuyên trong vùng ĐBSCL.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng qua kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nhiều năm, doanh nghiệp đã sớm ổn định hoạt động. Công ty đã chủ động vùng nuôi cá tra khoảng 300 ha đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu nên không phải mua cá từ bên ngoài giá cao.

Dù trong 8 tháng qua, Công ty CP Gò Đàng đã xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 70 triệu USD, nhưng vẫn giảm gần 10% so cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, doanh số từ mặt hàng cá tra phi lê chiếm tỉ lệ cao nhất. Về chiến lược sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thị trường thế giới gặp khó khăn, công ty vẫn tiếp tục đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, tiết giảm chi phí.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng chia sẻ về thị trường thủy sản sau đại dịch Covid-19 đến nay. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng chia sẻ về thị trường thủy sản sau đại dịch Covid-19 đến nay. Ảnh: Minh Đảm.

Xác định công nhân lao động là lực lượng quan trọng góp phần vào thành quả của doanh nghiệp, nên Công ty CP Gò Đàng rất chăm lo đến đời sống, việc làm của lực lượng này. Sau khi đại dịch lắng dịu, số công nhân không giảm mà được bổ sung thêm, đến nay đạt khoảng 5.000 người. Ngoài các chính sách tiền lương, thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các công nhân có thâm niên lao động, ở xa còn được bố trí ở trong 160 căn nhà do công ty xây dựng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, nhà ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang) là công nhân của xưởng cá tra phi lê thuộc Công ty CP Gò Đàng chia sẻ đã làm việc tại đây được 10 năm. Thu nhập dựa trên năng suất làm việc, tùy theo tháng, dao động từ 8-10 triệu đồng. Thời gian làm việc từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều. Công ty còn hỗ trợ tiền nhà trọ, xăng xe và công việc rất ổn định.

Công ty CP Gò Đàng là một trong số ít các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở vùng ĐBSCL hoạt động ổn định dù hiệu quả kinh doanh không cao như trước đây. Năm nay, công ty phấn đấu đạt doanh thu khoảng 2.500 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái 100 tỷ đồng. Để đạt kế hoạch này đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn vì tình hình suy thoái thị trường thủy sản nói chung, cá tra nói riêng chưa có dấu hiệu phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng chia sẻ: Tình hình thị trường suy thoái có khả năng kéo dài qua năm 2024. Với nhận định đó, công ty vẫn duy trì mục tiêu tiếp tục mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm giá trị gia tăng. Thêm vào đó, tiếp tục điều tiết, điều chỉnh kiểm soát toàn bộ chi phí đầu vào, để làm sao trước mắt duy trì lao động, duy trì các chỉ tiêu chính như: doanh thu, kim ngạch, sản lượng sản xuất, sản lượng nuôi trồng.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 859 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam là 5,79 tỷ USD, giảm 24% (tương ứng giảm 1,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ là 1,02 tỷ USD, giảm tới 37,2%; Nhật Bản là 974 triệu USD, giảm 13,4%; Trung Quốc là 874 triệu USD, giảm 17,7%; EU (27 nước) là 638 triệu USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước có thể đạt trên 9 tỷ USD.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.