| Hotline: 0983.970.780

Vượt biên làm thuê: Cái giá quá đắt

Thứ Hai 30/08/2010 , 10:17 (GMT+7)

Với mồi nhử lương cao, công việc nhàn hạ, đi lại đơn giản...những tên “cò” lao động đã lôi kéo, dụ dỗ hàng nghìn người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Giang vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Hậu quả của sự nhẹ dạ là hàng ngàn người tiền mất tật mang, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Chị Năm vui mừng khi được trở về bên các con
Với mồi nhử lương cao, công việc nhàn hạ, đi lại đơn giản...những tên “cò” lao động đã lôi kéo, dụ dỗ hàng nghìn người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Giang vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Hậu quả của sự nhẹ dạ là hàng ngàn người tiền mất tật mang, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Để có được một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn 1.000 – 1.200 tệ/tháng (1 tệ = 2.700 đồng), người dân lao động nghèo ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam...phải chi một số tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng cho đội quân môi giới.

Nhắm mắt đưa chân

Tại các huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang xuất hiện vấn nạn người nông dân ồ ạt vượt biên trái phép sang các tỉnh bên kia biên giới lao động “chui”. Khi được hỏi, hầu hết các nạn nhân xuất cảnh trái phép bị Công an Trung Quốc trục xuất trở về Việt Nam đều có chung câu trả lời: Vì nghèo quá, không có công ăn việc làm nên liều nhắm mắt đưa chân. Bắc Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, các huyện nằm cách xa trung tâm như Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Hoa, Cao Lan...thì số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ rất cao. Ruộng nương thì ít, công ăn việc làm lại không có nên lúc nông nhàn bà con lại rỉ tai nhau đi “xuất khẩu lao động” sang Trung Quốc làm thuê bất chấp nguy hiểm, rủi do rình rập.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nằm lọt thỏm giữa vườn vải đã qua mùa thu hoạch, chị Lê Thị Năm dân tộc Dao ở xóm Nghẽo, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại phi vụ vượt biên bất thành của chị. Cuộc sống gia đình túng bấn, làm không đủ ăn trong khi hai đứa con của chị đã bắt đầu đến tuổi đi học. Đúng lúc đó, thấy người dân trong xã kháo nhau sang bên Trung Quốc làm thuê lương cao chót vót nên chị Năm cùng hơn 10 người khác trong xã rủ nhau vượt biên.

“Khi xe ô tô lên tới Móng Cái (Quảng Ninh) chúng tôi được đưa xuống thuyền rồi chở sang bên kia biên giới. Phía bờ bên kia có rất nhiều xe ôtô đợi sẵn, mọi người tiếp tục lên một chiếc xe và di chuyển. Sau hai ngày ngồi ôtô ê cả mông, chúng tôi đến một thị trấn bên Trung Quốc thì bị bắt lại. Họ nhốt tôi cùng 5 người Việt Nam khác vào một căn phỏng nhỏ, các phòng bên cạnh cũng toàn người mình cả. Sau gần hơn 2 tháng bị giam giữ, tôi bị sút mất bốn cân, mãi đến tận tháng 7 vừa rồi tôi mới được thả, giờ sợ lắm rồi không dám đi nữa đâu”- chị Năm thật thà tâm sự.

Cùng đi chuyến đó với chị Năm có chị Trương Thị Thuỷ, cùng ở thôn Nghẽo là đen đủi hơn cả. Chồng mất sớm, một thân một mình nuôi con chị Thuỷ tằn tiện dựng được một ngôi nhà nhưng nợ ngân hàng hơn 10 triệu đồng. Gửi con ở nhà cho ông bà ngoại, chị Thuỷ định bụng sang biên giới làm thuê một thời gian kiếm khoản tiền kha khá về trả nợ ngân hàng nào ngờ mới đi đến nửa đường đã bị bắt. Chiếc điện thoại cùng gần một triệu đồng tiền phòng thân cũng mất luôn. Giờ đây ngoài khoản nợ ngân hàng 10 triệu chị Thuỷ còn phải gánh gạch thuê để trả món nợ gần 1 triệu đồng vay nóng cho chuyến đi “xuất khẩu lao động” đứt gánh giữa đường.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gần như 100% những người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê đều là các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Qua lời kể của những người đã trót vượt biên nay trở về quê hương cho thấy một thực tế phũ phàng là công việc mà các lao động Việt Nam làm bên Trung Quốc không có gì là nhàn hạ như lời các "cò” lạo động quảng cáo, khuếch trương mà chủ yếu phải lao động trong môi trường khắc nghiệt, nặng nhọc mà người dân bên đó không ai làm như: Chặt, vác mía, hái cam, hái chè, đóng gạch hay làm việc trong các cơ sở đồ nhựa tư nhân độc hại.

Bị bắt là trắng tay

Việc lao động “chui” luôn tiềm ẩn những rủi do không thể lường trước. Giả sử có xuôi chèo mát mái thì không sao, nhưng lỡ không may bị công an hay biên phòng Trung Quốc bắt giữ thì coi như công sức lao động bỏ ra bao nhiêu tháng trời sẽ trở thành công cốc. Thực tế cho thấy, trong số hàng nghìn người Việt Nam đã từng lao động trái phép bên Trung Quốc thì số người may mắn có được một món tiền trở về quê hương chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đấy còn chưa kể đến vấn nạn trộm cướp, trấn lột, tai nạn lao động luôn thường trực. Đối với chị em phụ nữ dễ trở thành mục tiêu cho bọn buôn người nhòm ngó.

Một xã có 287 người xuất cảnh trái phép

Trong 3 huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động thì Lục Ngạn là địa phương có người vượt biên trái phép nhiều nhất. Theo con số thống kê mới nhất của ông Sái Văn Cắm – Công an xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn thì tính đến thời điểm hiện tại, xã có 287 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó, 20 trường hợp bị Công an Trung Quốc bắt và trao trả. Hiện còn 52 người vẫn đang lao động chui chưa chịu về.

Có vô số lao động Việt Nam sau mấy tháng trời ròng rã lao động quần quật trốn tránh được tai mắt của các cơ quan chức năng Trung Quốc hớn hở cầm bọc tiền về đến biên giới thì gặp phải bọn thổ phỉ, bị chúng lột sạch chỉ còn mỗi bộ quần áo lao động sờn vai. Nhưng dù sao mang được cái thân lành lặn trở về đã là một điều may mắn, rất nhiều gia đình có người thân đang làm việc chui bên Trung Quốc bị mất liên lạc giờ như đang ngồi trên đống lửa.

Bà Nguyễn Thị Thong, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn mấy tháng nay ốm quặt, ốm quẹo khi mất tin tức về cô con gái của bà mới vượt biên sang Trung Quốc làm công nhân. Gặp chúng tôi bà Thong mếu máo kể lại rằng: Con gái bà tên Nguyễn Thị May nghe mời chào của một số đối tượng lạ sang bên Trung Quốc làm công nhân. Tháng đầu, May còn gửi tiền và thư về gia đình kèm theo số điện thoại liên lạc. Giờ thì gia đình bà Mong đã hoàn toàn mất liên lạc với con, bà cũng không biết con bà đang đi làm hay đã bị Công an Trung Quốc bắt. Nhưng điều bà Thong lo lắng nhất là May bị bắt làm gái mại dâm.

Cũng có con vượt biên làm thuê bên Trung Quốc nhưng bà Tô Thị Seo, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn đã phải hứng chịu hậu quả đau đớn nhất của việc lao động “chui”. Con trai bà Seo là Trần Văn Ngôn sau khi lập gia đình đã để vợ con ở nhà với ông bà nội theo thanh niên trong huyện sang Trung Quốc chặt mía thuê. Chưa kịp nhận những đồng tiền vất vả do con gửi về bà Seo hay tin xét đánh con trai bà bị chết bên Trung Quốc. Hai ngày sau thi thể của Ngôn được đưa về quê nhà nhưng bà Seo cũng chỉ nghe người ta kể lại là Ngôn bị chết khi đang chặt mía chứ chẳng biết nguyên nhân thật sự là gì.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm