Vấn đề hết sức nhạy cảm và gây tranh cãi kéo dài kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tiếp tục căng thẳng sau khi nhiều quốc gia phương Tây lên tiếng ủng hộ Đài Loan sự phản đối của Trung Quốc đại lục.
Ngay từ hồi đầu năm, Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ và các nước đồng minh đã "thổi phồng" chuyện Đài Loan không được tham gia các cuộc họp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình trạng khẩn cấp của coronavirus.
Lý do được Trung Quốc đưa ra là Đài Loan không phải là thành viên của WHO và nước này đã đại diện đầy đủ cho Đài Loan tại tổ chức này bởi Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của mình, không phải một quốc gia độc lập.
Đài Loan đã bị loại khỏi WHO từ năm 1972, tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về nguồn gốc coronavirus, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi sự tham gia của hòn đảo này tại WHA, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Dự kiến cuộc họp trực tuyến kéo dài hai ngày của WHA sắp diễn ra sẽ có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính phủ và các bộ trưởng xoay quanh chủ đề đại dịch Covid-19.
Trước đó, đại diện của 15 quốc gia, bao gồm Belize, Guatemala, quần đảo Marshall và Honduras đã viết thư ngỏ cho tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, yêu cầu mời Đài Loan tham gia vào chương trình nghị sự.
Tuy nhiên khi nhiều lần được hỏi về vấn đề này tại một cuộc họp báo, đại diện WHO cho biết họ chỉ có vai trò là thư ký của hội đồng và chỉ các quốc gia thành viên mới có thể quyết định mời Đài Loan hay không.
Trước đó, hôm 15 tháng 5, trong một sự kiện chuẩn bị cho cuộc họp của WHA, ông Tedros nói rằng đề xuất này đang được "đệ trình lên Ủy ban Tổng hợp để xem xét".
Được biết Ủy ban Tổng hợp này, bao gồm 15 quốc gia từ một số khu vực, thường được thành lập vào đầu mỗi kỳ họp của WHA và chịu trách nhiệm quyết định liệu các vấn đề phát sinh liệu có thể được thêm vào chương trình nghị sự hay không.
"Các quyết định của WHA thường được đưa ra bởi sự đồng thuận. Nếu cần thiết vẫn có thể tiến hành một cuộc bỏ phiếu trực tuyến cho dù có thể gặp phải những khó khăn", phát ngôn viên của WHO Fadela Chaib nói.