Theo ông Fernando Puchol, chuyên viên truyền thông của WTO, Ủy ban Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật đã tiếp nhận bức thư khiếu nại của Đài Loan, liên quan đến việc Trung Quốc đại lục ngừng nhập khẩu trái cây sẽ được cơ quan xem xét trong cuộc họp vào tháng 11 tới.
Trước đó, vào ngày 30 tháng 9, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan đã nộp lá đơn khiếu nại trên lên WTO sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ ngừng nhập khẩu táo, mãng cầu và roi của Đài Loan từ ngày 20 tháng 9, với lý do “lo ngại lây nhiễm dịch hại vào đại lục”.
Động thái của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Đài Bắc cũng nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau Trung Quốc đúng một tuần lễ, cùng vô số những căng thẳng liên tục leo thang giữa eo biển và đại lục kể từ khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền.
Người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đã lên tiếng chỉ trích đại lục “vũ khí hóa thương mại” và mô tả nỗ lực ngáng chân eo biển tham gia bản Hiệp định CPTPP như là một “trò đùa”, đi ngược lại các tiêu chí quốc tế.
Hãng tin CNA cho biết, đây là lần đầu tiên Đài Bắc đệ đơn khiếu nại liên quan đến rắc rối thương mại xung quanh lệnh cấm nhập khẩu trái cây từ hòn đảo của Bắc Kinh. Theo quy định của WTO, khiếu nại sẽ được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp của ủy ban phụ trách, sau khi các quốc gia/vùng lãnh thổ là thành viên của WTO không thể giải quyết được vấn đề trong quá trình đàm phán.
Theo cơ chế này thì bên bị sẽ phải trả lời các mối quan tâm của bên nguyên tại cuộc họp và tiến hành thảo luận song phương. Tuy nhiên, nếu bên nguyên vẫn không nhận được phản hồi thì vụ việc có thể leo thang thành tranh chấp thương mại.
Trước đó, vào tháng 3 năm 2021, Trung Quốc đã ra quyết định đình chỉ nhập khẩu dứa của Đài Loan do bị cáo buộc phát hiện "nhiều trường hợp sâu bệnh".
Sau đó đến tháng 9, Trung Quốc lại tiếp tục tuyên bố ngừng nhập khẩu táo đường và táo sáp của Đài Loan, cũng với lý do tương tự.
Mặc dù Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan đã yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc cung cấp bằng chứng để biện minh cho lệnh cấm, nhưng Bắc Kinh đã không phản hồi.
Người đứng đầu Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, ông Trần Cát Trọng (Chen Chi-chung) cho biết, phía đại lục chỉ liệt kê số lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, ngày tháng và tên mặt hàng, và không cung cấp bất kỳ hình ảnh hoặc bằng chứng khoa học nào. Thậm chí những lô hàng sau đó dù đã được Đài Loan kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt nhằm cải thiện tình hình, nhưng cũng không thể thay đổi quyết định của Trung Quốc.
Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2019, 80% trái cây tươi của Đài Loan được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên bước sang năm nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn 49,6%, buộc chính quyền eo biển phải vận động tìm kiếm nhiều thị trường thay thế mới để giải quyết đầu ra cho nông dân. Sau khi sản phẩm dứa của Đài Loan bị Trung Quốc chèn ép, khối lượng mặt hàng này xuất sang Nhật Bản đã tăng lên gấp 8 lần.
Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan đã triển khai một nền tảng để mua số lượng lớn hai loại trái cây bị ảnh hưởng. Nó cũng có kế hoạch chuyển hướng hàng hóa sang Canada, Singapore, Malaysia và các thị trường khác.
Trung Quốc từng chiếm 90% thị trường xuất khẩu trái cây của Đài Loan. Năm ngoái, Đài Loan đã xuất khẩu khoảng 4.000 tấn táo sáp và 13.000 tấn mãng cầu sang thị trường Trung Quốc, đạt kim ngạch khoảng trên 1 tỉ USD.