Từ đó, nhiều vùng nông thôn ở Bình Thuận đã khởi sắc, vươn mình phát triển đầy ấn tượng.
PV Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bình Thuận.
Thưa ông, thời gian qua Chương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Thuận đã đạt kết quả ra sao?
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình “chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc và là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh; cải thiện rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn; bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi có sự thay đổi đáng kể; khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị thu hẹp dần, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Chương trình được chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh hưởng ứng từ khi mới bắt đầu triển khai vào năm 2010.
Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 65/93 xã (đạt 69,89%) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao (60%), vượt 17 xã của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (48 xã), vượt 15 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020 (50 xã) và vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung Bộ (45,82% số xã đạt chuẩn).
Tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và xã Hàm Cường đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 1 đơn vị cấp huyện so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao và yêu cầu của Trung ương đến năm 2020. Về thực hiện bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, đến nay, bình quân toàn tỉnh đạt 4,5/9 tiêu chí/huyện. Ước đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 44,9 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 3 lần so với năm 2010 (năm 2010: 14,9 triệu đồng/người/năm)…
Với phương châm xây dựng nông thôn mới là thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, vậy ông chia sẻ phương hướng trong thời gian tới?
Mục tiêu trong năm 2021, Bình Thuận phấn đấu có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nữa, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 67/93 xã, trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn dự kiến năm 2021 đạt 48,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 65%...
Để đạt mục tiêu trên, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Và, phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới, hưởng lợi từ xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp, duy trì chế độ giao ban định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả thực hiện tháng trước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phân công cụ thể để phát huy vai trò trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, phải có bước đi, lộ trình thích hợp với điều kiện, nguồn lực của từng địa phương, tránh bệnh thành tích, nóng vội, chủ quan. Có giải pháp cụ thể duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt và bảo đảm tính bền vững của từng tiêu chí. Do vậy, phải tập trung chỉ đạo thực hiện đối với các chỉ tiêu chưa đạt để phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, kịp thời cụ thể hóa các văn bản Trung ương, nhất là các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Rà soát, nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù đối với các Đề án giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch nông thôn… Thường xuyên phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới ….
Với sự chung tay của cả cộng đồng, phong trào xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bình Thuận hy vọng sẽ có nhiều bước chuyển mới ở những năm tiếp theo, với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong trình triển khai thực hiện tỉnh còn có một số khó khăn, tồn tại như nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở và nhân dân còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho chương trình phục vụ các tiêu chí xây liên quan đến xây dựng hạ tầng còn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Công tác nắm tình hình ở cơ sở chưa kịp thời, việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự nông thôn còn bị động. Một số địa phương chưa tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để khai thác, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nên tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế còn thấp và thiếu ổn định…
Xin cảm ơn ông!