3 đối tượng chính của đề án
Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã đạt khoảng 42%, cao hơn mức bình quân trên thế giới (29%).
Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam mới ở mức từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người.
Trong khi đó, chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Qua đó cho thấy, cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.
Trước sức ép của quá trình công nghiệp hóa, mật độ dân số tăng cao, việc chúng ta triển khai đề án 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là hoàn toàn đúng và trúng ở thời điểm hiện tại.
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong dự thảo đề án trồng 1 tỷ cây xanh Bộ NN-PTNT vừa chính Chính phủ, có 3 đối tượng chính được ngành lâm nghiệp xác định sẽ là mục tiêu của chương trình.
Trong đó, đối tượng thứ nhất là trồng rừng tập trung, mục tiêu mỗi năm ngành lâm nghiệp phấn đấu trồng khoảng 6.000ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và khoảng 30.000ha rừng sản xuất.
Đối tượng thứ hai cũng là đối tượng chính đề án nhắm tới, đó là trồng cây phân tán, bao gồm cây đô thị, cây cảnh quan, cây bóng mát, cây trồng trên diện tích không phải trên đất lâm nghiệp.
Đối tượng thứ ba là trồng cây phân tán thuộc hành lang giao thông nông thôn, quốc lộ, cao tốc, ven đường, bờ ao, bờ ruộng… với tổng số lượng từ 690.000 - 700.000 cây, chiếm khoảng 70%.
Về lộ trình, theo ông Trần Quang Bảo, dù thời gian xây dựng rất gấp, nhưng dự thảo đề án có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn rất cao.
Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đăng ký kế hoạch trồng cây trong 5 năm tiếp theo và phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương.
Trong đó, thực hiện Chỉ thị 45- TTg, ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, ngay trong năm 2021, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã hưởng ứng phát động Tết trồng cây, tổ chức trồng rừng nhân dịp đầu xuân mới với số lượng diện tích tăng 1,5 lần so với 2020. Từ năm 2022 - 2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì số lượng, diện tích trồng cây tăng gấp 2 lần so với 2020.
“Chúng tôi kỳ vọng, nếu thực hiện thành công trồng 1 tỷ cây xanh, trong đó có 700.000 cây phân tán trong 5 năm tới, sẽ nâng được tỷ lây xanh ở các đô thị lớn lên mức tối thiểu 4m2/người. Nhờ vậy, sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người. Nâng cao chất lượng rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai…”, ông Trần Quang Bảo chia sẻ.
Huy động mọi nguồn lực xã hội
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu sẽ huy động nguồn kinh phí thông qua hình thức xã hội hóa.
Dự thảo đề án 1 tỷ cây xanh đã giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn về kỹ thuật đối với trồng cây xanh khu vực đô thị, Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn về kỹ thuật đối với trồng rừng tập trung và trồng cây xanh khu vực nông thôn.
Từ khi đề án được khởi động, đến nay đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hưởng ứng và đăng ký tham tài trợ vật chất, vật tư, cây giống, phân bón.
Phong trào trồng 1 tỷ cây xanh đã lan tỏa khắp các tỉnh, thành, lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp, thậm chí là khu phố, dân cư, thôn xóm.
Đặc biệt, đề án lần này xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi tiến hành tham gia trồng 1 tỷ cây xanh phải đồng hành chăm sóc trong suốt quá trình cho tới khi cây xanh đó trưởng thành, đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là “trồng cây nào sống cây đó”.
Ông Trần Quang Bảo cho biết, do đặc thù dân cư, mức độ ảnh hưởng và chức năng của các công trình công cộng khác nhau nên quy định về tỷ lệ cây xanh cũng khác nhau, yêu cầu về kỹ thuật là khác nhau.
Trong đó, khu vực đô thị lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng của từng địa phương, từng khu vực cụ thể.
Khu vực nông thôn lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác, ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, trồng cây đa mục đích.
Để thực hiện hiệu quả đề án 1 tỷ cây xanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng, cần thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, về cơ chế chính sách, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, xây dựng tiêu chí trồng cây xanh cụ thể trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý và phát triển cây xanh đô thị.
Các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực thực hiện. Theo dự thảo Đề án, chỉ tiêu trồng cây xanh sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao cho từng địa phương.
Các địa phương cũng cần chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng, lựa chọn loài cây phù hợp, bảo đảm trồng, chăm sóc rừng, cây xanh theo đúng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.
Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống, sẽ tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.
Hàng năm, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phá hại rừng, cây xanh.
“Để đề án 1 tỷ cây xanh hành công, điều đặc biệt quan trọng, đó là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức cộng đồng và người dân về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát động thi đua và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào trồng cây, trồng rừng trong các cấp, các ngành và mọi người dân.
Vì vậy, qua chương trình này, chúng tôi mong rằng các cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.”
(Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo).