Chỉ cách trung tâm thành phố Bắc Kạn hơn 6km nhưng Nông thượng là một xã thuần nông. Theo thống kê, có khoảng 90% dân số có đời sống kinh tế là sản xuất nông, lâm nghiệp và chỉ một số ít có thu nhập từ lĩnh vực khác. Xã Nông Thượng với địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích tự nhiên là 2.160ha có tới hơn 1.443ha là đất rừng sản xuất (tương đường khoảng 67%). Những con số chỉ ra rằng, kinh tế rừng chính là lĩnh vực rất quan trọng với người dân.
Ông Triệu Đình Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Nông Thượng thông tin: Nông Thượng là một xã thuộc thành phố, nhưng là xã miền núi có khoảng 4.000 nhân khẩu, cơ bản là người dân tộc thiểu số. Đa số người dân trên địa bàn xã có đời sống kinh tế là sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm tới 90%, buôn bán hoặc ngành nghề khác rất ít. Trong đó kinh tế rừng là chủ lực, là lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo đưa đời sống của bà con đi lên, giúp xã về đích nông thôn mới.
Để nâng cao mức thu nhập cho người dân, từ những năm 2000, xã Nông Thượng đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng mở rộng diện tích cây lâm nghiệp. Trong đó, có trên 500ha quế đã cho thu hoạch, là loại cây có giá trị cao phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Những loại cây trồng khác như keo, mỡ cũng được trồng tới chu kỳ thứ 4, thứ 5. Ngoài ra, nhiều diện tích đồi rừng cũng được bà con trồng các loại cây ăn quả như: Cam, quýt, ổi và chuối Tây.
Nhắc tới các thôn Tân Thành, Khuổi Chang, đây không chỉ là điển hình về phát triển kinh tế rừng ở xã Nông Thượng, mà còn là cả tỉnh Bắc Kạn. Đây là 2 thôn với phần lớn là người dân tộc Dao sinh sống và hầu như hộ dân nào cũng trồng quế và đang ở độ tuổi cho khai thác.
Trung bình mỗi hộ dân có thu nhập từ 200 - 300triệu/năm nhờ thu hoạch các sản phẩm từ rừng trồng đã trở thành chuyện bình thường. Nhờ vậy mà, người dân nơi đây đều có nhà cửa được xây dựng khang trang, mua sắm nhiều vật dụng giá trị phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Anh Sông ở thôn Khuổi Chang tâm sự rằng, gia đình hiện có khoảng 3ha quế được trồng từ năm 1998 và đã cho khai thác tỉa nhiều năm. Nhờ có tiền nên đã đầu tư mở xưởng gỗ, chuyên thu mua gỗ cho bà con ở địa phương. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt trong những năm trở lại đây, người dân khấm khá lên nhiều nhờ thu nhập từ phát triển kinh tế rừng, mà chủ lực ở thôn là từ cây quế.
Thôn Tân Thành trước những năm 2000 cơ bản người dân là hộ nghèo, nhà cửa lụp xụp do kinh tế gần như là tự cung tự cấp. Thời điểm đó, để có được tấm áo mới cho người lớn, trẻ nhỏ những dịp Tết Nguyên đán, cũng chỉ trông chờ vào việc bán vài con gà, con lợn thả rông. Nhưng nơi đây bắt đầu có sự thay đổi sau khi có các chương trình trồng rừng như 327, 661 triển khai từ những năm 1996.
Đến sau những năm 2000, những lứa rừng đầu tiên được khai thác, cũng là lúc người dân có thu nhập lên tới vài chục triệu đồng, một con số mơ ước với những người dân nghèo thời điểm bấy giờ. Cũng từ đó, phong trào trồng rừng lan tỏa, nhà nào cũng tham gia. Ngoài ra, người dân còn trồng chuối tây bán về xuôi, đem lại nguồn thu nhập hàng ngày.
Theo ông Hoàng Hữu Sinh, Trưởng thôn Tân Thành, mặc dù diện tích đất trồng lúa không có nhiều, nhưng bù lại thì đất đồi rừng ở đây lại rất phù hợp với trồng rừng. Cả thôn có gần 90 hộ dân, nhưng có trên 300ha rừng trồng các loại (hơn 200ha quế và khoảng 50ha cây mỡ). Từ chỗ 100% hộ nghèo của những năm 2000, đến nay thôn Tân Thành cơ bản không còn hộ nghèo và phần lớn là hộ khá giả.