Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, khi triển khai thực hiện, An Giang đã chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang nhận định: 2 năm trở lại đây khi người dân xa quê hay khách từ nơi khác khi đặt chân đến vùng đất An Giang đều đưa ra cùng cảm nhận rằng An Giang giờ đây khác hẳn so với những năm trước đây rất nhiều.
Đời sống của người dân nông thôn được nâng lên, thu nhập tăng cao hơn trước là nhờ vào ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và làm ăn có sự liên kết với doanh nghiệp nên đầu ra nông sản ổn định góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Có thể khẳng định có được làng quê nông thôn tươi đẹp và trong lành như ngày hôm nay là nhờ vào chương trình xây dựng NTM.
Đến nay toàn tỉnh An Giang có trên 60/116 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM (đạt 51,72%), trong đó 17 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 6 ấp thuộc các xã biên giới, khó khăn được công nhận “ấp đạt chuẩn NTM”, bình quân tiêu chí/xã là 16 tiêu chí. Toàn tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đạt chuẩn NTM gồm: TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện đạt chuẩn NTM Thoại Sơn.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Có thể nói, thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở An Giang là tổng hợp từ các yếu tố quyết tâm, vượt khó và sáng tạo. Trong quá trình thực hiện, tỉnh triển khai cơ chế đầu tư tập trung cho các xã điểm NTM để tạo phong trào lan tỏa nhưng cũng không quên các xã nghèo.
Ông Thư cho biết thêm, để thúc đẩy xây dựng NTM, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo cân đối nguồn ngân sách tỉnh và động viên, khen thưởng những điển hình, mô hình hay trong xây dựng NTM cũng được thực hiện thường xuyên, tạo niềm khích lệ rất lớn trong cộng đồng. Dù cán đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đưa ra, nhưng không vì thế mà An Giang dừng lại. Địa phương tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Tại các địa phương giáp biên giới nước bạn Campuchia, như thị xã Tân Châu, tuy điều kiện còn khó khăn và ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng việc xây dựng NTM của chính quyền và người dân nơi đây không bị trì trệ ngày nào.
Ông Đặng Văn Nê, Phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho hay: Tính đến nay, thị xã có 4/9 xã đạt chuẩn xã NTM gồm xã Long An, Tân An, Phú Vĩnh và xã Châu Phong, đạt tỷ lệ 44,44%. Trong đó, xã Long An đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Bình quân các xã đạt 15,56 tiêu chí, 44,56 chỉ tiêu xây dựng NTM.
Tân Châu xem việc xây dựng NTM là giúp nâng cao đời sống nhân dân, có điểm đầu không có điểm kết thúc, nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Đồng thời, địa phương thực hiện duy trì, nâng chất các tiêu chí và linh hoạt nhiều cách làm xây dựng NTM trong tình hình dịch bệnh Covid–19.
"Trong quá trình xây dựng NTM, UBND thị xã Tân Châu luôn chỉ đạo các địa phương phải xây dựng cụ thể kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền từ ấp đến xã. Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, lãnh đạo UBND thị xã Tân Châu sẽ đồng hành cùng các địa phương. Riêng đối với xã Vĩnh Hòa, tháng 12/2021 hoàn trình tự thủ tục trình Tỉnh thầm định kết quả xây dựng NTM của xã" ông Đặng Văn Nê, Phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu nói.