Từ khi có phong trào giúp nhau cải tạo vườn tạp, trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, các gia đình trong xã đã thực sự gắn kết với nhau, thắm tình làng nghĩa xóm.
Trong một chuyến đi thăm người bạn ở thôn Trà Khê, tôi may mắn gặp nghệ nhân sinh vật cảnh Trần Xuân Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Vũ Thư, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Tân Lập, được nghe ông kể về cách làm giàu bằng sinh vật cảnh của người dân Tân Lập và cách làm vườn sinh vật cảnh của chính bản thân ông.
Ông Trần Xuân Yên có cây sinh vật cảnh đã được trả giá 2 tỷ đồng. |
Dắt tay nhau đi thăm khu vườn sinh vật cảnh rộng trên 1.500m2 nhà ông, ông Yên tâm sự: “Bốn sào vườn này, tôi trồng toàn cây thế. Hàng trăm gốc cây sanh, si, ruối, đa, lộc vừng… trồng trên đất đã và đang được tạo thế, hơn một trăm bể cây, chậu bon sai cũng đang thu hút khách hàng. Cây cảnh nhà tôi không có hàng chợ, chủ yếu khách hàng đến thăm, định giá và bán ngay tại vườn. Bình quân mỗi năm tôi thu từ cây cảnh khoảng 50 triệu đồng”.
Ông Yên chỉ một bể cây rất đẹp nói: “Cây này đã có người trả 2 tỷ, nhưng tôi chưa muốn bán. Cây ở đây đủ các mức giá: Cây nhỏ thì vài ba triệu, cây nhỡ thì vài chục triệu hoặc vài trăm triệu. Khách đưa xe ô tô về mua và chở đi. Thuận mua, vừa bán. Tất cả gia cơ tài sản và các thiết bị đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt trong nhà đều do sinh vật cảnh mà ra. Cũng từ sinh vật cảnh mà các con tôi học hành tiến bộ, thành danh, công tác tại mọi miền đất nước".
Người dân Tân Lập sống chủ yếu bằng nghề làm vườn, giàu lên rất nhanh bằng nghề làm sinh vật cảnh. Hội sinh vật cảnh xã Tân Lập do ông Yên làm chủ tịch hội có trên 200 hội viên, nhiều hội viên có tới 2-3 vườn sinh vật cảnh. Nhiều gia đình có vườn đẹp như gia đình ông Đào Xuân Thôn, Hoàng Văn Sắc, Hoàng Văn Trị, Hoàng Văn Sâm, Hoàng Văn Đãi, Trần Văn Khởi, Phạm Văn Phới, Hoàng Văn Mạnh…
Anh Hoàng Văn Trị, hội viên Hội sinh vật cảnh xã Tân Lập vừa giỏi chăn nuôi, vừa giỏi làm sinh vật cảnh. |