| Hotline: 0983.970.780

Xã trồng rau muống lớn nhất tỉnh Hưng Yên

Thứ Bảy 18/09/2021 , 01:01 (GMT+7)

Xã Đình Dù (huyện Văn Lâm) là địa phương chuyên canh rau muống lớn nhất tỉnh Hưng Yên. Với diện tích gieo trồng thường xuyên gần 20ha, mỗi ngày tiêu thụ hơn 13 tấn.

Ước tính, doanh thu nhờ bán rau muống của xã này bình quân mỗi ngày khoảng 54,6 triệu đồng, lãi thu nhập trên 45 triệu đồng, tương đương lợi nhuận thuần đạt 13,5 tỷ đồng mỗi năm.

Hầu hết diện tích rau muống ở đây đều được chuyển đổi từ những chân ruộng trồng lúa nhưng hiệu quả thấp. Rau muống trồng tập trung chủ yếu tại 2 thôn Thị Trung và Xuân Lôi. Sản phẩm cơ bản cung ứng sang thị trường Hà Nội và bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp trên địa bàn.

Nông dân xã Đình Dù đang thu hái rau muống. Ảnh: H.Tiến.

Nông dân xã Đình Dù đang thu hái rau muống. Ảnh: H.Tiến.

Bà Lê Thị Vui ở thôn Xuân Lôi phấn khởi cho biết: Nhà chỉ cấy 2 sào rau muống, ngày nào cũng hái được 40 - 45 mớ rau bán, trừ chi phí phân bón, mỗi ngày thong dong cũng có thu nhập 100 - 200 nghìn đồng, tùy thời điểm. Tính ra, hiệu quả trồng rau muống luôn cao gấp 5 - 6 lúa, lại không bị áp lực thời vụ.

Bà Lê Thị Hậu ở thôn Thị Trung cũng cho hay: Nhà tcon cái đã trưởng thành, ra ở riêng hết. Mình bà chỉ cấy hơn sào rau muống, nhàn tênh vẫn có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, đủ sống cho 2 vợ chồng già.

“Vào những năm 1960, kinh tế đất nước còn khó khăn, nhiều gia đình đã ăn rau muống thay một phần cơm gạo”, bà Hậu nhớ lại.

Có thể nói, cây rau muống đang là “nồi cơm” của không ít nhà nông xã Đình Dù. Bởi với những người không đủ điều kiện vào làm tại các khu công nghiệp, thì gieo cấy rau muống để có nguồn thu ổn định, được coi là việc làm phù hợp với họ.

Rau muống có thể nói là dễ trồng nhất trong các loại rau. Ruộng chỉ cần cày lồng như làm đất gieo cấy lúa. Giống được ngắt từ thân các cây rau màu bánh tẻ vụ trước. Sau đem cấy trên ruộng như cấy lúa. Bón lót phân lân, bón thúc NPK. Định kỳ 10 - 20 ngày cho thu hái 1 lần, tùy theo mùa vụ. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài 4 - 6 tháng mới phải gieo cấy lại.

Những mớ rau như thế này sẽ có giá 2.500 - 6.000 đồng cho thương lái, tùy thời điểm. Ảnh: H.Tiến.

Những mớ rau như thế này sẽ có giá 2.500 - 6.000 đồng cho thương lái, tùy thời điểm. Ảnh: H.Tiến.

Rau muống được ví như "cơm tẻ" của nhà nông, dễ ăn, dễ chế biến thành các món xào, nấu canh, nộm, luộc hoặc chẻ ra ăn sống như rau gia vị... Đặc biệt, rau muống có thể ăn liên tục bữa này qua bữa khác mà không ngán. Các loại bầu, bí, mướp, bắp cải, su hào, mồng tơi, rau dền, rau đay, cà tím… chỉ ăn 2 - 3 bữa liền là phải đổi món. Vì vậy, nhu cầu rau muống đối với người tiêu dùng luôn cao hơn rất nhiều các loại rau khác.

Tuy nhiên, hiện nay trên cây rau muống cũng bị nhiễm khá nhiều sâu bệnh hại, như bọ rùa, rầy, nhện, sâu ăn lá, héo xanh, khô vằn, vàng lụi. Nguyên nhân do trồng rau liên tục nhiều năm trên cùng chân ruộng; nguồn nước tưới từ các sông ngòi, kênh trục đều bị ô nhiễm; đặc biệt nhà nông rất ít sử dụng phân hữu cơ chăm bón cho cây rau, nhất là phân vi sinh, hữu cơ vi sinh…

Nhằm khắc phục hạn chế này, các hộ trồng rau ở Đình Dù đã khoan giếng tại chỗ để lấy nước sạch tưới cho rau. Nhưng sâu bệnh hại giảm không đáng kể.

Để giảm thiểu căn bản sâu bệnh hại trên cây rau muống, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn người trồng rau thực hiện đồng bộ các kỹ thuật canh tác rau, theo hướng hữu cơ bền vững.

Ruộng rau muống trắng mới trồng trên đất lúa chuyển đổi. Ảnh: H.Tiến.

Ruộng rau muống trắng mới trồng trên đất lúa chuyển đổi. Ảnh: H.Tiến.

Trong đó, cần chọn lọc các dòng rau muống mới, có khả năng kháng bệnh cao. Luân canh rau muống với cây trồng cạn. Làm đất kỹ nhuyễn kết hợp bón vôi thanh trùng đất sau mỗi vụ gieo trồng. Thay bón đạm hóa học bằng hạt đậu tương nghiền. Phòng trừ sâu bệnh hại bằng thuốc BVTV có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh. Không sử dụng chất kích thích sinh trưởng rau. Tăng cường bón phân vi sinh hoặc hữu cơ vi sinh. Bón lân, kali giúp tăng bộ rễ, tăng khả năng hút dưỡng chất, tăng chất lượng rau...

Thâm canh theo hướng hữu cơ, năng suất rau sẽ không cao, đội giá thành sản phẩm. Nhưng đây là yêu cầu bức thiết và tất yếu, vì sức khỏe cộng đồng và tương lai giống nòi người Việt. Mặt khác, xã Đình Dù ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, liền kề với nhiều khu công nghiệp lớn, trong đó đa số người tiêu dùng đều có thu nhập khá cao, sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho nhu cầu ăn ngon, ăn sạch.

Vấn đề còn lại, những người trồng rau sở tại, cần liên kết sản xuất chuẩn chỉ, thống nhất giá bán, tránh mạnh ai người ấy làm, tránh tranh mua tranh bán không lành mạnh...

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.