Xác của một con cá voi răng thuổng dài 5 mét đã được tìm thấy gần một cửa sông ở phía nam vùng Otago hôm 4/7.
Các chuyên gia động vật biển có vú từ Cục Bảo tồn New Zealand và Bảo tàng quốc gia Te Papa xác nhận là một con cá voi răng thuổng đực. Các nhà khoa học cho biết đã xét nghiệm DNA để xác nhận loại cá voi này.
"Cá voi răng thuổng là một trong những loài động vật có vú lớn ít được biết đến nhất trong thời hiện đại. Kể từ những năm 1800, chỉ có sáu mẫu vật được ghi nhận trên toàn thế giới. Trừ một mẫu vật, tất cả đều đến từ New Zealand. Từ góc độ khoa học và bảo tồn, điều này có ý nghĩa rất lớn", Gabe Davies, người phụ trách hoạt động ven biển Otago của Cục Bảo tồn New Zealand, cho biết hôm 15/7.
Xác của con cá voi đã được bảo quản trong kho lạnh và các mẫu di truyền đã được gửi đến Đại học Auckland để lưu trữ và nghiên cứu.
"Sự hiếm có của loài cá voi này có nghĩa là các cuộc thảo luận về những việc cần làm tiếp theo sẽ mất nhiều thời gian hơn, vì đây là một vấn đề mang tầm quốc tế", Cục Bảo tồn cho biết.
Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1874, chỉ từ hàm dưới và hai răng được thu thập từ quần đảo Chatham ngoài khơi bờ biển phía đông New Zealand. Mẫu đó, cùng với xác của hai mẫu vật khác được tìm thấy ở New Zealand và Chile, đã cho phép các nhà khoa học xác nhận một loài mới.
Nhà khoa học biển Vanessa Pirotta cho biết các nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu thành phần dạ dày, di truyền của cá voi và so sánh mẫu vật này với những mẫu trước đó. Điều này có thể giúp các nhà khoa học phân tích hành vi của cá voi, quần thể của chúng và lý do tại sao chúng rất hiếm, bà Pirotta nói với hãng tin AFP, đồng thời gọi phát hiện này "giống như trúng số độc đắc".
Bởi vì có quá ít mẫu vật được tìm thấy và không có mẫu vật nào còn sống, các nhà khoa học hiện có rất ít thông tin về cá voi răng thuổng. Loài cá này được xếp vào loại "thiếu dữ liệu" trong Hệ thống Phân loại Các loài Bị đe dọa của New Zealand.
Mẫu vật nguyên vẹn đầu tiên là từ một cặp mẹ và con cá voi răng thuổng bị mắc cạn ở Vịnh Plenty vào năm 2010, Cục Bảo tồn New Zealand cho biết.