| Hotline: 0983.970.780

Xác tàu nằm la liệt, cản trở tàu thuyền ra vào cảng

Thứ Tư 24/05/2023 , 10:46 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Xác tàu cá ngổn ngang ở các cửa sông, cửa biển làm cản trở luồng lạch, gây khó khăn cho các tàu thuyền ra vào và neo đậu mỗi khi có mưa bão.

Nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi sau một thời gian nằm bờ đã hư hỏng, xuống cấp làm ảnh hưởng đến môi trường và cản trở việc ra vào neo đậu tránh trú bão của tàu thuyền. Ảnh: L.K.

Nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi sau một thời gian nằm bờ đã hư hỏng, xuống cấp làm ảnh hưởng đến môi trường và cản trở việc ra vào neo đậu tránh trú bão của tàu thuyền. Ảnh: L.K.

Việc xây dựng, hình thành các cảng neo đậu có vai trò rất quan trọng trong việc buôn bán hải sản cũng như đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vào tránh trú mỗi khi mưa bão. Thế nhưng, tại một số cảng cá, khu neo đậu của tỉnh Quảng Ngãi lại đang diễn ra thực trạng các tàu cá sau một thời gian dài không hoạt động dần xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa có giải pháp xử lý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây ra không ít hệ lụy.

Tại khu neo đậu ở cửa sông Phú Thọ (TP Quảng Ngãi), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là khung cảnh nhếch nhác tạo nên bởi những tàu cá lớn nhỏ đủ kích cỡ bị hư hỏng, mục nát nằm ngổn ngang. Chủ nhân của những chiếc tàu này hầu hết ở các xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi).

Đây là những địa phương mà người dân trong vùng chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Thế nhưng, những năm trở lại đây, hoạt động khai thác không hiệu quả, nhiều ngư dân đành phải cho tàu nằm bờ.

Ông Võ Văn Chí (trú xã Nghĩa An) cho biết, 5 năm trước, gia đình ông vay vốn ngân hàng đóng mới con tàu có công suất 600CV trị giá 4 tỷ đồng. Tàu hạ thủy và vươn khơi được vài chuyến biển nhưng hầu như chuyến nào cũng thua lỗ, không đủ bù chi phí nhiên liệu.

“Sau đó, tôi đành đưa tàu về cửa sông Phú Thọ neo đậu. Không làm ra tiền, dần dần tôi mất khả năng trả nợ. Tàu bị ngân hàng lấy rồi neo ở đây năm năm nay bây giờ đã bị hư hỏng và chìm”, ông Chí tâm sự.

Nhiều con tàu có công suất lớn nhưng chủ tàu làm ăn thua lỗ nên chủ tàu không thể trả nợ ngân hàng cũng như bỏ kinh phí để trục vớt. Ảnh: L.K.

Nhiều con tàu có công suất lớn nhưng chủ tàu làm ăn thua lỗ nên chủ tàu không thể trả nợ ngân hàng cũng như bỏ kinh phí để trục vớt. Ảnh: L.K.

Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, tại cửa sông Phú Thọ có khoảng 6 tàu cá bị chìm nhưng chưa được trục vớt. Hệ quả khiến môi trường tại khu vực này bị ảnh hưởng không nhỏ.

Quan trọng hơn, đây lại là khu vực mà rất nhiều tàu thuyền chạy về tránh trú mỗi khi có mưa bão nên dễ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho các tàu thuyền. Đã có nhiều trường hợp, trong quá trình di chuyển, các tàu cá xảy ra va chạm với những tàu cá “bị bỏ rơi” này.

Ông Võ Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho hay, các tàu cá bị chìm ở cửa sông Phú Thọ là của những ngư dân làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng.

“Trước thực trạng này, tới đây, chính quyền địa phương sẽ làm việc với các chủ tàu có tàu bị chìm ở bến sông, cùng với những ngân hàng liên quan để có phương án trục vớt xác tàu lên bờ, tạo luồng lạch thông thoáng cho các tàu ra vào neo đậu an toàn cũng như khắc phục nạn ô nhiễm môi trường”.

Tại cảng cá Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ), nơi tập trung của nhiều tàu thuyền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cùng với tình trạng bồi lấp luồng lạch thì việc hàng chục xác tàu hư hỏng nằm chất đống càng khiến cho việc lưu thông, neo đậu và tránh trú tàu thuyền của người dân địa phương thêm phần khó khăn.

Hiện, khu vực cảng có đến 26 tàu cá của ngư dân bị bỏ lại, đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Các tàu cá này bỏ nổi trên mặt nước chỉ còn trơ lại bộ khung gỗ, chiếm không ít diện tích neo đậu của tàu thuyền. 2 năm trước, Ban Quản lý cảng cá Sa Huỳnh đã phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu chủ tàu tháo dỡ, trục vớt những tàu bị hư hỏng để đưa đi nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Ông Trần Thanh Tựu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Đức Phổ cho biết, trong số 26 xác tàu cá ở cảng Sa Huỳnh thì chỉ có 8 tàu là có chủ. Tuy nhiên, do các chủ tàu này làm ăn thua lỗ nên bây giờ họ không có đủ kinh phí để trục vớt tàu.

"Vậy nên, hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với UBND phường Phổ Thạnh và các cơ quan liên quan như Đồn Biên phòng Sa Huỳnh, Ban Quản lý cảng cá Sa Huỳnh để tham mưu UBND thị xã Đức Phổ xử lý, trục vớt những xác tàu này. Việc trục vớt cũng còn phải đề xuất Phòng Tài chính tham mưu nguồn kinh phí và thực hiện theo từng giai đoạn. Cùng với đó, thị xã cũng sẽ triển khai nạo vét thông luồng Cảng cá Sa Huỳnh nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng hơn 1.000 tàu thuyền ở khu vực này".

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.