| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá Nam Trung bộ thiếu nơi tránh trú bão: Quá tải, xuống cấp

Chủ Nhật 27/11/2022 , 18:00 (GMT+7)

Các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá của các tỉnh vùng Nam Trung bộ hiện nay đều trong tình trạng quá tải, luồng lạch bị bồi lấp...

Khu neo đậu chật hẹp, bị bồi lấp

Toàn tỉnh Bình Định có gần 6.000 tàu cá đăng ký tham gia hoạt động khai thác, trong đó, tàu cá hoạt động vùng khơi 3.260 chiếc, vùng lộng 1.105 chiếc, vùng ven bờ 1.589 chiếc. Tổng số lao động khai thác thủy sản khoảng 45.000 người, sản lượng khai thác hàng năm trên 250.000 tấn/năm.

Theo quy hoạch, Bình Định hiện có 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm: Khu neo đậu đầm Thị Nại có diện tích 5.060ha, nằm trên địa bàn TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Đây là đầm có diện tích lớn nhất tỉnh Bình Định, có độ sâu tự nhiên 6m, sức chứa khoảng 2.400 tàu cá, có thể tiếp nhận những tàu cá có chiều dài đến 40m. Cửa ra vào khu neo đậu thuận lợi, không bị bồi lấp.

Luồng ra vào khu neo đậu đầm Thị Nại phải đi qua Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) có diện tích mặt nước rất chật hẹp nên tàu cá gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển. Ảnh: V.Đ.T.

Luồng ra vào khu neo đậu đầm Thị Nại phải đi qua cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) có diện tích mặt nước rất chật hẹp nên tàu cá gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển. Ảnh: Lê Khánh.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt thì đầm Thị Nại có 3 khu neo đậu chính, gồm: Vùng nước từ cầu Hàm Tử đến đường Phan Chu Trinh (diện tích 8ha) là vùng nước neo đậu chính, nhưng do luồng ra vào cảng cá Quy Nhơn chung với luồng ra vào khu neo đậu, nên những lúc cao điểm tàu cá ra vào rất khó khăn; vùng nước khu dịch vụ hậu cần Bắc Hà Thanh có diện tích 13ha và vùng nước khu tái định cư Nhơn Phước (thuộc xã Nhơn Hội).

Khu neo đậu đầm Đề Gi có diện tích 1.580ha nằm trên địa bàn huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ. Phần lớn diện tích mặt nước của khu neo đậu đầm Đề Gi đã bị bùn, cát bồi lấp cục bộ. Thêm vào đó, luồng lạch ra vào khu neo đậu còn nhỏ hẹp và thường xuyên bị bồi lấp. Trong khi tàu thuyền đánh bắt ngày càng có kích cỡ, công suất lớn nên không đảm bảo cho tàu cá vào sâu trong đầm, mà chỉ neo đậu tại vùng nước gần trước khu vực cảng cá Đề Gi. Khả năng neo đậu số lượng tối đa khoảng 400 chiếc.

Khu neo đậu Tam Quan có diện tích 60ha nằm trên địa bàn Thị xã Hoài Nhơn, có khả năng chứa từ 1.000 - 1.200 tàu. Thế nhưng riêng tổng số tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn đã có đến 2.500 tàu, nên khu neo đậu Tam Quan thường xuyên bị quá tải. Đó là chưa kể trong mùa mưa bão, khu neo đậu Tam Quan còn phải tiếp nhận khoảng 250 - 300 tàu của ngư dân huyện Phù Mỹ và của tỉnh Quảng Ngãi về đây tránh trú bão.

Thực trạng này đã gây quá tải cho khu neo đậu, không đảm bảo an toàn cho phương tiện, dễ gây cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, luồng lạch cửa Tam Quan dẫn vào khu neo đậu còn nhỏ hẹp và thường xuyên bị bồi lấp, khiến tàu cá ra vào cửa biển Tam Quan rất khó khăn và không đảm bảo an toàn.

Tàu cá di chuyển trong Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá di chuyển trong cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cơ sở hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá ở Bình Định tuy đã được đầu tư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh. Đặc biệt, các khu neo đậu tàu thuyền hiện nay đã quá tải, rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đạt chuẩn nhằm đáp ứng phục vụ nhu cầu neo đậu cho tàu cá trong tỉnh và khu vực.

“Hiện nay, sức chứa của các khu neo đậu tàu cá ở Bình Định có 5.300 tàu, nhưng tổng số tàu cá hiện có ở Bình Định là 5.954 tàu, đó là chưa tính khoảng 250 - 300 tàu của ngư dân Quảng Ngãi vào neo đậu tránh trú trong những mùa mưa bão”, ông Phúc cho hay.

Chỉ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu neo đậu, tránh trú bão

Tỉnh Quảng Nam hiện nay có 2.741 tàu cá, trong đó tàu khai thác vùng khơi 672 chiếc, vùng lộng 731 chiếc và vùng bờ 1.338 chiếc. Nghề khai thác thủy sản của tỉnh này đã giải quyết việc làm cho 15.000 lao động, trong đó có 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và 2.000 lao động trên bờ làm dịch vụ, thu mua.

Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam có 6 cảng cá, gồm 1 cảng cá loại I là cảng cá Tam Quang và 5 cảng cá loại II gồm: cảng An Hòa, Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, Tam Kỳ và cảng cá Hồng Triều. Tuy nhiên, đến nay Quảng Nam mới đầu tư được 2 trong tổng số 6 cảng nói trên, đó là cảng cá An Hòa và cảng cá Tam Quang.

Tuy vậy, 2 cảng cá nói trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý tàu cá khai thác cũng như nhu cầu neo đậu, tiêu thụ sản phẩm do cầu tàu, khu sơ chế, kho bãi, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước ngọt và kho lạnh chứa hàng ở các cảng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Một số cảng cá ở tỉnh Quảng Ngãi chưa phát huy được hiệu quả do luồng vào cảng cạn, tàu lớn không thể vào neo đậu. Ảnh: L.K.

Một số cảng cá ở tỉnh Quảng Ngãi chưa phát huy được hiệu quả do luồng vào cảng cạn, tàu lớn không thể vào neo đậu. Ảnh: Lê Khánh.

Đáng quan ngại là vùng biển phía bắc Quảng Nam nằm trên địa bàn các huyện/thành phố Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình hiện nay có tổng số tàu cá gần 1.700 chiếc, tuy nhiên, các địa phương ở đây chưa có cảng cá đủ điều kiện công bố mở cảng để tàu cá cập cảng. Tàu cá ở đây nằm cách cảng An Hòa và Tam Quang 50 - 80km nên việc yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng chạy tàu về neo đậu tại 2 cảng nói trên là bất khả thi.

Đối với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, tỉnh Quảng Nam có 6 khu neo đậu gồm An Hòa với quy mô 1.200 chiếc, Hồng Triều với quy mô 1.000 chiếc, Cửa Đại với quy mô 800 chiếc, khu vực 3 xã Tam Tiến - Tam Hòa - Tam Xuân 1 với quy mô 800 chiếc, Bình Dương với quy mô 200 chiếc và Cù Lao Chàm quy mô 100 chiếc.

Đến nay, tỉnh này mới thực hiện đầu tư được 4 khu neo đậu là An Hòa có quy mô 450 - 470 chiếc, Hồng Triều 500 - 1.000 chiếc, Cửa Đại 180 chiếc và Cù Lao Chàm 150 - 200 chiếc. Các khu neo đậu này chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 70% nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá toàn tỉnh.

Tương tự, tỉnh Quảng Ngãi có trên 4.570 tàu cá, với tổng công suất gần 1,8 triệu CV, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (khai thác xa bờ) là 3.261 chiếc.

Quảng Ngãi có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu kết hợp cảng cá và 2 khu neo đậu tránh trú bão. Những năm qua, tỉnh này đã triển khai đầu tư xây dựng 5 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão gồm cảng cá Sa Huỳnh, cảng cá Tịnh Kỳ, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn và cảng neo trú thuyền Mỹ Á.

Hiện nay, các cảng cá ở tỉnh Quảng Nam mới chỉ đáp ứng được 70% như cầu neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền. Ảnh: L.K.

Hiện nay, các cảng cá ở tỉnh Quảng Nam mới chỉ đáp ứng được 70% như cầu neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền. Ảnh: Lê Khánh.

Để đáp ứng nhu cầu cho tàu cá ra vào cảng và neo đậu, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện các dự án: Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp, sữa chữa hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, Sa Huỳnh, Sa Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á. Đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cỗ Lũy (TP Quảng Ngãi) giai đoạn 1; Dự án nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa; Dự án cầu cảng sông Trà Bồng và Dự án neo đậu tránh bão cho tàu cá Sa Cần.

Hiện nay, 5 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á và Sa Huỳnh đang sử dụng đã được UBND tỉnh công bố mở cảng và được Bộ NN-PTNT công bố cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản, góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động, tạo thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản phát triển.

Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hoàn thiện cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, gồm: Đầu tư mới dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Sa Cần với kinh phí dự kiến 400 tỷ đồng; đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Sa Huỳnh, kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng.

Xem thêm
Nôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.