| Hotline: 0983.970.780

Xác xơ, rách nát xóm Việt kiều nghèo

Thứ Ba 05/07/2016 , 13:27 (GMT+7)

Họ đa số là những Việt kiều từ Biển Hồ Campuchia hồi hương về, tụ lại bên bờ sông, tá túc trong những túp lều rách nát, được cóp nhặt từ cây tre, cây cừ, phần mái, vách được quây, lợp bằng những tấm bạt, tôn cũ. Có lẽ những căn chòi này chỉ có chức năng chính là che nắng.

Đầu nguồn sông Sài Gòn, đoạn nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, có một xóm nghèo, nghèo đến mức những căn chòi của họ xơ xác, cảm giác chỉ cần một cơn gió hơi mạnh cũng đủ cuốn nó đi. Xóm nghèo ấy nay vắng lặng, đìu hiu đến nao lòng!

Rách nát, tạm bợ

Cái xóm nghèo ấy nằm chênh vênh bên bờ sông Sài Gòn, thuộc ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, Bình Phước. Họ đa số là những Việt kiều từ Biển Hồ Campuchia hồi hương về, tụ lại bên bờ sông, tá túc trong những túp lều rách nát, được cóp nhặt từ cây tre, cây cừ, phần mái, vách được quây, lợp bằng những tấm bạt, tôn cũ. Có lẽ những căn chòi này chỉ có chức năng chính là che nắng.

Khi cái nắng nhức nhối nhất trong ngày chiếu thẳng trên đỉnh đầu cũng là lúc tôi đến chân cây cầu mang tên Sài Gòn nối giữa Bình Phước và Tây Ninh. Tấp vào quán tạp hóa ngay đầu cầu hỏi thăm.

Ông chủ quán giới thiệu tên Phong, cho biết: “Giờ này xóm toàn trẻ con chứ người lớn hay những người làm nghề chài lưới trên sông họ bỏ lên bờ đi làm thuê hết rồi, nhiều người đi cả tháng mới về”.

15-44-50_nh-1
Cầu Sài Gòn nối 2 tỉnh Bình Phước - Tây Ninh, nơi cư ngụ của xóm Việt kiều

 

Tôi hỏi: “Sao vậy chú?”. Ông Phong đáp: “Ngày xưa sông Sài Gòn sạch, nhiều cá, nghề cá còn kiếm ăn được. Mấy năm nay, nước sông ô nhiễm, cá chết nhiều, làm nghề chài lưới không có ăn nên nhiều người bỏ nghề, lên bờ làm nghề “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy”.

Nhưng ngay sau đó, vợ ông Phong là bà Út, có biệt danh “Út cầu Sài Gòn”, bảo: “Trong xóm cũng có con Quỳnh nó ở nhà. Chồng nó hồi trước cũng làm cá trên sông, nhưng giờ phải bỏ lưới, lên bờ đi làm thuê rồi, tối mới về. Đông con quá nên con vợ phải ở nhà, không đi đâu được”.

Theo chỉ dẫn của ông Phong, tôi đi vào xóm chài dưới chân cầu. Nhưng đi khắp xóm, ngó vào từng căn chòi trống trước hở sau mà chẳng thấy người lớn nào, ngoài những đứa trẻ. Tôi đang lơ ngơ đứng trước cửa một căn chòi nhỏ, bên trong gần chục đứa trẻ đang nô đùa, chưa biết tính sao thì thấy một phụ nữ chừng ngót 40 tuổi đang đi bộ từ ngoài vào.

Đến gần tôi, chị không tỏ vẻ ngạc nhiên mà hỏi: “Anh kiếm ai dzậy?”, nghe tôi nói hỏi nhà chị Quỳnh, người phụ nữ mới tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại: “Ủa, kiếm tui có chi không?”. Thì ra đây chính là chị Quỳnh, người bà Út giới thiệu.


Chị Quỳnh và đàn con 6 đứa

 

15-44-50_nh-3
15-44-50_nh-4
Những căn “nhà” của cư dân xóm Việt kiều

 

Trò chuyện với chị, tôi mới biết, năm nay mới 31 tuổi nhưng vợ chồng chị Quỳnh đã có đến 6 đứa con, đứa lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi. Chúng chỉ biết đọc, viết nhờ lớp xóa mù chữ của bà giáo già trong xóm, chứ chẳng đứa nào được đến lớp, dù chỉ 1 ngày.

“Lúc trước chồng em làm nghề cá dưới sông, giờ sông cạn, lại ô nhiễm quá, cá chẳng còn, ảnh phải đi làm thuê, thu nhập thất thường, bữa đực bữa cái, có khi kiếm ngày vài chục ngàn không nổi. Mấy năm trước, chồng em vay tiền mua xuồng, lưới, mấy bình điện, hết cả chục triệu đồng, giờ bỏ không. Nợ vẫn còn đó, không biết đến khi nào mới trả được”, chị Quỳnh tâm sự.

Mờ mịt tương lai 

Theo chỉ dẫn của bà Út “cầu Sài Gòn”, tôi lần mò vào căn nhà nhỏ nằm cách bờ sông chừng trăm mét của bà Nguyễn Thị Bông, 72 tuổi, nơi tá túc của gần 10 thành viên thuộc 3 thế hệ.

15-44-50_nh-6
Gia đình bà Bông và vợ chồng người con trai Hồ Văn Cứng

 

“Xóm Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về tụ thành xóm nhỏ dưới chân cầu Sài Gòn. Cuộc sống của họ khó khăn thế nào xã biết rất rõ và vẫn đang từng bước hỗ trợ họ hết mức có thể; cấp sổ hộ nghèo để họ được hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ mỗi hộ 30 ngàn đồng tiền điện/tháng. Hàng tháng xã vẫn hỗ trợ gạo, lương thực, chăn màn, quần áo cho họ. Vận động trẻ em đến trường dù không có hộ khẩu. Mở lớp xóa mù chữ ngay trong xóm cho trẻ em…”, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch HĐND xã Minh Tâm.

Lúc tôi đến, người con trai lớn của bà tên Hồ Văn Cứng, 48 tuổi, đang ngồi ăn mì gói. Khi tôi vừa dựng xe xuống, 4 - 5 đứa trẻ đen nhẻm, mái tóc cháy nắng vàng hoe, ùa ra, “bao vây” chiếc xe máy của tôi. Sau đó, chúng bắt đầu săm soi túi trái cây trên xe. Tôi đành lấy túi xoài chín vừa mua đưa cho chúng chia nhau.

Bà Bông cho biết, gia đình bà từ Biển Hồ, Campuchia, hồi hương về đây năm 1988 và làm nghề đánh bắt cá trên sông Sài Gòn.

“Ngày mới về đây, tui làm nghề chài lưới trên sông, cũng kiếm ăn được, đủ đắp đổi qua ngày. Nhưng mấy năm nay, sông Sài Gòn ô nhiễm nặng, lại cạn queo, cá chết sạch, chẳng còn gì để bắt. Mọi người lên bờ đi kiếm việc làm thuê, nhưng cũng bấp bênh, lúc có lúc không.

Mấy tháng nay không biết sao mà cái lưng tôi đau nhức, cứ cúi xuống là đau không chịu nổi. Nên đành ở nhà. Muốn đi bệnh viện khám mà chưa có tiền”, anh Cứng than.

Anh Cứng cũng có cả một đàn con 8 đứa, trong đó, 2 người con lớn đã lập gia đình, nhưng cuộc sống cũng chẳng hơn gì cha mẹ chúng và tất cả đều thất học.

Người dân trong xóm này đa số là Việt kiều từ Campuchia hồi hương, một số ít từ các vùng quê nghèo ở miền Trung, miền Tây di cư đến từ vài chục năm trước.

15-44-50_nh-7
Tay lưới này từ lâu đã được anh Cứng xếp xó dưới gốc cây ngoài vườn

 

Cuộc sống nghèo khổ, quanh năm đầu tắt mặt tối với miếng cơm manh áo nên chuyện học hành của con cái là điều xa xỉ. Nói về chuyện học của đàn con, chị Quỳnh bảo, trẻ con trong xóm chẳng đứa nào được đi học, 6 đứa con của chị cũng vậy.

“Hên là mấy năm nay xã có mở lớp xóa mù chữ cho trẻ con trong xóm, rồi trong xóm cũng có bà giáo Xáy vẫn mở lớp miễn phí giúp bà con nghèo nên giờ tụi nó cũng biết đọc biết viết hết rồi”, chị Quỳnh nói.

Tôi nhìn đàn con chị Quỳnh, dù chúng không được cha mẹ quan tâm, chăm sóc chu đáo, khiến những khuôn mặt nhem nhuốc mồ hôi, những bộ đồ nhàu nát, cáu bẩn, nhưng tất cả chúng đều có khuôn mặt lanh lợi, sáng sủa và hiếu động.

“Nếu chúng được nuôi dạy như bao đứa trẻ khác, biết đâu trong số này sẽ có những kỹ sư, tiến sĩ tài năng?”, tôi xót xa thầm nghĩ.

Gặp ông Đỗ Đình Khanh, trưởng ấp 4, xã Minh Tâm, ông tâm sự: “Thấy cuộc sống khó khăn đủ bề của bà con, xót xa lắm mà sức mình có hạn, chẳng giúp được bà con bao nhiêu. Cha mẹ tụi nhỏ trong xóm cũng toàn dân mù chữ, nên đâu có dạy chữ cho con được đâu.

Còn việc đi học, nếu không có hộ khẩu vẫn được đi học hết tiểu học, nhưng điều quan trọng nhất là cha mẹ chúng lo ăn còn chưa xong, thời gian đâu mà tính chuyện đưa con đi học? Mấy đứa lớn lớn chút là theo cha mẹ đi làm thuê. Chẳng có hứng thú học. Xã cũng mấy lần họp bàn tìm cách giải quyết khó khăn cho người lao động trong xóm, nhưng đến giờ tình hình cũng chưa cải thiện được bao nhiêu".

Điều lo ngại nhất đối với cuộc sống người dân xóm cầu là vào mùa mưa. Vì các hộ dân sống ven sông nên lúc mưa lớn rất dễ xảy ra tình trạng sụt lở. Nhiều năm nay, cứ mỗi lần mưa bão là chính quyền địa phương phải chuyển người dân lên đường rồi dựng chòi để ở. Sau khi “trời yên bể lặng” các hộ dân lại trở về chỗ cũ dựng lại chòi.

“Mỗi khi có giông bão là các lực lượng chức năng của xã lại được điều động để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Dựng chòi, cho thức ăn nước uống để hỗ trợ các hộ dân tránh lũ lụt”, ông Khanh cho biết.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.