| Hotline: 0983.970.780

Xâm hại rừng ở Ngũ Chỉ Sơn

Thứ Ba 12/10/2021 , 09:55 (GMT+7)

Khu vực rừng xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) bị xâm hại nghiêm trọng. Thế nhưng lạ là chính quyền biết, Kiểm lâm biết, vẫn để cho tồn tại?

Con đường bê tông dẫn vào rừng. Ảnh: H.Đ

Con đường bê tông dẫn vào rừng. Ảnh: H.Đ

Rừng bị cải tạo, đổ bê tông

Tại khu vực thôn Can Hồ Mông (xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa, Lào Cai), nằm dọc tỉnh lộ 155 hướng đi vào UBND xã Ngũ Chỉ Sơn là bạt ngàn rừng núi. Thế nhưng, thông tin từ người dân cung cấp, rừng ở đây đã bị xâm hại nghiêm trọng, một số người đã mua đất rừng phòng hộ tự ý cải tạo để trồng dược liệu.

Khu vực rừng này nằm tiếp giáp tỉnh lộ tuy nhiên phải để ý thật kỹ mới thấy được lối vào đã được san gạt, cải tạo cẩn thận. Chủ của khu rừng này đã mất nhiều công sức để có được lối đi lên, không chỉ là phát dọn thực bì. 

Lối lên đã được làm mặt bằng để có thể đổ lớp bê tông dày hơn chục centimet với các vạch kẻ chống trơn trượt. 

Con đường bê tông này men theo triền núi đi sâu vào rừng để lên tới khu vực mà người dân cho rằng đất rừng đang bị cải tạo trái phép trồng cây dược liệu. 

Người trông coi ở đây chia sẻ, con đường bê tông này do họ tự đổ cách đây khoảng 2 tháng và làm rất mất công vì để đưa vật liệu lên cũng là cả vấn đề lớn, do đất dốc. 

Một số phần hiện chưa làm xong đó là cầu sắt bắc qua suối nên họ chừa lại một khoảng để sau này còn làm chân cầu. Tuy nhiên, nhờ con đường bê tông mới đổ xe máy đã có thể dễ dàng di chuyển vào khu vực sâu trong rừng.

Khi đi hết con đường bê tông, chúng tôi được tiếp cận khu vườn được cho là để trồng dược liệu. Tại đây, người ta đã làm một số luống đất mà theo người trông coi chỉ dùng để trồng tam thất và sâm ngọc linh. 

Không chỉ vậy, một số vật liệu xây dựng như cát, đá đã được tập kết tại khu vực này và phủ bạt một phần để thực hiện nốt kế hoạch làm đường và một số hạng mục khác. Người trông coi cho rằng họ chưa làm được là "tại dịch bệnh nên cũng hơi đau đầu".

Cũng theo người trông coi, việc trồng dược liệu tại đây cũng không khả quan lắm nhất là so với bên Mường Tè (Lai Châu) - nơi mà họ cũng đang thực hiện một dự án tương tự - do độ ẩm cao và mùa đông lạnh, có tuyết. Trong khi đó, những loại dược liệu như sâm, tam thất phải cần từ 5-7 năm mới cho thu hoạch… 

Tuy nhiên, “sau này, khi phát triển, vườn sẽ trồng khoảng 2-3 vạn tam thất, sâm ngọc linh, sâm Lai Châu…”, người trông coi chia sẻ.

Cũng theo người này, do Trung Quốc cấm biên nên họ phải mua sâm ở Lai Châu và suýt dính hơn 1kg sâm ngọc linh không đảm bảo chất lượng. Rất may, khi mang mẫu xuống Hà Nội kiểm định gen và các thành phần mới phát hiện hàm lượng Saponin không đủ, không có tính trạng của sâm Việt Nam. 

Cọc sắt được lắp dựng cẩn thận và đổ bê tông chân móng. Ảnh: H.Đ

Cọc sắt được lắp dựng cẩn thận và đổ bê tông chân móng. Ảnh: H.Đ

Kiểm lâm biết, chính quyền biết nhưng rừng vẫn bị xâm hại

Toàn bộ khu rừng có diện tích 2,4ha và được mua của một hộ dân trong xã Ngũ Chỉ Sơn. 

Quan sát tại khu vực rừng này, ngoài hiện trạng đường bê tông kiên cố  còn được dựng cọc sắt để chuẩn bị làm hàng rào. Khu vực rừng được đánh dấu đỏ cẩn thận rạch ròi, phân ranh giới diện tích rừng của những hộ dân giáp ranh.

Các cọc sắt làm hàng rào có chiều cao hơn 2m được làm khá cầu kỳ, có mấu chờ hàn lưới mắt cáo. Chân những cột sắt được đổ bê tông chắc chắn, có thể đu người lên.

Sở dĩ cần phải làm chắc chắn như vậy là do dược liệu trồng đều là những loại sâm có giá trị nên phải rào và bảo vệ cẩn thận, tránh mất trộm, người trông coi chia sẻ... 

Theo UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, hành vi xâm hại rừng nêu trên đã bị phát hiện từ 19/7/2021. Hạt Kiểm lâm Sa Pa phối cùng UBND xã Ngũ Chỉ Sơn đã đi kiểm tra thực tế và lập biên bản vi phạm. Theo đó, việc lấn, chiếm rừng trái phép xảy ra tại lô 5 khoảnh 10 tiểu khu 259 thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn. 

Tuy nhiên, theo biên bản vi phạm thì qua kiểm tra thực tế chỉ phát hiện đường bê tông dài 45m, rộng 0,8m, tổng diện tích đường bê tông là 36m2. 

Việc xâm hại rừng này là do hộ gia đình ông Lý A Giống thực hiện để có đường lên nương thảo quả. 

Qua đối chiếu với bản đồ theo dõi vị trí trên thuộc khu rừng sản xuất của Ban Quản lý - Rừng phòng hộ quản lý.

Ông Lý A Giống đã bị xử phạt số tiền 2 triệu đồng về hành vi nêu trên và phải gỡ bỏ toàn bộ đường bê tông đã làm, không được làm đường vào diện tích rừng tự nhiên, phát phá khu vực xung quanh. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc lập biên bản và xử phạt chỉ mang tính hình thức, phạt để cho tồn tại. 

Ông Lý A Giống cho biết, đã bán diện tích rừng trên với giá 2 tỷ đồng và việc xử phạt là do ông đứng ra chịu trách nhiệm còn tiền do người khác nộp. 

Ngoài ra, lãnh đạo UBND xã Ngũ Chỉ Sơn cũng xác nhận, có thông tin dư luận về việc vợ chồng bí thư một xã khác cùng đầu tư mua đất rừng tại địa điểm nêu trên. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.