| Hotline: 0983.970.780

Nạn 'vàng tặc' bùng phát ở rừng Vầu

Thứ Hai 13/09/2021 , 09:26 (GMT+7)

Tin đồn đào trúng nẹp vàng, kiếm hơn chục tỷ đồng khiến thủ phủ vàng Lào Cai sôi động trở lại. Các lán trại được dựng lên, người tứ xứ kéo về tìm cơ may.

Các lán trại được dựng lên làm chỗ ở cho hàng trăm phu vàng. Ảnh: H.Đ

Các lán trại được dựng lên làm chỗ ở cho hàng trăm phu vàng. Ảnh: H.Đ

Ranh giới vàng tặc 

Minh Lương (huyện Văn Bàn, Lào Cai) vốn là thủ phủ vàng thế nhưng cho đến nay việc khai thác công nghiệp mỏ vàng này vẫn dậm chân tại chỗ. Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai là đơn vị duy nhất đầu tư khai tác tại đây. Thế nhưng, đáng lẽ sau khi được đầu tư quy củ nạn vàng tặc phải được dẹp bỏ nhưng thực tiễn lại khôngcó gì cải thiện hơn trước. 

Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai cũng là công ty khai thác vàng duy nhất đã niêm yết trên sàn chứng khoán (sàn Upcom, mã GLC). Trước khi giấy phép công ty này hết hạn ngày 24/6/2019 thì hoạt động khai khoáng của công ty “thu không đủ bù chi”, tai tiếng dù chỉ đào vàng lên để bán… cũng thua lỗ, lũy kế hàng chục tỷ đồng. 

Chủ tịch HĐQT công ty này là bà Đoàn Thị Yến Châu ký nghị quyết đại hội đồng cổ đông có nêu, “ngay sau khi được cấp gia hạn giấy phép khai thác, Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai sẽ tập trung nâng cấp lắp đặt, thay thế các trang thiết bị công nghệ mới để đảm bảo tận thu tối đa hàm lượng vàng còn lại, tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết đối với nhà nước”…

Sau hơn 2 năm kể từ ngày hết hạn giấy phép, khu mỏ của công ty án binh bất động mà theo ông Lê Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, công ty phải thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường rồi làm lại hồ sơ đấu giá, đấu thầu, tham gia quy trình mới được tiếp tục gia hạn giấy phép.

Có thể nhận thấy, ngoài lực lượng bảo vệ thì chiếc cổng sắt lớn được dựng lên trên lối đi chính vào mỏ vàng có lẽ là sự đầu tư của công ty này có thể làm được trong thời điểm này. Giữa năm ngoái, khi nạn vàng tặc bùng phát, Minh Lương trở thành điểm nóng. Xã này có khoảng 200 đối tượng phải cai nghiện ma túy mà theo những người từng ăn nằm ở mỏ thì ma túy và vàng cứ như một cái vòng luẩn quẩn. Số tiền làm ra được từ đào vàng không có một đồng nào thoát nổi ra bên ngoài. Bởi tiền ăn, tiền uống và những đồng tiền cuối cùng, phu vàng đều dồn mua thuốc phiện.

Ông Lê Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, đánh giá việc khai thác vàng tại Minh Lương có những vấn đề phức tạp nhất là khi Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai hết hạn giấy phép khai thác. Sau đó là khi công ty lên sàn chứng khoán thì có những nhà đầu tư mua cổ phần và chuyển quyền quản lý… Và đặc biệt ở khu vực vùng đệm, giáp ranh khu vực mỏ trong đó phần lớn thuộc xã Minh Lương và điểm cột cờ của xã Nậm Xé phát sinh nạn vàng tặc. 

Lối vào một hầm lò khai thác trái phép sáng đèn cả ban ngày. Ảnh: H.Đ.

Lối vào một hầm lò khai thác trái phép sáng đèn cả ban ngày. Ảnh: H.Đ.

Huỷ hoại môi trường và đất đai

Khu vực vàng tặc lộng hành tập trung chủ yếu ở khu vực rừng Vầu và Pú Mẹo. Ở đây, có cả người dân đi mót vàng lẫn chủ bưởng thuê người về làm cho họ. 

Khu vực này rất khó tiếp cận, chỉ có thể di chuyển nhờ vào các lối mòn dân sinh. Có hàng chục lều lán được dựng làm chỗ ở cho phu vàng, ngay sát “khai trường” đào đãi vàng lậu. Mỗi mét đất xung quanh đất đá bị đào xới nham nhở, lật tung, đất đá đổ vương vãi khắp nơi. 

Một số khu vực rừng ở đây thuộc đất rừng phòng hộ, song không hiểu sao vàng tặc ung dung khai thác, huỷ hoại đất rừng mà không vấp phải sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng trong một thời gian dài… 

Kinh hãi nhất là hoá chất sử dụng đánh vàng thường là thuỷ ngân… Độc tố này, chỉ cần sơ sẩy có thể lấy đi mạng người ngay tức khắc. Không chỉ vậy, hoá chất này còn gây hại nguồn nước, cây trồng, huỷ hoại đất nông nghiệp.

Ở đây cũng có những chủ bưởng đầu tư rất bài bản để tìm vàng. Họ đến từ Thái Nguyên, Yên Bái và cả người ở địa phương. Các chủ bưởng này đều là những tay lão luyện có nhiều năm lăn lộn đất vàng tứ xứ… Song dù là ở thủ phủ vàng thì chủ bưởng vẫn có thể trắng tay “bán nhà, bán cửa” bởi tìm vàng cũng giống như đánh bạc. 

Các chủ bưởng thường đầu tư một vài lỗ (hầm lò hàm ếch) để tìm kiếm nẹp vàng. Các hầm lò này có thể sâu từ vài chục đến cả trăm mét, ở dưới rẽ nhánh tứ phía để bám nẹp. Ước tính, mỗi mét đào sâu, họ phải chi phí khoảng 3 - 4 triệu đồng để nuôi nhân công, máy móc, dầu mỡ và các chi phí khác.

Lực lượng chức năng phá dỡ các lều lán trong khu khai thác vàng trái phép. Ảnh: H.Đ

Lực lượng chức năng phá dỡ các lều lán trong khu khai thác vàng trái phép. Ảnh: H.Đ

Thông tin khảo sát vàng bị lọt, lộ

Thông tin một chủ bưởng trúng nẹp vàng kiếm được hơn chục tỷ khiến khu rừng Vầu, Pú Mẹ sôi động hẳn lên. Có nhiều thanh niên ở các nơi đổ về tìm kiếm cơ may. Và hầu như họ sinh hoạt, ăn uống tại chỗ hằng tháng trời không rời khỏi khu vực này nửa bước. Mọi nguồn cấp lương thực, thực phẩm và dẫu mỡ, hoá chất… được người ở phía dưới chân núi mang lên hằng ngày. 

Đáng báo động là tình trạng người dân dựng lán trại lên để thực hiện việc góp nhặt, đào xuyên vào rừng để lấy quặng, tìm kiếm vàng.

Trước thực trạng nêu trên, UBND huyện Văn Bàn phối hợp cùng lực lượng chức năng truy quét, đẩy đuổi vàng tặc. Ông Lê Xuân Quỳnh cho biết, cao điểm nhất qua khảo sát đánh giá bước đầu, có khoảng hơn 80 đối tượng là chủ của hơn 122 lán trại, gần 300 lao động chui và hơn 90 hầm lò khai thác trái phép. 

Tuy nhiên, ông Quỳnh cho biết, khó khăn nhất là hiện nay thông tin liên quan đến khảo sát vàng bị lộ ra ngoài dẫn đến có người nghe ngóng được và tham gia vào quá trình khai thác.  

Phá dỡ lán trại - nơi ở của các phu vàng. Ảnh: H.Đ.

Phá dỡ lán trại - nơi ở của các phu vàng. Ảnh: H.Đ.

Cũng theo ông Quỳnh, hậu quả của nạn vàng tặc kéo theo vấn đề môi trường do khai thác có sử dụng hóa chất để chiết tách; vấn đề con người ở tứ xứ kéo đến ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương đặc biệt là những đối tượng sử dụng ma túy, nghiện ngập, dẫn tới phát sinh nhiều tệ nạn xã hội khác.

Hiện nay, lực lượng công an tổ chức thành 3 chốt (30 chiến sĩ) để ngăn chặn việc tiếp tế lương thực, thực phẩm lên trên lán trại, ngăn chặn và đẩy đuổi các đối tượng quay trở lại khu vực hầm lò khai thác. Cho đến nay, lực lượng công binh đã vào khảo sát để thực hiện đánh sập hầm lò bằng thuốc nổ… như kế hoạch đặt ra.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.