Những năm gần đây, nước mặn đang có xu hướng xâm nhập sâu vào các triền đê sông tại Hải Phòng như: sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông Cấm… Những nơi bị xâm nhập mặn diễn ra nhiều nhất và đe dọa trực tiếp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh là hệ thống thủy lợi Đa Độ, hệ thống thủy lợi Tiên Lãng và cả hệ thống thủy lợi An Hải.
Tại hệ thống thủy lợi Đa Độ, trước năm 2019, mặn xâm nhập sâu nhất trung bình mới đến cống Phương Hạ với nồng độ 0,2‰, trên sông Lạch Tray mặn xâm nhập sâu nhất trung bình mới đến cống Trường Sơn với nồng độ 0,1‰.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2023 đến nay, mặn đã xuất hiện sớm với nồng độ mặn cao, xâm nhập sâu bao trùm lên toàn bộ hệ thống, tại cống chính đầu mối tưới Trung Trang có những thời điểm nồng độ mặn lên đến 7,2‰, cùng với lượng mưa ít, mực nước thượng nguồn thấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc lấy và trữ nước vào hệ thống.
Hệ lụy kéo theo là việc lấy nước vào hệ thống được thực hiện qua cống đầu mối Trung Trang, cống hút Bát Trang, Quang Hưng, cống Hoa Đại, cống Cau rất hạn chế, không đạt theo kế hoạch.
Ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết, việc lấy nước, tiêu nước tại hệ thống thủy lợi thời gian qua cơ bản đảm bảo nhưng thời gian gần đây xâm nhập mặn diễn ra mạnh, đe dọa nguồn nước phục vụ sản xuất.
Dịp cuối năm 2023 đầu năm 2024, mỗi con triều chỉ lấy được trung bình từ 1h-2h, công tác thau chua, rửa mặn, thau đảo làm sạch nguồn nước trong hệ thống không thực hiện được. Do không có đủ nguồn nước đầu vào, làm ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước trong hệ thống, rất khó khăn cho công tác phục vụ sản xuất.
“Từ 31/1 đến nay việc lấy nước vào hệ thống đã không thực hiện được, độ mặn đo tại cống Trung Trang lên đến 7‰. Việc lấy nước được thực hiện duy nhất trong tháng 1/2024 là từ 26/1-30/1, khi thủy điện xả nước 6 ngày. Còn lại con nước thứ 2 trong tháng, việc lấy nước chưa thực hiện được do đó những ngày Tết chúng tôi vẫn phải cắt cử người để canh lấy nước vào hệ thống”, ông Trãi thông tin.
Tại hệ thống thủy lợi An Hải, những gày cận tết, xâm nhập mặn cũng đã diễn ra mạnh, khu vực triền đê hữu sông Cấm đã ghi nhận xâm nhậm mặn tới cống Bãi Mắm, còn tại triền đê tả Lạch Tray, xâm nhập mặn đã tới khu vực cống Tỉnh Thủy mới.
Mới đây, trong buổi đi lấy nước đầu xuân 2024 tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi An Hải, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định, chưa bao giờ xâm nhập mặn tại Hải Phòng lại phức tạp như hiện nay.
Riêng tại hệ thống thủy lợi An Kim Hải, vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024, có thời điểm suýt phải đóng cửa nhà máy nước An Dương do xâm nhập mặn xảy ra, tuy nhiên do phát hiện và xử lý kịp thời nên đã ngăn chặn được.
Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, Hải Phòng đang tính toán phương án mua 5 máy bơm công suất lớn để chủ động lấy nước vào các hệ thống thủy lợi khi phía ngoài sông có nước ngọt nhưng độ chênh không có, không thể lấy nước theo phương án truyền thống.
“Sâu xa hơn, thành phố sẽ giao cho Sở NN-PTNT cùng với Sở Xây dựng lập một đề án mang tính tổng thể để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn. Nếu cần thiết thì sẽ ngăn đập để chủ động hơn trong việc lấy nước cũng như ngăn chặn nước mặn xâm nhập vào các hệ thống thủy lợi”, ông Thọ chia sẻ.
Trong con nước hiện tại chỉ còn 2 ngày là có thể lấy nước, do vậy, ông Thọ yêu cầu trong dịp tết Nguyên đán 2024, các công ty thủy lợi cần phải “chia nhau ra để canh, để làm. Phải trực lấy nước, chắt chiu từng khối một” để có nước dùng.