Phường Kim Giang bên bờ sông Tô Lịch hồi ấy hoang vu, những bè rau muống cung cấp rau cho chợ Xanh, cho chợ phường. Còn nhớ hai năm trước, lần đầu đứa con gái mười tám tuổi của tôi nhìn thấy Tô Lịch, nó băn khoăn mãi, “Có đúng là Tô Lịch trong sử sách không?” Và dân cư Kim Giang vẫn chưa có nước sạch vào nhà, phải dùng ở bể công cộng.
Chợ hoa tết Hà Nội những năm 1990. Ảnh Steve Raymer và Nevada Wier. |
Má tôi, anh chị tôi nếu thấy tôi sống trong căn hộ mười lăm mét vuông và mỗi ngày bưng cái thau đi khoảng trăm mét mới có nước giặt giũ chắc họ đau lòng lắm. Thêm cảnh mấy ông đứng tuổi quần đùi tô hô tắm gội trước mặt tôi, còn nhìn chằm chằm vô thau giặt xem đồ lót của “bọn miền Nam” có khác với đồ lót của đám vợ con nhà họ không. Chẳng hề gì, tôi từng là chiến binh chín năm bưng biền, tôi không ngán chi. Vả lại, một túp lều tranh hai quả tim vàng, chồng tôi, nhà văn Nguyễn Quang Thân mỗi khi dùng xe đạp thồ nước lên nhà vẫn vừa guồng bàn đạp vừa huýt sáo đó thôi.
Căn hộ lơ lửng, bếp và khu phụ hướng ra cánh đồng, chỗ thông hơi cho cái bếp cũng chính là nơi gió lùa. Rét tê dại. Độ này ở Hậu Giang quê tôi gió bấc se se, nắng trong vắt, nước bạc óc ách bãi bờ, chợ búa đầy nông sản. Ở đây chợ chồm hổm tự phát mươi thứ hàng, cho biết thung thổ khắc nghiệt hơn tôi hình dung.
Chồng tôi chịu trách nhiệm với than tổ ong, các thứ phụ tùng cho bánh chưng và “đụng” với hàng xóm thịt heo cùng những con gà ai đó đi lùng tận ở quê ra. Tôi hòa vào đám phụ nữ vừa mấy tháng quen, họ mua gì tôi bắt chước mua thứ ấy. Nhưng những từ miền Nam của tôi khiến việc mua bán khó khăn quá. Các bà hàng quán có tuổi cười ngất “Cô phải gọi là lạng, mấy lạng, nói gờ-ram người ta không hiểu đâu”, “phải gọi là quả chanh, không gọi trái chanh, nắm sả, đừng gọi là củ sả”. Vân vân và vân vân.
Đoạn mua các thứ cho ban thờ thì hai vợ chồng cùng đi. Phải vài buổi chợ mới ưng ý. Vì sao phải là chuối xanh trên bàn thờ hả anh? “Vì thời tiết lạnh, xanh để chín dần, đến hóa vàng cho ông bà tổ tiên nải chuối đã được tầm hai tuần, vừa đẹp”. “Miền Nam không ai đưa chuối lên bàn thờ cả”. “Sao thế?” “Có lẽ vì có quá nhiều trái cây để làm mâm ngũ quả, xoài, dừa, đu đủ, mảng cầu, dưa hấu...” “Vừa đủ xài à?” “Thì họ nói kiểu bình dân, phát âm không như viết, không cần chính tả!” Lại chuyện phát âm, phương ngữ và tập quán vùng miền! Chúng tôi đi lên và đi xuống mãi mới ưng ý một nải chuối đẹp vừa túi tiền, thêm ớt đỏ, thêm những quả quất vàng, như mọi người. Trầu cau, lay ơn đỏ thắm cho ông bà và đào cành cho phòng khách.
Bữa gói bánh chưng quá ấn tượng. Toàn những người đàn ông đảm trách chứ không phải đàn bà bánh tét như miền Tây của tôi. Những người bạn Thiếu sinh quân của chồng tôi đã xuất hiện và “cứu” nhà văn chỉ giỏi chữ nghĩa. Nguyễn Quang Thân nổi tiếng hay làm hay làm nhưng bánh chưng vuông vắn như đóng khuôn thì anh chịu thua các đồng niên của mình. 29 tết, trong chiếc nồi gang to chồng tôi từng nấu rượu lậu để nuôi heo và tiền bán heo để nuôi con ăn học, chúng tôi thức với cái ban công căn hộ nhỏ xíu chăm nồi bánh chưng. Đời vui vì ta thấy nó đủ, ta vui.
Chúng tôi rước ông bà vào bữa trưa, để các em cháu trong họ có thể đến thắp nhang tiên tổ. Rất khác miền Nam là người thấp đi tết người trên, ai vai vế thấp của họ tộc thì chạy đi đưa quà mệt nghỉ! Miền Nam thực chất hơn, ai nhà gần mới làm việc đó, xa xôi quá sẽ điện thoại chúc tết, cũng xong. Miền Nam nhất định phải về quê trước, mồ mả ông bà, cửa nhà hương hỏa, miền Nam không bị xáo trộn tận gốc như nhiều năm xã hội chủ nghĩa hợp tác và triệt hạ như ở Bắc. Miền Bắc còn chút dòng họ để người ta tụ lại, vì vậy mà mấy ngày trước tết, người ta quay cuồng với việc đưa quà.
Chiều ba mươi gió rét bời bời. Tôi bảo với chồng tôi muốn bách bộ để ghi nhận. Đôi chân bồi hồi, tôi thương mình, tôi nhớ con, nhớ má, nhớ quê quá đỗi. Tôi phiêu lưu vầy có đúng không, tôi đang chen vào với nơi đất chật người đông và phải nói là nghèo khó, ngổn ngang so với miền Nam của tôi quá thể. Nhưng người đàn ông tôi yêu đã chờ tôi hàng chục cái tết một mình để các con hai bên lớn lên đủ cho chúng tôi rời xa chúng. Tôi khóc trong lòng, không cho chồng thấy, tôi ra khỏi nhà để khóc vì nhớ và thương những người tôi đã bỏ lại ở trong Nam.
Những người nghèo hối hả. Những cụ bà phong phanh với thúng mẹt về trong Lủ, cái xóm Lủ của họ gần với Kim Giang. Mùi than tổ ong sặc sụa trong không gian tối sập, hun hút. Nhiều nhà lúc này mới bắt mấy hòn gạch trên vỉa hè đặt nồi bánh chưng lên. Củi nhiều nguồn, đủ loại, cành cây đường phố, ván thùng, ván cốp-pha tôi thấy họ đã ý tứ thu nhặt và chất đống kín đáo lâu rồi. Bể nước công cộng đông chưa từng có, người ta lấy gàu múc cho nhanh thay vì chờ ở mấy cái vòi rô-bi-nê chậm rì. Chồng tôi đang đi guồng nước và cái gì chứa được thì đem ra chứa, để dành cho tôi mấy ngày không cần ra khỏi nhà.
Tôi dừng lại với mấy phụ nữ tổ vệ sinh, họ cũng đã vần công gói và đang nấu bánh chưng bên đường. Họ không có vẻ vội vã, dù gì cũng quá nửa đêm mới xong việc dọn dẹp đường phố để về với chồng con. Họ chia nhau đi quét dọn và canh bánh, tôi ngồi xuống với họ một chốc, cho tay gần lửa để tìm hơi ấm. Tôi đang no đủ, tôi chỉ tốn nhớ thương chứ tôi đâu thể sánh với trần ai của họ được. Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống mấy ai bằng mình! Tôi đứng lên, chạy đi, cùng chồng guồng và xách những thùng nước lên nhà, trên chiếc cầu thang dốc đứng.