Theo số liệu của Cục Thú y, đến nay, trên địa bàn khu vực Đông Nam bộ đã xây dựng thành công 22 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện tại Đồng Nai (7 huyện), Bình Dương (5 huyện), Tây Ninh (1 huyện), Bình Phước (6 huyện) và Bà Rịa - Vũng Tàu (3 huyện).
Vùng tổ chức tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm, giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Tổng đàn gia cầm tăng dần qua mỗi năm với tỷ lệ tăng trung bình của các tỉnh từ 5 - 15% /năm.
Tính đến tháng 2/2022, đàn gia cầm của 5 tỉnh thuộc thuộc khu vực Đông Nam bộ đạt hơn 59 triệu con (gần 52 triệu con gà, hơn 7 triệu con vịt, ngan, ngỗng).
Trong đó, tổng đàn gia cầm chăn nuôi theo quy mô trang trại chiếm gần 79% với 47 triệu con/1.000 trang trại (916 trang trại gà và 117 trang trại vịt).
Mạng lưới thú y và trạm, chốt kiểm dịch được củng cố trên cả vùng: 5/5 tỉnh tiếp tục duy trì Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú; 4/5 tỉnh tiếp tục duy trì Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, Ban thú y xã (mỗi xã có từ 1-3 thú y viên hoạt động).
Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 Trạm kiểm dịch động vật (Phú Mỹ, Châu Đức, Bình Châu). Tỉnh Bình Dương có 1 Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông (Trạm kiểm dịch động vật Vĩnh Phú nằm trên tuyến đường quốc lộ 13 thuộc địa bàn phường Vĩnh Phú, TP Thuận An).
Tỉnh Bình Phước có 2 Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và 1 Trạm kiểm dịch Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Tỉnh Đồng Nai có 1 Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông.
Cùng với đó, công tác tiêu độc khử trùng được tổ chức từ 3 đến 5 đợt tại các hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán gia cầm sống ở nông thôn, cơ sở giết mổ và nơi công cộng.
Cơ quan Thú y tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô nông hộ, với tần suất tiêm là 2 đợt/năm. Các tỉnh cũng tổ chức hoạt động giám sát dịch bệnh thông qua giám sát lâm sàn, huyết thanh và sự lưu hành của virus.