| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chất lượng, giữ vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam

Thứ Ba 19/09/2023 , 10:26 (GMT+7)

ĐBSCL Sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế khi cạnh tranh với Thái Lan, doanh nghiệp cần mối liên kết 4 nhà để xây dựng chất lượng, chiến lược đầu tư cho ngành hàng này.

Nói về thị trường xuất khẩu, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh, thế nhưng vẫn còn thấp so với Thái Lan. Đặc biệt, mới đây Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35% và thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trồng sầu riêng và doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Ngô Tường Vy – Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu nhận định so với nước bạn Thái Lan, sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện nay vẫn còn ít, tuy nhiên dư địa phát triển mặt hàng này vẫn còn. Ảnh: Kiều Trang

Bà Ngô Tường Vy – Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu nhận định so với nước bạn Thái Lan, sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện nay vẫn còn ít, tuy nhiên dư địa phát triển mặt hàng này vẫn còn. Ảnh: Kiều Trang

Tại tọa đàm “Giải pháp phát triển bền vững cho sầu riêng Việt Nam”, bà Ngô Tường Vy – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đánh giá động thái trên của Thái Lan là sự khẳng định về vị thế tiêu chuẩn chất lượng mà quốc gia này đã có tại nhiều thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc với đối tác Trung Quốc và có nhà máy đặt tại Thái Lan, bà Vy nhận định việc làm trên của Thái Lan là cách truyền thông cho chất lượng sản phẩm sầu riêng Thái và là lời cảnh báo cho những nhà hoạt động kinh doanh và nông dân trồng sầu riêng ở Thái Lan. Đó cũng là mục tiêu để Tập đoàn trái cây Chánh Thu quyết định đầu tư trên đất Thái.

Đứng trước cuộc đua “ngôi vương” trên thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, bà Vy đánh giá sầu riêng Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với nước bạn về hai tiêu chí sản lượng và chất lượng.

Về mặt sản lượng, Việt Nam đang đứng trước thách thức khi nông dân phát triển “nóng” cây sầu riêng, nguy cơ dẫn đến mất cân bằng cung cầu, hoạt động liên kết tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu so sánh với đất nước Thái Lan, sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện nay vẫn còn ít, dư địa phát triển mặt hàng này vẫn còn.

Bà Vy đưa ra dẫn chứng, vào cao điểm, các tỉnh trồng sầu riêng quy mô lớn nhất nước như Tiền Giang, Đồng Nai, Đăk Lăk thu hoạch tối đa khoảng 250 container/ngày. Nhưng đối với Thái Lan, việc xuất khẩu 1.000 container sầu riêng sang Trung Quốc là việc rất bình thường trong nhiều năm qua.

Tuy sản lượng sầu riêng Việt Nam còn thấp so với Thái Lan nhưng bà Vy đánh giá cao về lợi thế xử lý ra trái nghịch mùa của nông dân trồng sầu riêng Việt Nam. Nếu trước đây, chỉ số ít địa phương ở vùng ĐBSCL có thể trồng sầu riêng cho trái nghịch mùa, thì hiện nay sầu riêng có thể trồng được ở những vùng miền trên cả nước. Đặc biệt, ở những địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang…, điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, thế nhưng hiện bà con đã có thể trồng và được người tiêu dùng đánh giá cao về mặt chất lượng.

Trên đường đua về công tác quản lý chất lượng sản phẩm, Việt Nam đang cố gắng rất nhiều để xây dựng hình ảnh đẹp cho trái sầu riêng đất Việt trong mắt người tiêu dùng. Trong khi đó, Thái Lan đã thành công xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, khẳng định chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Chính phủ Thái Lan rất nghiêm túc quản lý và phát triển cây sầu riêng, đây được xem là một trong những ngành hàng chủ lực của quốc gia này. Theo đó, đơn vị quản lý của Thái Lan quy hoạch chi tiết về vùng trồng, diện tích, quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng mà người trồng phải tuân theo… Ngoài ra, đội ngũ nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo đất và canh tác hiệu quả.

Trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ Thái Lan đã làm rất tốt công tác truy xuất nguồn gốc, đảm bảo được chất lượng sản phẩm trên từng trái sầu riêng để giữ vững thương hiệu quốc gia. Bà Vy cho biết mỗi trái sầu riêng Thái Lan được bán trên thị trường đều có thông tin sản phẩm và số đường dây nóng để ghi nhận ý kiến phản ánh về chất lượng sản phẩm và do chính cơ quan quản lý chất lượng của Chính phủ nước này tiếp nhận, xử lý.

Chỉ khi có sự liên kết giữa 4 nhà: nhà nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học mới có thể xây dựng và giữ vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Ảnh: Kiều Trang.

Chỉ khi có sự liên kết giữa 4 nhà: nhà nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học mới có thể xây dựng và giữ vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Ảnh: Kiều Trang.

Cách làm của nước bạn khẳng định việc xây dựng thương hiệu quốc gia là mục tiêu lâu dài, đáng để quan tâm. Chỉ khi có sự liên kết giữa 4 nhà: nhà nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học mới có thể xây dựng và giữ vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

“Cái tôi cần nhất là chiến lược rõ ràng từ Chính phủ và Nhà nước Việt Nam, cần sự đầu tư cho ngành hàng sầu riêng một cách nghiêm túc như Thái Lan đã làm. Cũng như hỗ trợ về kinh phí để nghiên cứu về giống cây trồng, bộ tiêu chí về canh tác và quản lý chất lượng”, bà Vy kỳ vọng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.