| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nhãn hiệu tập thể lúa, gạo hữu cơ

Thứ Hai 01/11/2021 , 14:35 (GMT+7)

Trà Vinh Tỉnh Trà Vinh đang hỗ trợ nông dân trồng lúa hữu cơ tại hai xã cù lao Long Hoà – Hoà Minh, huyện Châu Thành xây dựng nhãn hiệu tập thể lúa, gạo hữu cơ.

Những năm qua, mô hình tôm – lúa hữu cơ ở hai xã cù lao Long Hoà và Hoà Minh huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã phát huy được tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Minh Lạc, ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa cho hay: Năm 2015, gia đình bắt đầu tham gia sản xuất lúa hữu cơ (gạo sạch) có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm Công ty Minh Trung (TP.HCM). Vụ lúa thu đông năm 2020, gia đình sản xuất 0,6ha với giống lúa ST24 được doanh nghiệp bao tiêu với giá 12.500 đồng/kg, đạt năng suất 5 tấn/ha và kết hợp thả 2 vụ tôm càng xanh.

Vụ 1, gồm có lúa và thả thêm 6.000 con giống tôm càng xanh. Vụ 2, từ tháng 2 đến tháng 8 không trồng lúa chỉ thả nuôi chuyên tôm càng xanh 10.000 - 15.000 con giống. Với giá bao tiêu hiện nay, người trồng lúa hữu cơ ở cù lao Long Hòa và Hòa Minh thu nhập 40 - 45 triệu đồng/ha/năm. Năng suất bình quân khoảng từ 5- 5,2 tấn/ha, cao hơn lúa truyền thống từ 15 – 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, nông dân có nguồn thu từ con tôm càng xanh khoảng 70 - 120 triệu đồng/ha.

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh khảo sát mô hình lúa hữu cơ tại cù lao Long Hoà và Hoà Minh. Ảnh: Hữu Đức.

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh khảo sát mô hình lúa hữu cơ tại cù lao Long Hoà và Hoà Minh. Ảnh: Hữu Đức.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh là đơn vị liên kết sản xuất, bao tiêu lúa hữu cơ cho Tổ hợp tác lúa hữu cơ Long Châu tại cù lao Long Hoà và Hoà Minh. Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX Châu Hưng cho biết: HTX bao tiêu vật tư nông nghiệp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho bà con nông dân với diện tích 25ha. Trong đó, HTX ký giá bao tiêu cố định là 9.000 đồng/kg lúa hữu cơ. HTX cũng hỗ trợ bà con 50% chi phí giống và 10% thuốc bảo vệ thực vật.

Điều đáng nói, bà con nông dân sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ do HTX Châu Hưng thực hiện đã giảm chi phí rất nhiều. Tổng chi phí sản xuất chỉ khoảng 1 triệu đồng/công, so với nông dân sản xuất bằng phương pháp hoá học chỉ bằng 60%, năng suất lúa của bà con đạt 6 tấn/ha.

Mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh áp dụng và nhân rộng. Đây là 1 trong 13 mô hình trồng trọt được Sở NN-PTNT Trà Vinh đánh giá hiệu quả ở cả 3 tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết: Trong suốt thời gian dài, mặc dù sản phẩm lúa hữu cơ của vùng đất cù lao Long Hòa và Hòa Minh được chứng nhận là sản phẩm sạch, đạt chứng nhận lúa hữu cơ, nhưng chưa xây dựng nhãn hiệu tập thể về sản phẩm “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh”. Từ đó, việc người dân hay địa phương muốn phát triển sản phẩm này cũng gặp khó do phụ thuộc vào các đối tác liên kết với nông dân để sản xuất.

Theo ông Trương Kính Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, năm 2020, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn hai xã Long Hòa và Hoà Minh được gần 110ha. Riêng trong vụ thu đông năm 2021 đã xuống giống được 61ha. Hiện nay, lúa hữu cơ của nông dân hai xã đảo Long Hoà và Hoà Minh được Công ty TNHH TMDV DL Minh Trung, HTX Phát Thành và HTX Châu Hưng bao tiêu. Khả năng diện tích đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ của hai xã cù lao Long Hoà và Hoà Minh từ 200 - 250ha/năm.

Hiện nay, Sở Khoa học Công nghệ Trà Vinh đang tiến hành hỗ trợ xác lập xây dựng nhãn hiệu tập thể “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” và tập huấn, hướng dẫn mô hình quản lý và phối hợp quản lý nhãn hiệu tập thể. Theo đó, Hợp tác xã Tiến Thành là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh. Đây sẽ là động lực để địa phương và người dân trên địa bàn phát huy hiệu quả, cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm lúa, gạo địa phương.

Ngoài một vụ lúa hữu cơ, nông dân còn tận dụng nuôi tôm càng xanh mang lại thu nhập cao. Ảnh: Hữu Đức.

Ngoài một vụ lúa hữu cơ, nông dân còn tận dụng nuôi tôm càng xanh mang lại thu nhập cao. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Trần Văn Nhàn, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ - Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho biết: Tại 2 xã này, bà con sản xuất lúa hữu cơ đạt chất lượng trong những năm qua. Mục tiêu của tỉnh là phải đăng lý được bảo hộ nhãn hiệu tập thể gắn với địa danh của hai xã Long Hoà và Hoà Minh. Bên cạnh đó, xây dựng bộ nhận diện sản phẩm theo nội dung thiết kế bao bì, website, cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết cũng như thực hành tốt nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu cuối cùng hướng đến là gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, mô hình sản xuất lúa ở 2 xã cù lao cơ bản được chủ động trong canh tác (triều cường, mặn) và người sản xuất đã nắm bắt rất tốt quy trình canh tác, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Thời gian tới, sau khi nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” được xác lập và công nhận sẽ là nền tảng trong việc quảng bá, xúc tiến và đưa sản phẩm trực tiếp đến với thị trường.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...