| Hotline: 0983.970.780

Lợn đen bản địa giúp vùng cao Hà Quảng giảm nghèo

Thứ Tư 10/06/2020 , 18:52 (GMT+7)

Từ bao đời nay, lợn đen vẫn là vật nuôi gắn bó với người dân vùng cao huyện Hà Quảng, là “cứu cánh” trong công tác giảm nghèo ở địa phương này.

Tiềm năng từ nuôi lợn đen

Hồng Sỹ là một trong những xã thuộc vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng với hơn 500 hộ dân, trong đó hơn 50% là hộ nghèo. Thiếu nước tưới, diện tích đất nông nghiệp ít, lại không tập trung nên với người dân ở đây, cùng với con bò, thì con lợn đen chính là tài sản quý giá của nhiều gia đình.

Anh Nông Văn Sầu, xóm Lục Kính, xã Hồng Sỹ là hộ phát triển nuôi lợn đen bản địa từ nhiều năm nay. Gia đình anh hiện có 3 lợn nái và hơn 10 lợn thịt trong chuồng. Dẫn chúng tôi đi thăm chuồng trại, anh Sầu chia sẻ: Cả 3 lợn nái của tôi vừa đẻ được gần 30 con lợn giống, đã bán 20 con loại 5 - 6kg với giá 1,5 triệu đồng/con. Với khoản tiền này sẽ giúp gia đình tôi có thêm chi phí cho sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học.

So với lợn trắng, lợn đen bản địa khá dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao, có thể nhốt trong chuồng hoặc thả rông xung quanh vườn nhà. Thức ăn chủ yếu của lợn đen là rau, cỏ rừng, chuối. Có thể nấu thêm ngô cho lợn ăn từ 1 - 2 bữa/ngày. Ngoài ra, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ thì đàn lợn sẽ phát triển khỏe mạnh, hạn chế được bệnh tật.

Đặc biệt, lợn đen thịt chắc, thơm ngon, ăn thịt mỡ ăn giòn, không bị ngấy như lợn trắng. "Tôi thường xuyên đi mua lợn đen của người dân trong xóm, xã để mổ rồi đem xuống các chợ phiên bán, được khách hàng rất ưa chuộng", anh Sầu cho biết thêm.

Anh Nông Văn Sầu, xóm Lục Kính, xã Hồng Sỹ phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa. Ảnh: Kông Hải.

Anh Nông Văn Sầu, xóm Lục Kính, xã Hồng Sỹ phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa. Ảnh: Kông Hải.

Sau nhiều năm chỉ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, anh Lý Văn Mỳ, xóm Lũng Ngần vừa tìm mua được 4 con lợn đen giống bản địa của người dân trong xóm về nuôi. Theo anh Mỳ, thời điểm này giá lợn giống quá cao nên anh chỉ đủ tiền mua vài con về thử tái đàn xem sao.

Nếu giá cả ổn định và dịch bệnh tả lợn Châu Phi (DTLCP) được khống chế triệt để, anh Mỳ tính sẽ tìm mua thêm mấy con lợn nái đen bản địa để gây giống, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn đen. Bởi so với lợn trắng, lợn đen dù lớn chậm nhưng giá cả rất ổn định và ít bị dịch bệnh hơn nên gia đình anh vẫn chọn nuôi lợn đen bản địa.

Ông Hoàng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Hồng Sỹ cho biết: Gần như gia đình nào trong xã cũng nuôi từ 3 - 5 con lợn đen. Sau đợt DTLCP vừa qua, một số gia đình duy trì được vài con lợn nái sẽ có nguồn giống tại chỗ để duy trì chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Tuy nhiên, đa số các hộ trong xã có chuồng trại nhỏ nên chủ yếu vẫn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Hiệu quả cao nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật

Lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Khi chọn giống nuôi, người dân cần chú ý lựa chọn những con có đầu nhỏ, lưng thẳng, ngực sâu, hông to, lông mịn, nhanh nhẹn và đặc biệt là có màu đen đặc trưng.

Ông Lý Văn Cậu, xóm Cả Giang, xã Thượng Thôn nhiều năm nay chỉ nuôi lợn đen nhưng do nuôi theo kiểu truyền thống, không chú ý đến khoa học kỹ thuật nên có lứa lợn đến gần một năm mới đủ trọng lượng để xuất bán.

Ông Cậu tâm sự: Hai con lợn nái của tôi đang chờ ngày đẻ. Giờ gia đình nào có lợn nái đen thời điểm này là có giá lắm vì giá lợn giống đang cao. Nếu lợn giống nuôi được khoảng 10 - 15 kg sẽ bán được 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/con. Tôi đang đi tìm thêm 1 - 2 con lợn nái bản địa ở trong xã và các xã lân cận để phát triển thêm đàn.

Theo ông Cậu, từ khi tham gia vào nhóm sở thích do Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ Cao Bằng, ông được các cán bộ phụ trách dự án cho tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, từ việc vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, tiêm phòng nên đàn lợn phát triển rất tốt và ít khi bị ốm. Hàng tháng các thành viên trong nhóm họp chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm trong chăn nuôi nên cũng có thêm nhiều bài học hay.

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hà Quảng cho biết: Muốn nuôi lợn đen hiệu quả thì người dân cần làm chuồng trại rộng rãi, thoáng mát để lợn có thể vận động dễ dàng và có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt. Cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho lợn. Dù không kén ăn nhưng nếu chế độ ăn không đảm bảo lợn đen dễ mắc bệnh, nhất là tiêu chảy. Thức ăn của chúng gồm có rau xanh, ngô, sắn…

Đặc biệt, người chăn nuôi cần có sổ để theo dõi tình trạng sức khỏe, lịch tiêm phòng, lịch tẩy giun… Nếu phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, cần tìm hiểu ngay để chữa trị kịp thời, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc làm giàu từ chăn nuôi lợn đen không hề khó nếu người dân chịu khó tìm hiểu những kỹ thuật cơ bản, áp dụng hợp lý.

Lợn đen bản địa dễ nuôi, thịt thơm ngon, dễ bán. Ảnh: Kông Hải.

Lợn đen bản địa dễ nuôi, thịt thơm ngon, dễ bán. Ảnh: Kông Hải.

Tìm hướng phát triển bền vững

Nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn đen, góp phần giúp xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng cao nhiều năm trở lại đây, huyện Hà Quảng đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển lợn đen trở thành hàng hóa và là vật nuôi mũi nhọn.

Những năm gần đây, từ các chương trình 30a, 135, huyện đã trích nguồn ngân sách hỗ trợ cho nhân dân hàng nghìn con lợn đen, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, góp phần cải thiện đàn lợn nái, nâng cao chất lượng đàn lợn đen.

Trung bình mỗi năm, huyện Hà Quảng bán ra thị trường hơn 10.000 con lợn đen, sản lượng khoảng 600 tấn thịt hơi. Với giá lợn đen hơi hiện nay từ 100 - 110 nghìn đồng/kg, mỗi năm người dân Hà Quảng thu về hơn 60 tỷ đồng từ bán lợn đen. Nhiều hộ chăn nuôi có thu nhập trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/năm từ nuôi lợn đen, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Ông Vương Văn Võ, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng thông tin: Lợn đen bản địa vẫn là “đặc sản” của huyện vùng cao Hà Quảng. Không chỉ bán trong địa bàn nội địa, thịt lợn đen Hà Quảng đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lợn đen ở một số địa phương trong huyện, giúp người dân yên tâm mở rộng chăn nuôi. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã lựa chọn hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về con giống từ nguồn vốn các chương trình 135, 30a để tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn đen.

Với thị trường tiêu thụ thịt lợn ngày càng khắt khe, người tiêu dùng ngày càng khó tính, đòi hỏi chất lượng thịt cao, sạch bệnh, an toàn thực phẩm. Do vậy, để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa mang tính bền vững, huyện Hà Quảng sẽ nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt khoa học kỹ thuật trong chăm sóc đàn lợn để thực sự mang lại hiệu quả cao, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm lợn đen đến tay khách hàng nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước hơn nữa.

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...