Đó là mục tiêu trong hoạt động tăng cường hợp tác công tư (PPP) trong hoạt động khuyến nông hiện nay tại Hội thảo quốc tế về hợp tác PPP trong hoạt động khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức tại Đăk Lăk.
Đẩy mạnh hợp tác công tư
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong 10 năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các nhóm công tác PPP.
Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 10.988 doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó, nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất công nghệ cao, phát triển thị trường. Nhiều tập đoàn lớn đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ nông nghiệp, mạnh dạn khai mở những hướng đi mới, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện còn quá thấp (khoảng 3 – 4%) và hình thức hợp tác công tư trong nông nghiệp khai thác thiếu hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong sản xuất nông nghiệp đã được ban hành song vẫn thiếu kênh thông tin để tiếp cận; những chính sách hỗ trợ và ưu đãi chưa thực hiện tốt, chủ yếu là do thiếu nguồn lực, quy trình thủ tục còn phức tạp; nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng gặp khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định hoặc tập trung đất đai để mở rộng sản xuất…
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam coi nông nghiệp là một mục tiêu quan trọng, đặt nông nghiệp làm động lực cho phát triển bền vững kinh tế xã hội, điều đó đòi hỏi ngành phải huy động và sử dụng hiệu quả hơn lượng vốn đầu tư lớn từ nhà nước và toàn xã hội.
Vì vậy, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cơ chế hợp tác công tư là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt.
Theo đó, nội dung bản dự thảo nguyên tắc hợp tác PPP về hoạt động khuyến nông đặt ra 5 nguyên tắc hợp tác, đó là: Hợp tác, bình đẳng, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự nguyện và trách nghiệm của các bên, phù hợp với pháp luật Việt Nam; Sử dụng nguồn vốn minh bạch, hiệu quả, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; Có cơ chế giám sát tài chính chặt chẽ trong quá trình triển khai, theo yêu cầu và thống nhất giữa các bên; Tăng cường công khai minh bạch thông tin; Tạo môi trường thuận lợi tốt nhất để thực hiện các hoạt động hợp tác PPP, góp phần thúc đầy sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo ông Lê Quốc Thanh, việc xây dựng khung hợp tác PPP sẽ hình thành được một “tuyến cao tốc” trong hợp tác công tư để kéo các doanh nghiệp, đối tác cùng tham gia vào hệ thống khuyến nông.
Tiếp tục phát huy kết quả sẵn có
Trên thực tế, hợp tác PPP cũng mới chỉ được áp dụng cho nông nghiệp trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong dự án hợp tác công tư đã chủ động tham gia vào công tác khuyến nông và sử dụng các dịch vụ của khuyến nông, bước đầu cũng đã mang lại hiệu quả nhất định.
Tại Đăk Lăk, chương trình hợp tác công tư “Khuyến nông viên gắn với vườn mẫu” trên cây cà phê được triển khai từ năm 2012.
Mục tiêu của chương trình là tập hợp các nông hộ sản xuất cà phê nhỏ lẻ, thành lập các nhóm nông dân để hỗ trợ tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác sản xuất cà phê và thông tin thị trường; xây dựng các vườn mẫu, làm điểm trình diễn nơi thực hành hướng dẫn cho nông dân trong nhóm, theo phương pháp “nông dân tập huấn nông dân”; hỗ trợ nâng cấp các nhóm đủ mạnh lên thành các hợp tác xã dịch vụ liên kết kết nối thị trường “mua chung, bán chung”.
Đến năm 2017, chương trình đã thành lập được 63 nhóm nông dân, với 3.262 hộ tham gia trên tổng diện tích gần 3.500 ha cà phê; thành lập được HTX Nguyên Trường Thịnh (huyện Krông Păk) và HTX Quyết Tiến (huyện Cư M’gar).
Theo ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk, chương trình hợp tác công tư là chương trình vận hành có nội dung thiết thực cho người nông dân, tập hợp được những nông dân cốt cán trong vùng tham gia một cách tự nguyện, không ràng buộc.
Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì các hoạt động mở rộng chương trình hợp tác công tư, mà cụ thể là chương trình khuyến nông viên gắn liền với các vườn mẫu cho các vùng chủ lực trồng cà phê trong tỉnh Đăk Lăk; tiếp tục duy trì củng cố các hoạt động của nhóm trưởng nông dân; ngoài cà phê, các mặt hàng khác như cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản cần có các nguồn lực hỗ trợ nông dân theo chương trình hợp tác công tư.
Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng Đại diện văn phòng Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên cho biết, Nestlé Việt Nam là đơn vị tiên phong tham gia vào hợp tác công tư từ năm 2010, ở nhiều ngành hàng như cà phê, ca cao, chè, nước uống đóng chai. Tham gia hợp tác công tư, Nestlé Việt Nam được lợi về nhiều mặt.
Cụ thể, ở ngành hàng cà phê, khi tham gia vào hợp tác công tư sẽ tạo được mạng lưới theo chuỗi giá trị để dễ dàng thu mua sản phẩm, giảm sự cạnh tranh với doanh nghiệp khác, đảm bảo thị trường đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, khi tham gia vào hợp tác công tư, người nông dân sẽ tuân thủ quy trình về sản xuất cà phê bền vững, tạo ra cà phê có chất lượng để Nestlé Việt Nam đưa vào nhà máy sản xuất và xuất khẩu.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã khẳng định, hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông là bước khởi đầu cần thiết, nên được mở rộng hơn nữa để các bên tham gia nhiều hơn.
Để hợp tác công tư bền vững và hiệu quả, cần phân tích trách nhiệm của các bên tham gia trên nguyên tắc bình đẳng, dựa trên Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để xây dựng khung chính sách rõ ràng, minh sạch, đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp; cuối cùng người hưởng lợi lớn nhất phải là người sản xuất.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cam kết sẽ huy động nguồn lực, vốn vay và hỗ trợ cao nhất các chương trình hợp tác công tư của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Khuyến nông cũng cần có chiến lược, kế hoạch đẩy mạnh hoạt động hợp tác công tư, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông; thời gian tới, trong hợp tác công tư cần chú trọng vào các mặt hàng như rau quả, tiêu, gạo, chăn nuôi, thủy sản…
Với mục đích phát huy tối đa tiềm lực ở hai khối công và tư, tạo sức mạnh tổng hợp góp phần vào quá trình đổi mới hệ thống khuyến nông, tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với UN women, Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) và Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) về hợp tác công tư.