Những con số ấn tượng
Thời gian qua, nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn đã xin chủ trương đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk (lợn thịt, lợn giống theo quy mô tập trung, đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất chăn nuôi).
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 8 công ty chăn nuôi triển khai liên kết sản xuất chăn nuôi lợn, gà theo hình thức gia công với 400 trang trại chăn nuôi với khoảng 200.000 con lợn (chiếm 23,3% tổng đàn lợn toàn tỉnh) và 3.000.000 con gà (chiếm 26,5% tổng đàn gà toàn tỉnh).
Trong số các công ty triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tương đối hoàn thiện theo hướng chuỗi liên kết kín.
Theo đó C.P. Việt Nam chủ động hợp đồng với cơ sở giết mổ tập trung để giết mổ gà thịt, giết mổ phân mảnh thịt lợn (một phần trong tổng số lượng sản phẩm chăn nuôi xuất bán từ nguồn sản liên kết gia công của công ty, còn lại xuất thô đi các tỉnh), nhập sản phẩm trứng gà từ tỉnh khác trong cùng hệ thống công ty để cung ứng cho thị trường trong tỉnh.
Còn tại Gia Lai, trong những năm gần đây, địa phương này đã tạo điều kiện và thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào lĩnh vực xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, theo hướng công nghiệp, ứng dụng các tiện bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 203 dự án với tổng diện tích hơn 9.300ha, tổng vốn đầu tư hơn 34.400 tỷ đồng. Trong đó, quy mô dự án gồm gần 105.000 con bò, hơn 4 triệu con heo, 40.000 con gà trứng giống bố mẹ, 19.200 con vịt đẻ trứng.
Tại đây, đã có 57 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp quyết định chủ trương đầu tư, 146 dự án đang xin chủ trương chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện có 25 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng gần 47.000 con bò; hơn 181.000 con heo.
Trong khi đó, tại huyện Phú Thiện, Công ty TNHH chăn nuôi Bảo Giang đầu tư trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao với quy mô 24.000 heo thịt mỗi năm, tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng. Cũng tại huyện này, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farms 79 đã đầu trang trại chăn nuôi heo Ricky Farms 79 với quy mô 32.000 con heo thịt mỗi năm, tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng.
Tại huyện Kbang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin với 2 dự án Trung tâm Giống heo công nghệ cao có quy mô 4.000 heo nái ông bà, 100.000 heo nái sinh sản/năm, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng và Trung tâm Giống gà công nghệ cao với quy mô 40 gà trứng giống bố mẹ, 4 triệu gà đẻ trứng mỗi năm, diện tích 40,66 ha, tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng.
Cùng với chăn nuôi heo, Gia Lai cũng đón nhận rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi bò công nghệ cao. Nổi bật có Công ty CP Chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa Đăk Ya tại huyện Mang Yang.
Trang trại có diện tích 620 ha, với quy mô 10.000 bò sữa, 2.000 bò thịt, tổng vốn đầu tư 861 tỷ đồng. Tại huyện Chư Prông, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên cũng đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô 25.000 con bò thịt, diện tích 155 ha, tổng vốn đầu tư 1.163 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đắk Nông, người chăn nuôi đang chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gia cầm. Địa phương này đã hình thành một số chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn, gia cầm giữa khoảng 100 hộ dân với các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty CJ Vina Agri, Công ty Japfa, Công ty Green Farm... việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư vào tỉnh, nên đã thu hút được rất nhiều dự án chăn nuôi lợn đi vào hoạt động.
Cụ thể, trang trại chăn nuôi lợn giống hạt nhân cụ kỵ Green Farm Asia của Công ty TNHH Green Farm Asia với quy mô 1.200 lợn hạt nhân cụ kị và 7.200 nái hậu bị cấp ông bà. Trang trại chăn nuôi lợn hậu bị của Công ty TNHH Đức Tiến Lê với quy mô 10.000 con lợn. Trang trại chăn nuôi lợn hậu bị của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Sơn Hải với quy mô 14.000 con lợn.
Trang trại chăn nuôi lợn hậu bị của Công ty chăn nuôi Khang Thọ với quy mô 48.000 con lợn. Trang trại chăn nuôi lợn thịt của Công ty chăn nuôi Quảng Phú với quy mô 24.000 con lợn. Trang trại chăn nuôi lợn hậu bị của Công ty Song Vũ với quy mô 24.000 con lợn và trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi Quảng Sơn với quy mô 2.700 con heo nái và 42.000 con heo thịt…
Các dự án giúp thay đổi bộ mặt nông thôn
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Chăn nuôi phát triển là cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Kết hợp với các dự án của các nhà đầu tư, nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, có chất lượng tốt hơn, sản phẩm chăn nuôi từng bước đủ tiêu chuẩn hướng tới xuất khẩu.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi được tuyên truyền phổ biến đến tận chăn nuôi nông hộ, làm thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán tiến tới chăn nuôi tập trung, từ đó ngành chăn nuôi của tỉnh Đắk Lắk đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô công nghiệp theo hướng chuỗi sản xuất khép kín.
Có thể khẳng định, đây là một xu hướng tất yếu, góp phần từng bước hiện đại hoá ngành chăn nuôi song hành với hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quy mô đàn vật nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng được nâng cao.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi đã góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đặc biệt, nghề chăn nuôi bò sữa đã giúp người chăn nuôi cải thiện nguồn thu nhập, ổn định kinh tế và vươn lên làm giàu.
Những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng tổ chức phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, hiện đại và bền vững. Để làm được điều đó, tỉnh này đã phê duyệt các đề án, kế hoạch, thực hiện các chương trình về đầu tư.
Tỉnh Lâm Đồng đã và đang ưu tiên, hỗ trợ các mô hình phát triển chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi nuôi theo hướng tuần hoàn gắn với xử lý chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Địa phương cũng thực hiện chính sách phát triển liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi nhằm phát triển ổn định và bền vững.
Tương tự với tỉnh Kon Tum, trong nhăng năm qua, nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đặc biệt chăn nuôi công nghệ cao, tỉnh này đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi.
Kết quả, đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có khoảng 54 dự án. Trong đó, UBND tỉnh đã thu hút 16 dự án đầu tư chăn nuôi, còn lại 38 dự án đầu tư của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp.
Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, việc phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô (lớn, vừa và nhỏ) ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ 5 trang trại chăn nuôi 2015, đến nay đã có hơn 100 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ các loại. Cùng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi công nghệ cao được áp dụng và nhân rộng đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn đinh sinh kế cho người lao động, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, các dự án đầu tư vào Gia Lai đã cung cấp sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương. Khi dự án đi vào hoạt động đóng góp cho ngân sách địa phương và Nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.