| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở Tây Nguyên [Bài 1]: Nhiều dư địa phát triển

Thứ Hai 22/05/2023 , 06:25 (GMT+7)

Tây Nguyên có diện tích đất tự nhiên lớn, dân cư thưa, kinh tế chủ yếu là trồng trọt nên có nhiều dư địa để phát triển chăn nuôi.

LTS: Với nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai cùng nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp chăn nuôi vào đầu tư, những năm qua ngành chăn nuôi tại Tây Nguyên phát triển rất mạnh đã giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi phát triển mạnh hiện nay chưa bền vững nhất là chăn nuôi hộ gia đình do lực lượng thú y còn thiếu và yếu, việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh còn nhiều khó khăn.

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.474 km2 chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước. Khu vực Tây Nguyên có mật độ dân số thấp hơn trung bình cả nước và có dân cư thưa thớt.

Những điều kiện trên thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển chăn nuôi.

Quỹ đất còn lớn

Đắk Lắk có diện tích hơn 650.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi. Cụ thể, địa phương này có nhiều lợi thế như quỹ đất lớn dễ hình thành các khu chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn.

Đắk Lắk cũng sở hữu các vùng trồng trọt lớn, nông dân rất nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao. Do đó, thuận lợi về nguồn thức ăn thô xanh cũng như hình thành mối liên kết sản xuất với bà con nông dân.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách ưu tiên và đầu tư đặc thù cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc.

Để thu hút đầu tư vào chăn nuôi, năm 2021, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, Đắk Lắk là tỉnh đứng thứ 10 trên cả nước và đứng đầu vùng Tây nguyên về quy mô đàn vật nuôi truyền thống như: bò, lợn, gia cầm và ong mật.

Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi vì quỹ đất lớn, dân cư thưa thớt. Ảnh: Tuấn Anh.

Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi vì quỹ đất lớn, dân cư thưa thớt. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực, điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn và phát triển các loại vật nuôi, thủy sản mang tính ôn đới, có lợi thế so sánh như: chăn nuôi bò sữa, bò thịt cao sản, nuôi tằm, chăn nuôi lợn, gà với quy mô lớn, các loại cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương có diện tích đất canh tác ổn định khoảng 300.000 ha với các loại cây trồng khác nhau tạo ra nguồn phụ phế phẩm như rau các loại, lúa, ngô, đậu… với khối lượng 1,62 triệu tấn/năm.

Nguồn phụ phẩm này có thể ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để xỷ lý, tái sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Đây cũng là một lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thức ăn và đầu tư xây dựng các trang trại nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn và bền vững.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh nằm ở phía Nam vùng Tây Nguyên và có các quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 55 nối liền với các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do vậy, tỉnh có lợi trong việc hợp tác trong sản xuất con giống, thức ăn, thuốc thú y, tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ.

Nhận thấy lợi thế, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chương trình, kế hoạch để giúp ngành chăn nuôi phát triển. Ảnh: Quang Yên.

Nhận thấy lợi thế, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chương trình, kế hoạch để giúp ngành chăn nuôi phát triển. Ảnh: Quang Yên.

Nhìn chung, tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Chất lượng đàn vật nuôi được nâng cao, tỷ lệ đàn bò sữa thuần đạt trên 90%, tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 78% tổng đàn, tỷ lệ giống heo ngoại và heo lai đạt trên 95%.

Cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, đàn trâu bò chiếm 16%, đàn lợn chiếm 36%, đàn gia cầm chiếm 36% và chăn nuôi động vật khác chiếm 12%”, ông Phạm Phi Long cho biết.

Xây dựng chăn nuôi thành ngành trụ cột

Còn tại tỉnh Kon Tum người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, địa phương này xác định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó trọng tâm là phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình nhằm khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh.

Với những kết quả đạt được trong phát triển chăn nuôi thời gian qua đã tạo điều kiện cho nông dân từng bước tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Kon Tum có tổng đàn gia súc ước đạt 274.500 con, trong đó đàn trâu 25.000 con, bò 84.500 con, lợn 165.000 con. Tổng sản phẩm chăn nuôi chủ yếu đạt 35.000 tấn.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh ước đến cuối năm 2022 đạt gần 850 ha, sản lượng thủy sản ước đạt trên 8.300 tấn.

Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đang đứng tốp đầu cả nước về đàn vật nuôi. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đang đứng tốp đầu cả nước về đàn vật nuôi. Ảnh: Quang Yên.

Về quy mô, liên kết trong chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 142 cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, trong đó có 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm; 104 cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn; 1 trang trại chăn nuôi dê quy mô lớn; 1 trang trại chăn nuôi bò quy mô vừa; có 34 liên kết trong hoạt động chăn nuôi.

Trong đó, chăn nuôi bò thịt, tập trung phát triển ở tiểu vùng khí hậu núi thấp Sa Thầy và tiểu vùng khí hậu máng trũng Kon Tum, với hướng bán thâm canh ở những nơi thuận lợi về bãi chăn thả, nguồn nước và hướng thâm canh ở các vùng hạn chế về bãi chăn thả nhưng có lợi thế về nguồn lao động và trình độ người lao động. 

Đối với chăn nuôi trâu phát triển chủ yếu ở các vùng sinh thái phù hợp thuộc địa bàn các xã vùng Đông Trường Sơn (như ở Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei) theo hướng chăn nuôi tận dụng dưới tán rừng.

Chăn nuôi heo và gia cầm phát triển đều khắp trên địa bàn tỉnh, ngoài chăn nuôi theo truyền thống, gần đây phát triển nhanh chăn nuôi heo hướng nạc, gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt theo hướng trang trại, công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, ngành chăn nuôi của tỉnh những năm qua đã phát triển tương đối nhanh, không những đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt cho người dân trong tỉnh mà còn xuất bán ra một số tỉnh, thành phố trong nước, ngành chăn nuôi đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển chăn nuôi đại gia súc  lấy sữa tại huyện Sa Thầy, Kon Plông và lấy thịt tại một số vùng có điều kiện. Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác cung ứng, sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”, dẫn dắt”, ông Mai chia sẻ.

Còn tại Gia Lai hiện tổng đàn gia súc trên 1 triệu con, gia cầm trên 4,5 triệu con. Ngoài ra, các loại vật nuôi khác như ong có trên 96.000 đàn, trên 1.000 nhà yến. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 5.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,45% trong cơ cấu ngành nông nghiệp .

Chăn nuôi sẽ là một trong mũi nhọn phát triển kinh tế và đang được các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển. Ảnh: Tuấn Anh.

Chăn nuôi sẽ là một trong mũi nhọn phát triển kinh tế và đang được các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển. Ảnh: Tuấn Anh.

Với đàn gia súc, gia cầm đông đúc như trên, ngành chăn nuôi tỉnh Gia Lai được xác định là một trong những ngành mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế của địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo cho bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa…

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, ngành chăn nuôi của tỉnh hiện nay có nhiều chuyển biến rõ nét, chuyển dịch từ quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tập trung, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng loài vật nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định. Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, khép kín tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Ông Thái Văn Dũng: “Ngành chăn nuôi nước ta hiện có thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn vì thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm là loại thực phẩm được ưa chuộng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều Hệp định thương mại tự do để xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia... Đây chính là cơ hội rất lớn để ngành chăn nuôi của tỉnh Gia Lai phát triển hiệu quả, bền vững”.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải

CẦN THƠ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tập huấn cho nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về giải pháp kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.