Chúng ta không thể phủ nhận sức hút của xe ô tô điện những năm gần đây. Thật không ngoa khi có người đã nhận định rằng ô tô điện sẽ là xu hướng mới và có thể thay thế ô tô chạy bằng nhiên liệu truyền thống.
Tại thị trường Việt Nam, xe VinFast là niềm tự hào khi đi tiên phong trong việc sản xuất ô tô điện. Sắp tới, xe VinFast sẽ được xuất khẩu sang thị trường mới là Hà Lan và châu Âu.
Dấu hỏi sắp có đáp án
Tháng 7/2022, những chiếc xe VinFast đầu tiên sẽ bắt đầu có mặt tại châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng. Đến tháng 11/2022, VinFast sẽ chính thức chào bán các mẫu xe của mình tại thị trường. Đây không phải là điều hoàn toàn bất ngờ đối với người tiêu dùng nước ngoài.
Đầu năm 2018, thương hiệu Việt Nam này đã trình làng hai mẫu xe đầu tiên là VinFast Lux SA2.0 và A2.0 tại hội chợ Paris (Pháp). Tuy được nhận định là bản sao của BMW X5 và 5-series, khoảng 25 nghìn sản phẩm này đã được bán. Điều này đã chứng tỏ sự quan tâm của người tiêu dùng trời Tây dành cho xe hãng xe Việt Nam.
Một điều thú vị là, mẫu xe điện hạng sang của Trung Quốc đã được rất nhiều người quan tâm cũng sẽ được chính thức bán tại châu Âu vào cùng thời điểm này. Vậy, thái độ nhìn nhận của người dân Hà Lan, những khách hàng tiềm năng, sẽ như thế nào đối với hai mẫu xe này? Xe VinFast của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài hay không?
“Made in Vietnam” có được thiện cảm ở châu Âu?
Trong bối cảnh cả hai mẫu xe VinFast từ Việt Nam và xe Trung Quốc cùng chào bán cùng lúc, ấn tượng của người tiêu dùng dành cho cả hai cũng sẽ khác biệt.
Trong tâm lý chung của người tiêu dùng tại châu Âu là sản phẩm “Made in China” đại diện chất lượng thấp, giá rẻ và thường là hàng nhái mẫu mã. Điều này cũng không hề khó hiểu bởi vì hàng hóa Trung Quốc xưa nay nổi tiếng là cạnh tranh về giá, đa dạng mẫu mã nhưng lại không đảm bảo chất lượng. Không chỉ đối với người tiêu dùng châu Âu, người tiêu dùng ở nhiều thị trường khác trên thế giới cũng có những cảm nhận tương tự.
Với các hàng “Made in Vietnam”, may mắn thay điều này "chưa" xảy ra. Hình ảnh về Việt Nam trong mắt và suy nghĩ của người dân châu Âu vẫn là một đất nước đẹp, con người thân thiện và cần cù. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một đất nước còn kém phát triển và lạc hậu, đa số sản phẩm từ nông nghiệp, các sản phẩm công nghiệp còn thô sơ và chưa vươn lên bắt kịp với xu hướng thế giới.
Chính vì những quan điểm ban đầu này, mà đại đa số người dân châu Âu đón nhận sản phẩm xe VinFast của Việt Nam với thái độ tò mò có phần nể phục. Thiện cảm từ người tiêu dùng là một dấu hiệu tốt khi chuẩn bị ra mắt sản phẩm, tuy nhiên vẫn chưa đủ để chinh phục thị trường.
Thách thức đặt ra là chúng ta không nên đi theo vết xe đổ của Trung Quốc, ảnh hưởng đến các thương hiệu đến từ Việt Nam.
Cá nhân tôi, một người làm trong lĩnh vực đại diện thương mại và xuất nhập khẩu giữa Hà Lan và Việt Nam trong gần 12 năm, tin tưởng và hy vọng rằng chúng ta sẽ không làm như vậy. Tạo lập và giữ gìn uy tín, thương hiệu của một đất nước là trách nhiệm không chỉ của một tập đoàn, dù tập đoàn đó có đứng đầu cả nước, mà đó là trách nhiệm của tất cả các doanh nghiệp, thậm chí là từng cá nhân của đất nước đó.
Từ trước đến nay, chất lượng xe VinFast đã được chứng minh qua sức hút tại những thị trường trong nước và số lượng người tiêu dùng trung thành. Chúng ta có cơ sở tin rằng xe VinFast cùng các dòng ô tô của họ sẽ giúp Việt Nam củng cố và quảng bá thương hiệu đất nước thông qua những sản phẩm của mình, mang sản phẩm “Made in Vietnam” đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới, trong trường hợp này cụ thể là thị trường Hà Lan.
Giải pháp tiếp cận thị trường châu Âu cho các sản phẩm Việt Nam
Nói về chiến lược cạnh tranh, đâu là hướng đi đúng đắn tại thị trường Hà Lan và EU? Hàng hoá của Trung Quốc dù có mặt ở khắp nơi nhưng đa số hoặc là sản xuất gia công không thương hiệu cho những hãng nổi tiếng của EU và Mỹ; hoặc phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt về giá cả.
Một đặc điểm quan trọng của người tiêu dùng khi quyết định mua sản phẩm đó là "Pride" (Sự tự hào) bởi vì họ sẽ lan truyền sự tự hào này đi rất xa và rộng, để tạo nên một cộng đồng những người cùng sử dụng sản phẩm đó. Sự tự hào này được xây dựng chủ yếu dựa trên "brand story" (câu chuyện thương hiệu), đôi khi họ mua chỉ đơn giản vì họ muốn trở thành một phần trong câu chuyện của thương hiệu đó và trải nghiệm cảm giác chia sẻ lại sản phẩm hay câu chuyện thương hiệu đến cho những người khác.
Trái lại, khi mua sản phẩm rẻ với chất lượng trung bình thì người tiêu dùng sẽ không có hoặc có rất ít sự tự hào khi mua và sử dụng hay lan truyền sản phẩm này để động viên người khác mua. Đặc biệt đối với người tiêu dùng châu Âu, với mức sống cao và thu nhập ổn định, đa số họ có xu hướng tìm đến những sản phẩm có chất lượng và hình ảnh thương hiệu tốt thay vì tiết kiệm để mua các sản phẩm giá rẻ nhưng không đảm bảo chất lượng.
Do đó, cạnh tranh về giá cả luôn là con đường khó khăn và đôi khi là không sáng suốt đối với một số mặt hàng và đối tượng khách hàng. Để ra được một hướng đi phù hợp, cần nhiều sự phân tích và kinh nghiệm hơn là chỉ tập trung vào giá thành rẻ.
Gạo và cà phê mà người dân châu Âu hay Hà Lan vẫn đang dùng hàng ngày với những tem mác của nước ngoài, rất có thể là của Việt Nam. Nhưng các sản phẩm này với nhãn “Made in Vietnam” gần như không có trong tiềm thức người dân Hà Lan. Trái vải thiều của Việt Nam xuất ra có giá vào khoảng 1 - 2 EUR/kg, khi bán tại Hà Lan lên đến 15 - 18 EUR/kg, nhưng lại chỉ bán trong các siêu thị châu Á, trong khi các siêu thị dành cho người bản địa Hà Lan thì không có mặt.
Cũng chính vì phần đông các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hà Lan hoặc EU với sản phẩm “Made in Vietnam” thường phải thông qua rất nhiều kênh trung gian nên giá xuất khẩu thường bị ép xuống rất thấp. Trong khi sản phẩm này sang đến thị trường Hà Lan hoặc EU thì lại có giá khá cao.
Kế hoạch kinh doanh ngắn, chỉ nhắm đến việc bán sản phẩm, mà không có kế hoạch lắng nghe sự phản hồi từ người tiêu dùng tại thị trường để có chiến lược tăng giá trị sản phẩm hay tạo ra sản phẩm gần nhất với nhu cầu thực tế tại thị trường. Nói cụ thể như tình hình nông sản của Việt Nam chẳng hạn, khi được mùa thì giá thấp, khi mất mùa thì giá cao. Đơn hàng không đều đặn và không dài hạn, khiến người sản xuất ở đây là người nông dân, không thể có kế hoạch sản xuất phù hợp được. Cũng chính từ đây lợi thế cạnh tranh bị mất đi.
Không có công thức chung cho tất cả sản phẩm trong hoạt động xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận đúng và phù hợp với nhu cầu khách hàng tại thị trường mục tiêu. Cụ thể ở thị trường châu Âu, các thói quen tiêu dùng và phản ứng của khách hàng với các sản phẩm khác nhau cũng sẽ khác nhau.
Để hiểu đúng và tiếp cận tiếp cận đúng, các doanh nghiệp nên cần một cộng sự tư vấn đã thực sự sống, làm việc và hiểu rõ văn hoá thương mại tại Hà Lan nói riêng và Châu Âu nói chung. Đồng thời, công ty tư vấn có những mối quan hệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nên có thể hỗ trợ doanh nghiệp những điều cần thiết và gắn bó xuyên suốt với doanh nghiệp mà không qua trung gian khác. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, rút ngắn thời gian và tiết kiệm kinh phí đầu tư.