| Hotline: 0983.970.780

Xem xét cơ chế đặc thù cho Lào Cai phát triển kinh tế cửa khẩu

Thứ Sáu 30/08/2024 , 18:34 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Công thương cam kết ủng hộ, hỗ trợ để Lào Cai khai thác hết tiềm năng về khoáng sản, thương mại dịch vụ cũng như giao thương hàng hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Đặng Xuân Phong chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Hòa.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Đặng Xuân Phong chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Hòa.

Sáng 30/8, tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, tỉnh hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành cực tăng trưởng của khu vực miền núi phía Bắc và cả nước, nhất là phát triển năng lượng sạch, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, giao thương hàng hóa, dịch vụ logistics.

Điều này thể hiện ở tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm gần 80% GRDP của Lào Cai. 7 tháng đầu năm 2024, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh tiếp tục tăng trưởng.

Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,7% (xếp thứ 8 trong vùng), tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 14,2% (gấp 2 lần mức bình quân cả nước), kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 2 lần (cả nước tăng 15,7%).

Thuộc 2 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn), Lào Cai là một trong những cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc. 

Hiện Lào Cai có cửa khẩu quốc tế Kim Thành và thêm 2 cửa khẩu nữa đang quy hoạch. Hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, trong tương lai có thể thêm đường hàng không.

Tuy nhiên, Lào Cai cũng còn một số tồn tại. Theo Bộ trưởng Diên, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, công nghệ chậm đổi mới, cơ cấu ngành thiếu cân đối (tỷ trọng công nghiệp chế biến thấp, trong khi tỷ trọng công nghiệp khai thác cao).

Kinh tế cửa khẩu còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chưa mở rộng sang nhiều thị trường khác. Việc tận dụng cơ hội mở cửa thị trường từ các FTA thế hệ mới còn hạn chế. Thị trường nội địa sức mua thấp. Hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, quy mô còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Công thương thị sát cửa khẩu Kim Thành. Ảnh: Cấn Dũng.

Bộ trưởng Bộ Công thương thị sát cửa khẩu Kim Thành. Ảnh: Cấn Dũng.

Một vấn đề nữa là quy hoạch vùng mới phê duyệt tháng 5/2024, chậm hơn 1 năm so với quy hoạch tỉnh. Do đó, một số quy hoạch ngành, quy hoạch vùng có thể chưa được cập nhật trong quy hoạch tỉnh.

"Lào Cai có nhiều điều kiện để triển khai các dự án, nếu triển khai được thì không chỉ nâng năng lực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ mà còn đánh thức tiềm năng của địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển", Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai thời gian tới là kinh tế cửa khẩu. Tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét các giải pháp, chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu (trước mắt là cửa khẩu Kim Thành) và phương án thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Hiện tỉnh đã trình Chính phủ kế hoạch xây dựng và triển khai hệ thống cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Kim Thành và cặp cửa khẩu Bản Vược - Bá Sái. Cùng với đó, Lào Cai mong muốn đẩy nhanh việc xây dựng, mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu song phương, các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, lối mở.

Song song đó, Lào Cai cũng đang thiết lập các điểm chợ theo Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc dựa trên biên bản đã ký kết giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam tại hội nghị thường niên lần thứ 4.

Bí thư Phong đề nghị Bộ Công thương tạo điều kiện cho Lào Cai thực hiện các cơ chế đặc thù để phát triển khu thương mại qua biên giới, tạo thuận lợi để địa phương huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối biên mậu, khai thác hiệu quả vị trí cầu nối giao thương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thị sát các cơ quan làm việc tại khu vực cửa khẩu Kim Thành. Ảnh: Cấn Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thị sát các cơ quan làm việc tại khu vực cửa khẩu Kim Thành. Ảnh: Cấn Dũng.

Tổng kết chương trình làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Lào Cai tập trung phát triển công nghiệp, khai thác chế biến sâu khoáng sản, xây dựng địa phương trở thành trung tâm luyện kim, cơ khí, hóa chất lớn của cả nước.

Tỉnh cũng cần gấp rút triển khai các kế hoạch về năng lượng, phấn đấu đến năm 2030 đạt đủ công suất 28MW điện mặt trời mái nhà, 30MW điện sinh khối, 1MW điện rác, 25 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 223,5MW, 1 dự án Nhà máy Nhiệt điện Đức Giang công suất 100MW...

Về đề xuất phát triển kinh tế cửa khẩu, người đứng đầu Bộ Công thương đề nghị Lào Cai trước mắt chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và triển khai thực thi các quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ. Chú trọng đầu tư hạ tầng logistics, kho, bãi, nhất là ở khu vực cửa khẩu, tạo thuận lợi cho phát triển lưu thông hàng hóa.

"Bộ Công thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoàn toàn ủng hộ, hỗ trợ để Lào Cai phát triển", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Diên, là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng khá cao (gần 60%), Lào Cai cũng nên quan tâm khai thác thế mạnh này, hướng tới phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng có chứng chỉ xanh để sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu một số nông sản thế mạnh như chè, quế, dược liệu… nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính.

Buổi làm việc với tỉnh Lào Cai nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với các địa phương trong tháng 8/2024. Trước đó, từ ngày 7 - 9/8, ông đã thị sát tại 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định. Gần nhất ngày 15/8, Bộ trưởng làm việc tại 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.