Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát cũng cho biết, đã xem xét, cân nhắc việc bị cáo Chu Lập Cơ là người nước ngoài, không thạo tiếng Việt, nhưng do tin tưởng vợ là Trương Mỹ Lan và nhân viên cấp dưới, nên dù không biết rõ nội dung văn bản nhưng ông Cơ vẫn đồng ý ký văn bản.
Đó là nội dung phần đối đáp về quan điểm bào chữa giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chu Lập Cơ tại phiên tòa chiều ngày 1/4.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan cũng được luật sư bào chữa trình bày trước tòa 1 số tình tiết mới.
Những tình tiết giảm nhẹ mới của ông Nguyễn Cao Trí
Tại phần đối đáp trong phiên tòa chiều 1/4, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí không tranh luận về tội danh, nhưng đưa ra nhiều nội dung đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét như: Các khoản tiền đã nhận, ý thức khai báo, trách nhiệm bồi thường và các tình tiết mới... Luật sư đề nghị để giảm nhẹ, thậm chí đề nghị miễn hình phạt cho bị cáo Trí.
Đáp lại, Viện Kiểm sát cho rằng một số nội dung luật sư đưa ra là có cơ sở. Cụ thể, khi vụ án bị khởi tố, bị cáo Trí thừa nhận đã nhận của bà Lan 1.000 tỉ đồng. Suốt qúa trình diễn ra phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận, có trách nhiệm trong việc bồi thường bằng việc tác động gia đình nộp lại hơn 600 tỉ đồng.
Luật sư còn kiến nghị áp dụng quy đổi giá ngoại tệ tại thời điểm xét xử đối với số tiền 3,3 triệu USD cơ quan điều tra thu giữ để khắc phục hậu quả vụ án; đề nghị ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ mới và kiến nghị ghi nhận chấm dứt quan hệ ba giao dịch với bà Trương Mỹ Lan (kết chuyển thành chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang). Về kiến nghị này, Viện Kiểm sát cho rằng có căn cứ.
Trong phiên xét xử sáng 2/4, chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo gia đình bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella, mới nộp thêm 61 tỷ đồng để khắc phục hậu quả số tiền 1.000 tỷ đồng chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan.
Về ba giao dịch với bà Trương Mỹ Lan gồm: thỏa thuận mua bán cổ phần Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai; thỏa thuận mua bán cổ phần Công ty Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh và thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh.
Luật sư cho rằng ba giao dịch trên được các bên thiết lập, thỏa thuận, triển khai, sau đó bà Lan không tiếp tục thì mới hoán đổi thành 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang nên kiến nghị hội đồng xét xử tuyên chấm dứt ba giao dịch này. Về kiến nghị này, đại diện viện kiểm sát đồng tình với quan điểm của luật sư bào chữa cho ông Trí.
Đồng thời, với các tình tiết giảm nhẹ mới như: ông Trí có nhiều đóng góp cho xã hội, gia đình có công cách mạng... từ đó Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét khi lượng hình.
Về kiến nghị của Luật sư trong việc chấm dứt 3 giao dịch với tổng số tiền 1.000 tỉ với bà Trương Mỹ Lan, Viện Kiểm sát xét thấy theo nội dung vụ án đã làm rõ tại tòa, bị cáo Trí và bà Lan có thỏa thuận về 3 giao dịch với tổng các khoản tiền là 1.000 tỉ đồng nên kiến nghị của luật sư là có cơ sở.
Ngoài ra, đối với số tiền 3,3 triệu USD cơ quan điều tra đang tạm giữ để khắc phục hậu quả vụ án, Luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử áp dụng định giá tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm xét xử.
Đối với tình tiết luật sư đề nghị không áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, phạm tội hai lần trở lên đối với bị cáo Trí, Viện Kiểm sát cho rằng không có căn cứ. Theo đó, Viện Kiểm sát khẳng định các bị cáo bị áp dụng tình tiết trên đều là những người có chức vụ, tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Lan, từ đó các bị cáo lên kế hoạch, chỉ đạo các nhân viên để giúp sức tích cực cho bị cáo Lan…đây là phạm tội có tổ chức.
Các bị cáo chỉ đạo thành lập các đơn vị cho bà Lan vay, chỉ đạo lập công ty ma, thông đồng cấu kết với công ty thẩm định giá để nâng khống chứng thư, lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền… đó là phạm tội tinh vi.
Các bị cáo dù biết rõ khoản vay không đảm bảo pháp luật nhưng vẫn kí hợp thức hóa hồ sơ vay tín dụng; mỗi hồ sơ là đồng nghĩa đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan. Đây là phạm tội 2 lần trở lên.
Xem xét hoàn cảnh phạm tội của bị cáo Chu Lập Cơ
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ không tranh luận về tội danh của bị cáo Cơ, mà chỉ nêu hoàn cảnh phạm tội, xác định thiệt hại, chứng thư thẩm định của Công ty Hoàng Quân và thái độ hợp tác, khắc phục hậu quả của bị cáo
Theo Viện Kiểm sát, hậu quả thiệt hại trong vụ án của từng bị cáo được cáo trạng xác định rất rõ. Đối với bị cáo Chu Lập Cơ đã liên đới gây ra thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 9.000 tỉ đồng. Số tiền này đã được trừ đi giá trị tòa nhà Times Square được định giá hơn 30.000 tỉ đồng theo kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân (tính đến thời điểm khởi tố vụ án, Times Square đã được thế chấp cho 46 khoản vay với tổng dư nợ gốc, lãi là hơn 39.100 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền thiệt hại được xác định là 9.100 tỉ đồng).
Về chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân, tại mục 6 của chứng thư đã ghi rõ các nội dung về diện tích tòa nhà Times Square và xác định đơn giá công trình trên đất của tòa nhà. Do tòa nhà Times Square đang được sử dụng nên Công ty Hoàng Quân sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền. Nên chứng thư xác định tòa nhà trị giá hơn 30.000 tỉ đồng là phù hợp.
Đối đáp với quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ cho rằng cần xác định lại thiệt hại vụ án để làm căn cứ buộc tội và khắc phục hậu quả, Viện Kiểm sát cho biết, cơ quan tố tụng căn cứ vào Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để xác định thiệt hại tính từ thời điểm khởi tố vụ án.
Về việc luật sư đề nghị xem xét hoàn cảnh phạm tội, thái độ hối lỗi, hợp tác và khắc phục hậu quả của bị cáo Cơ để xem xét giảm nhẹ hình phạt, đại diện Viện Kiểm sát cho biết đã xem xét, cân nhắc trong phần luận tội. Đó là các tình tiết như ông Cơ là người nước ngoài, không thạo tiếng Việt, trong quá trình ký văn bản, bị cáo đã tin tưởng vợ là bà Trương Mỹ Lan cũng như các nhân viên cấp dưới. Vì vậy, dù không biết nội dung văn bản nhưng ông Cơ vẫn đồng ý ký.
Bị cáo Trương Mỹ Lan luôn sẵn sàng xử lý tài sản, khắc phục hậu quả
Sau khi nghe quan điểm đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáoTrương Mỹ Lan, đã trình bày một số vấn đề mới phát sinh trong vụ án tại phiên tòa. Theo luật sư Hoài, bị cáo Lan luôn cam kết tự nguyện về hướng xử lý tài sản nằm ngoài danh mục kê biên nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Trong đó, tòa nhà Capital Place, ở số 29 Liễu Giai, TP.Hà Nội, cùng việc xuất hiện bốn ngân hàng nước ngoài cho rằng bà Lan không có quyền bán, vì đang bảo đảm khoản vay có thời điểm đáo hạn trả nợ là ngày 30/4 tới. Luật sư cho rằng ý kiến của bốn ngân hàng trên là phù hợp với ý kiến của bà Lan khi làm việc với các luật sư và con gái.
Theo đó, bà Lan đề nghị các bên liên quan tìm kiếm các đối tác nhằm có được giá chuyển nhượng tốt nhất, bên cạnh việc thanh toán khoản nợ tại ngân hàng nước ngoài, số còn lại hoàn trả ba gói trái phiếu Setra, Quang Thuận 2018 và Sunny World.
Cũng theo luật sư, với mong muốn khắc phục hậu quả (nếu có) một cách hiệu quả, gia đình bà Trương Mỹ Lan đã trao đổi và giao cho quỹ đầu tư Vantage Point đề xuất một giải pháp toàn diện cho các tài sản liên quan đến SCB.
Gia đình bà Lan cũng xin đề xuất tương tự cho việc bán, chuyển nhượng, phát triển đối với các dự án đang được thế chấp tại SCB. Gia đình bà Lan cho rằng cần một giải pháp dài hạn để tối ưu hóa tiềm năng tăng giá đáng kể của các dự án.
Bởi thực tế Công ty Peninsula đã đền bù 96% đất cho dự án Mũi Đèn Đỏ, còn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã đạt thỏa thuận đền bù 71% đất cho dự án Amigo.
Từ những ý kiến đối đáp của mình, luật sư Hoài kiến nghị hội đồng xét xử xem xét, kiểm tra tính xác thực về số liệu quy buộc bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt trong hành vi “tham ô tài sản” và gây thiệt hại cho SCB trong hành vi “vi phạm quy định về cho vay”. Từ đó, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh và mức hình phạt “tử hình” mà viện kiểm sát đã đề nghị đối với thân chủ mình là bị cáo Trương Mỹ Lan.